Kết thúc quý 4/2022, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) đã ghi nhận mức lỗ tương đương đối lớn lên đến 1.998,8 tỷ đồng, so với mức lợi nhuận cùng kỳ năm 2021 là 7.419,4 tỷ đồng. Nguyên nhân cho bước lùi này của doanh nghiệp là bởi giá thép xuống thấp kỷ lục bởi sự yếu đi nhanh chóng của thị trường bất động sản và các chi phí tài chính tăng cao bởi lãi vay cộng với lỗ tỷ giá.
PHS đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với mức tăng giá tiềm năng là 64%. Hình minh họa |
PHS kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty trong năm 2023 sẽ lần lượt đạt 125.499,6 tỷ đồng (-11,3% YoY) và 7.884,2 tỷ đồng (-6,6% YoY) bởi triển vọng của thị trường bất động sản trong nước vẫn chưa thấy những dấu hiệu hồi phục rõ ràng. Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty trong năm 2024 sẽ lần lượt đạt 142.229 tỷ đồng (13,3% YoY) và 20.574 tỷ đồng (95,7% YoY) nhờ vào kỳ vọng hồi phục của thị trường BĐS nhờ vào chu kỳ giảm lãi suất, giúp tăng sản lượng và tối ưu hóa công suất cho doanh nghiệp.
Điểm nhấn đầu tư: (1) Ngành thép trong nước vẫn chưa thể khởi sắc ngay trong năm 2023: hiện tại giá quặng thép đang hồi phục theo kỳ vọng về sự hồi phục từ thị trường Trung Quốc, tuy nhiên đầu ra của Hòa Phát chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, cụ thể ở đây là các công trình dân dụng – thứ vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc trong ngắn hạn. Cộng với việc khó có thể tối ưu công suất sẽ gây sức ép lên chênh lệch giữa giá bán và giá đầu vào. Tuy nhiên, năm nay HPG nhiều khả năng sẽ không gặp lại các vấn đề liên quan đến lỗ tỷ giá.
(2) Trông chờ vào dự án Dung Quất 2: nhìn lại quá khứ, thành công của HPG phần lớn là nhờ vào việc thành công xây dựng Dung Quất vào đúng các thời kỳ thuận lợi của chu kỳ thép, giúp tối ưu hóa công suất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Thời gian hoàn thành dự kiến Dung Quất 2 là vào năm 2025, đây cũng là thời điểm mà Luật đất đai (sửa đổi) dự kiến được ban hành, góp phần gỡ rối cho tình hình hiện tại. Trong lịch sử các chu kỳ trước, sau mỗi chu kỳ Hòa Phát đều băng băng về phía trước để chiếm lấy miếng bánh thị phần, PHS kỳ vọng vào điều tương tự khi hoàn thành Dung Quất 2.
(3) Định giá của công ty hiện tại đang tỏ ra phù hợp để nắm giữ trong dài hạn.
Sử dụng phương pháp P/B, PHS ước tính giá trị hợp lý là 34.500 đồng/cổ phiếu với mức P/B mục tiêu là 1.7. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị MUA với mức tăng giá tiềm năng là 64%. Định giá của PHS đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Rủi ro: (1) Rủi ro giá nguyên liệu (2) Rủi ro liên quan đến việc xây dựng Dung Quất 2 (3) Rủi ro về đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường.
VCI điều chỉnh khuyến nghị cho Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG) từ mua xuống khả quan và giảm giá mục tiêu thêm 3,1% còn 34.600 đồng/cổ phiếu chủ yếu do định giá thấp hơn đối với các dự án Cần Thơ và Izumi City do VCI bao gồm vào dự báo phân khu nhà ở xã hội trong dự án Cần Thơ và dời giả định thời gian mở bán phân khu tiếp theo của dự án Izumi City sang năm 2024, được bù đắp một phần nhờ tác động tích cực của việc VCI cập nhật giá mục tiêu đến giữa năm 2024. Giá cổ phiếu NLG đã tăng 21% trong 2 tháng qua.
VCI dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 đạt 607 tỷ đồng (+9% YoY), chủ yếu nhờ (1) bàn giao tại Southgate, Mizuki Park Giai đoạn 2 & 3 (P2 & P3) và Izumi City, (2) giao dịch bán 25% cổ phần Paragon và (3) khoản lãi từ chuyển nhượng một lô đất tại Kikyo Residence (Thủ Đức, TP.HCM). Con số này thấp hơn 12% so với dự báo trước đây của VCI do giả định chi phí tài chính cao hơn.
VCI dự báo giá trị hợp đồng bán hàng năm 2023 đạt 5,3 nghìn tỷ đồng (-35% YoY) trong năm 2023, được đóng góp bởi Mizuki Park P2 & P3, Akari City P2, Southgate và Cần Thơ. VCI giảm giả định giá trị hợp đồng bán hàng năm 2023 thêm 17% khi VCI dời giả định thời gian mở bán phân khu đất nền của dự án Cần Thơ và Izumi City sang năm 2024, điều này được bù đắp một phần bởi kỳ vọng của VCI rằng NLG sẽ ra mắt EhomeS (nhà ở xã hội) tại Cần Thơ vào năm 2023.
Yếu tố hỗ trợ: Mở rộng quỹ đất bổ sung để thúc đẩy kế hoạch phát triển.
VCI duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) khi tiếp tục có quan điểm tích cực vào khả năng tăng trưởng dài hạn khả quan của công ty nhờ (1) mảng cá phi lê đông lạnh phục hồi sau những khó khăn kinh tế ngắn hạn và (2) tăng trưởng ổn định của VHC với biên lợi nhuận cao của mảng kinh doanh collagen & gelatin (C&G).
VCI điều chỉnh giảm 6% giá mục tiêu do VCI điều chỉnh giảm 16% LNST sau lợi ích CĐTS trong năm 2023, phần nào được bù đắp bởi mức dự báo LNST cao hơn 5% cho cả 2 năm 2024 và 2025. VCI cũng cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến giữa năm 2024 từ cuối năm 2023.
Định giá của VHC hấp dẫn do công ty đang giao dịch ở mức P/E trượt là 6,9 lần - thấp hơn so với P/E trượt trung bình của các công ty cùng ngành là 8,1 lần. Trong khi đó, VCI dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS 33% trong giai đoạn 2023 - 2025. Ngoài ra, giá mục tiêu của VCI tương ứng P/E 2023/2024 của VHC lần lượt là 10,6 lần/7,2 lần so với P/E trượt trung bình 5 năm là 7,6 lần, mà VCI tin là phù hợp khi hoạt động kinh doanh C&G đang phát triển sẽ được giao dịch ở mức định giá cao hơn so với mảng kinh doanh cá phi lê truyền thống của VHC.
Rủi ro: Tiêu thụ cá tra toàn cầu thấp hơn dự kiến; doanh số C&G thấp hơn dự báo.
Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Thị trường chứng khoán tháng 5: Lịch sự kiện quan trọng Nhiều sự kiện quan trọng sẽ được diễn ra trong tháng 5/2023. Đáng chú ý có cuộc họp về lãi suất của FED hay công ... |
Góc chuyên gia chứng khoán: “Sell in May & Go away” năm nay không đáng ngại Bàn về hiệu ứng “Sell in May”, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC cho rằng không quá đáng ngại. ... |
Dòng tiền vẫn chưa tìm đến cổ phiếu ngân hàng dù kế hoạch tăng trưởng mạnh Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng, FiinTrade cho rằng, những diễn biến bất lợi gần đây trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp ... |
Đức Anh