CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM - Mã: HND) đã công bố báo cáo tài chính Quý 4/2021 với doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt là 2,268 tỷ đồng (-8,7% yoy) và 260 tỷ đồng (-51% yoy). Sản điện thương phẩm đạt 1,5 tỷ kWh (+7% yoy), trong đó sản lượng Qc được phân bổ là 1,4 tỷ kWh (+16% yoy). Lợi nhuận của HND giảm mạnh là do giá bán điện cố định sụt giảm mạnh sau khi hết giai đoạn giá profile.
Kết quả kinh doanh năm 2021 sụt giảm mạnh nhưng BVSC kỳ vọng lợi nhuận của HND sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong năm 2022 nhờ:
Sản lượng điện theo hợp đồng gia tăng. Năm 2021, HND chỉ được phân bổ 5,2 tỷ kWh Qc. Năm 2022, chúng tôi ước tính sản lượng Qc của HND được phân bổ khoảng 5,5 tỷ kWh (+5,8% yoy).
Sản lượng và giá bán trên thị trường phát điện cạnh tranh tăng mạnh mẽ trong năm trong 2022 nhờ những yếu tố: (1) nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng khi nền kinh tế phục hồi; (2) tình hình thủy văn kém thuận lợi cho thủy điện; (3) sự cố kỹ thuật nghiêm trọng ở một số nhà máy phát điện; (4) giá trần và giá CAN trên thị trường phát điện cạnh tranh gia tăng.
Kết quả kinh doanh sụt giảm trong năm 2021 thì nhiều khả năng HND chỉ trả cổ tức được tương đương kế hoạch (8%) hoặc cao hơn kế hoạch một chút. Tuy nhiên lợi nhuận của HND tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong năm 2022 cũng như HND sẽ thanh toán hết toàn bộ nợ vay vào 2024 giúp cho tỷ lệ cổ tức HND sẽ tăng lên mạnh mẽ trong những năm tới.
Quan điểm đầu tư: Kết quả kinh doanh năm 2021 sụt giảm mạnh làm cho cổ phiếu HND đã đi ngang trong suốt cả năm 2021. Tuy nhiên, HND sẽ trở lại mạnh mẽ trong năm 2022 với mức tăng trưởng lợi nhuận ước tính khoảng 92%. HND cũng sắp thanh toàn hết nợ vay và khấu hao đang giảm nhanh giúp cho HND có thể gia tăng tỷ lệ cổ tức lên mức rất cao trong những năm tới.
Cùng với đó, mức định giá của HND cũng rất hấp dẫn với mức giá mục tiêu theo phương pháp DCF là 27.300 VND/CP (tiềm năng tăng giá 44% so với mức giá đóng cửa ngày 21/01/2022 là 19.000 VND/CP). Do đó, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu HND với mức giá mục tiêu là 27.300 VND/CP.
Cổ phiếu DBC (CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam – sàn HOSE) đang có những phiên giao dịch tích cực để kiểm tra lại đỉnh vừa được xác lập với đường giá vừa cắt lên cả đường MA20 và MA50. Thanh khoản của cổ phiếu đang khả quan, vượt lên trung bình 20 ngày.
Các chỉ báo xu hướng như RSI và MACD đều ủng hộ xu hướng tăng khi MACD vừa cắt lên đường 0 và đường tín hiệu cũng như RSI vừa vượt qua ngưỡng 50. Trên góc nhìn Fibonacci, DBC đã break thành công ngưỡng 23,6% tương đương với vùng giá 75-76 để hướng tới các mục tiêu cao hơn.
Nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mở vị thế ở ngưỡng 76-76.5, chốt lời tại vùng 89-89.5 và xem xét cắt lỗ khi cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ 70.0.
CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE - Mã: DGC) vừa công bố doanh thu Q4/2021 đạt 3.456 tỷ đồng, tăng 118% YoY, LNST đạt 1.401 tỷ, tăng 476% YoY. Lũy kế cả năm 2021, DGC ghi nhận doanh thu 9.550 tỷ, tăng 53% YoY, LNST đạt 2.514 tỷ, tăng 165% YoY. Như vậy, DGC đã hoàn thành 126% kế hoạch doanh thu và 229% kế hoạch LNST.
Doanh thu Q4/2021 tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ: 1) sản lượng tiêu thụ tăng nhờ các dự án mới đi vào vận hành như Khai Trường 25, Nhà máy axit phosphoric; 2) giá bán tiếp tục cải thiện. Ngoài ra, công với việc áp dụng công nghệ mới giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, biên lợi nhuận gộp Q4/2021 đạt 46,8%, cải thiện mạnh so với mức 24,0% cùng kỳ.
FSC cho rằng nhu cầu hóa chất sẽ tiếp tục xu hướng tăng đến ít nhất Q1/2022 do Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm sản xuất mặt hàng hóa chất do vấn đề môi trường trước Thế vận hội Bắc Kinh (tháng 2/2022). Trong 2022, nhà máy axit phosphoric điện tử mới, công suất 90.000 tấn/năm, vận hành thương mại từ Q4/2021 sẽ là động lực tăng trưởng cho DGC. Bên cạnh đó, công nghệ mới giúp giảm chi phí cũng sẽ cải thiện biên lợi nhuận 2022.
Trong ngắn hạn, kế hoạch thoái vốn 6 triệu cổ phiếu DGC còn lại của Vinachem từ 13/01/2022 – 11/02/2022 sẽ là thông tin hỗ trợ giá cổ phiếu. Trước đó, tháng 12/2021, Vinachem đã bán hơn 9,1 triệu cổ phiếu DGC thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn với giá ước tính trung bình khoảng 160.000 – 170.000 đồng/cổ phiếu.
Ở mức giá đóng cửa hiện tại, DGC đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 10.5x (tương ứng EPS 2021 là 13.125 VNĐ). Mức Stock Rating của DGC ở mức 93 điểm cho nên chúng tôi duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của DGC tiến sát đường trung bình 20 ngày với KLGD tăng nhẹ và vẫn thấp hơn mức KLGD trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền vẫn chưa hoàn toán quay trở lại cổ phiếu này. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của DGC được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng khi xu hướng thị trường xác nhận tăng.
Mức Stock Rating của SZC (CTCP Sonadezi Châu Đức – sàn HOSE) ở mức 87 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.
Đồ thị giá của SZC đóng cửa phiên 20/1 tăng 7% và đồ thị giá vượt lên trên đường trung bình 20 phiên với KLGD tăng 60% so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá của SZC có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy đồ thị giá có thể sẽ sớm vượt được mức đỉnh ngắn hạn 74.00.
Xu hướng ngắn hạn của SZC cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng khi xu hướng ngắn hạn của thị trường xác nhận xu hướng tăng.
Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tuệ An
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam