CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE - Mã: DGC) ghi nhận doanh thu trong quý 2/2021 đạt 2.039 tỷ đồng, tăng 29% YoY, LNST đạt 333 tỷ, tăng 24% YoY. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, DGC ghi nhận doanh thu 3.988 tỷ, tăng 29% YoY, LNST đạt 625 tỷ, tăng 33% YoY. Như vậy, DGC đã hoàn thành 53% kế hoạch doanh thu và 57% kế hoạch LNST.
Doanh thu quý 2/2021 tăng trưởng nhờ tăng sản lượng tiêu thụ các mặt hàng như phốt pho vàng, axit phosphoric trích ly, phân bón… Do nhu cầu tiêu thụ tốt nên doanh nghiệp có thể chuyển phần gia tăng chi phí đầu vào vào giá bán ra, điều này giúp biên lợi nhuận gộp giữ nguyên mức so với cùng kỳ 24,3%. Tuy nhiên, do chi phí bán hàng tăng mạnh 83% YoY nên LNST tăng chậm hơn doanh thu.
Trong ngắn hạn, FSC cho rằng DGC phần nào hưởng lợi từ nhu cầu hóa chất tăng trong mùa COVID. Trong 2021, mỏ Apatit Khai trường 25 vận hành khai thác từ quý 2 nhưng sẽ bắt đầu trọng tâm khai thác từ quý 3/2021, sẽ giúp DGC tự chủ được nguồn nguyên liệu Apatit cho sản xuất và nâng cao biên lợi nhuận. Bên cạnh đó, nhà máy HPO điện tử công suất 30 nghìn tấn/năm, dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 8/2021, sẽ là động lực tăng trưởng cho DGC.
Trong trung và dài hạn, DGC cũng dự kiến đầu tư 640 tỷ vào khu bất động sản phức hợp tại phố Đức Giang trong năm này. Sau đó, DGC dự kiến sẽ triển khai các dự án Đức Giang Nghi Sơn (2022) và nhà máy nhiệt điện (2023).
DGC dự kiến sẽ huy động vốn thêm 1.500 tỷ đồng, trong đó 1.000 tỷ từ nhà đầu tư chiến lược. Ở mức giá đóng cửa hiện tại, DGC đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 13,1x (tương ứng EPS TTM là 6.238 VNĐ), thấp hơn P/E trung bình ngành là 19,5x.
Mức Stock Rating của DGC ở mức 94 điểm cho nên chúng tôi duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của DGC tiến sát mức đỉnh kỷ lục và vượt hoàn toàn đường trung bình 20 ngày. Đồng thời, đồ thị giá bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp.
Xem xét mua cổ phiếu DGW ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp
CTCP Thế Giới Số (HOSE - Mã: DGW) ghi nhận doanh thu trong quý 2/2021 đạt 4.218 tỷ đồng, tăng 63% YoY, LNST đạt 116 tỷ, tăng 140% YoY. Lũy kế 6T2021, DGW ghi nhận doanh thu 9.224 tỷ đồng, tăng 89% YoY, LNST đạt 224 tỷ đồng, tăng 140% YoY. Như vậy, DGW đã hoàn thành 61% kế hoạch doanh thu và 74% kế hoạch LNST.
DGW tiếp tục thể hiện KQKD tăng trưởng mạnh ở các mảng kinh doanh cốt lõi như điện thoại di động (+87% YoY, nhờ sự gia tăng thị phần của Xiaomi và các dòng Iphone), máy tính bảng và laptop (+23% YoY, 2 nhãn hàng phân phối mới là Apple và Huawei), thiết bị văn phòng (+122% YoY) và hàng tiêu dùng (+34%). Biên lợi nhuận gộp quý 2/2021 tăng 80bps lên 7,2%.
FSC cho rằng, DGW tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng học và làm việc online. Bên cạnh đó, FSC cũng cho rằng thương hiệu Xiaomi sẽ tiếp tục gia tăng thị phần nhờ lợi thế giá rẻ và tiện ích trong bối cảnh nhu cầu smartphone tăng cao trong mùa dịch. Các công ty phân phối thiết bị điện từ chính hãng như DGW hiện đang có lợi thế nhờ Nghị định 98 siết chặt quy định đối với hàng xách tay, không có hóa đơn, chứng từ Hải quan.
Cơ cấu tài chính DGW khá lành mạnh, DGW không sử dụng nợ vay dài hạn, nợ vay ngắn hạn Q2/2021 giảm 3% so với đầu năm. Hệ số nợ vay/tổng nguồn vốn cuối quý 2/2021 ở mức 0,18x, thấp hơn mức 0,21x đầu năm.
FSC cũng lưu ý tình trạng thiếu nguồn cung điện thoại, laptop do thiếu chip và những khó khăn trong khâu logistics phát sinh do COVID gần đây cũng là một rủi ro cho DGW.
Ở mức giá đóng cửa hiện tại, DGW đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 15,2x (tương ứng EPS TTM là 8.884 VNĐ), thấp hơn mức trung bình ngành 18,7x. Mức Stock Rating của DGW ở mức 97 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồng thời, đồ thị giá của DGW vượt hoàn toàn đường trung bình 20 ngày và dòng tiền ngắn hạn vẫn gia tăng. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của DGW cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp.
Xem xét mua cổ phiếu KDH với tỷ trọng thấp
Cho năm 2021, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE - Mã: KDH) đặt mục tiêu doanh thu đạt 4,8 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng +5,9% YoY và LNST đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng +4,1% YoY. Kế hoạch đề ra là khá khiêm tốn và chủ yếu ghi nhận doanh thu từ các dự án Verosa Park, Lovera Vista và Safira. Công ty sẽ chi trả cổ tức cổ phiếu với tỷ lệ 10% và không chi trả cổ tức tiền mặt. BLĐ cho biết việc không chia cổ tức tiền mặt là để giữ nguồn vốn cho việc triển khai các dự án Bình Trưng và Clarita. KDH sẽ phát hành ESOP với tỷ lệ 1,5% trong năm nay với giá phát hành dự kiến là 15,000 VNĐ và thời gian hạn chế chuyển nhượng là 1 năm. KDH dự kiến mở bán 3 dự án mới trong năm nay, bao gồm (1) Clarita, (2) Armena và (3) dự án căn hộ tại 150 An Dương Vương.
FSC cho rằng các dự án của KDH tại Bình Chánh sẽ được đẩy nhanh việc triển khai trong năm 2022. FSC kỳ vọng 2 dự án là Phong Phú 2 (57ha) và Corona (13ha) sẽ được triển khai trong tương lai gần khi cả 2 đã hoàn tất việc giải phóng mặt bằng. Công ty đang thực hiện các thủ tục để xin cấp phép xây dựng cho các dự án này.
Việc tiến độ triển khai của các dự án như Tân Tạo, Corona hay Phong Phú 2 được đẩy nhanh sẽ làm một yếu tố tác động tích cực lên giá cổ phiếu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kỳ vọng giá đất tại Bình Chánh sẽ tăng trong trung hạn nhờ hưởng lợi từ các dự án hạ tầng kết nối Bình Chánh với các quận trung tâm của TP.HCM.
Ở mức giá hiện tại, cổ phiếu đang được giao dịch tại P/E TTM là 18,7x và P/B là 2,7x. Mức Stock Rating của KDH ở mức 91 cho nên chúng tôi duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của KDH đạt mức cao nhất 52 tuần và có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của KDH cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp.
Cổ phiếu BFC (CTCP Phân bón Bình Điền – sàn HOSE) đang ở trong trạng thái tăng giá trở lại sau khi có giai đoạn điều chỉnh trong nửa đầu tháng 7. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn giữ giá trị ổn định.
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 đồng thời đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của BFC nằm tại khu vực 25.5-26. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 30.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 24.5 bị xuyên thủng.
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) công bố sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên theo hình thức trực tuyến vào ngày 27/07/2021.
ACV cũng công bố các đề xuất sẽ trình thông qua tại ĐHCĐ 2021. Công ty đặt kế hoạch tổng số hành khách đạt khoảng 75-79 triệu (tăng 19% so với năm trước), lượng hàng hóa đạt 1.450 nghìn tấn (tăng trưởng 11%) và 557.000 lượt cất hạ cánh (tăng trưởng 22%).
Kế hoạch 2021 của ACV dựa trên kỳ vọng rằng đợt Covid-19 hiện tại ở Việt Nam sẽ được kiểm soát vào tháng 8 và các chuyến bay hành khách quốc tế sẽ dần phục hồi kể từ cuối quý 3/2021.
Dựa trên kế hoạch HĐKD này, ACV đặt kế hoạch doanh thu 2021 là 10,6 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 2,4 nghìn tỷ đồng. Mặc dù ACV không nêu rõ liệu kế hoạch này đã bao gồm các khoản đóng góp từ tài sản cơ sở hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư (bao gồm cả đường băng), chúng tôi cho rằng kế hoạch này đã bao gồm các khoản đóng góp từ các tài sản này. Tương ứng, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2021 của ACV tương đương 100% và 58% dự báo cả năm của chúng tôi.
Chúng tôi cho rằng chênh lệch lớn giữa dự báo lợi nhuận trước thuế của chúng tôi và kế hoạch của công ty là do quan điểm thận trọng hơn của ACV từ các diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Chúng tôi lưu ý rằng ACV thường đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng khi công ty luôn vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng có rủi ro điều chỉnh giảm đối với dự báo lợi nhuận năm 2021 của chúng tôi cho ACV khi tình hình dịch COVID-19 hiện tại ở Việt Nam đang vượt dự báo của chúng tôi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường hàng không trong nước.
Ngoài ra, ACV đã đề xuất phân bổ quỹ khen thưởng & phúc lợi 390 tỷ đồng – tương đương 24% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 – cao hơn dự phóng của chúng tôi là 10%. Tỷ lệ này cho năm 2018 và năm 2019 lần lượt là 10,8% và 9,95%.
Ngoài ra, ACV vẫn đang chờ cơ quan Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch cổ tức cho năm 2020. Công ty cho biết sẽ xin ý kiến cổ đông bằng văn bản hoặc tổ chức ĐHCĐ bất thường để phê duyệt kế hoạch cổ tức năm 2020 sau khi được cơ quan Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) của ACV sẽ được bầu/tái bổ nhiệm lại cho nhiệm kỳ 2021-2026. Công ty hiện chưa công bố danh sách các ứng cử viên HĐQT và BKS mới. Tại ĐHCĐ sắp tới, ACV sẽ xin ý kiến cổ đông để bổ sung và sửa đổi điều lệ công ty cũng như các quy định quản lý nội bộ để tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho ACV với giá mục tiêu là 75.600 đồng/CP.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tân An
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam