Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp

14/06/2024 - 01:41
(Bankviet.com) Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn...

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 259/TB-VPCP ngày 12/6/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Phó Thủ tướng kết luận: Việc xây dựng Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là trong việc khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm áp lực phát triển nguồn điện lên Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đồng thời, các cơ chế này góp phần làm cho thị trường điện lực trở lên công khai, minh bạch, cạnh tranh và lành mạnh hơn. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ chế là không dễ dàng, do đó, phải hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến nhiều chiều trong quá trình xây dựng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp
Kết luận của Phó Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng cơ chế là không dễ dàng, do đó, phải hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến nhiều chiều trong quá trình xây dựng.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của Nghị định này, Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp trong và ngoài nước góp ý trực tiếp vào Dự thảo Nghị định, trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Nghị định, trong đó lưu ý một số nội dung sau:

Về phạm vi: Bộ Công Thương cần báo cáo, giải trình rõ và thuyết phục hơn về phạm vi của Nghị định hiện nay, trường hợp có đầy đủ cơ sở, luận chứng, báo cáo rõ trong tương lai sẽ thực hiện áp dụng đối với các loại hình nguồn điện bảo đảm đầy đủ theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Luật và Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, hiện tại cần nghiên cứu ngay việc mở rộng phạm vi của Dự thảo Nghị định đối với các nguồn điện sinh khối, nguồn điện từ rác với tinh thần khuyến khích các loại hình năng lượng tái tạo, năng lượng xanh (bảo vệ môi trường) không chỉ giới hạn là điện gió và điện mặt trời.

Về đối tượng áp dụng: Bộ Công Thương cần làm rõ và thuyết phục hơn từ góc độ chuyên môn có số liệu dẫn chứng cụ thể, bao quát trên toàn bộ hệ thống điện giữa vấn đề an ninh năng lượng an toàn hệ thống và kỹ thuật khi quy định về đối tượng khách hàng có sản lượng tiêu thụ trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh, trong đó làm rõ những chủ thể khách hàng lớn (không nên giới hạn chỉ là nhà sản xuất, cần bao hàm cả nhà cung cấp dịch vụ…); làm rõ chủ thể "khu công nghiệp" nếu có đại diện cho các khách hàng sử dụng điện trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu chế xuất… (ủy quyền mua bán điện trực tiếp) bảo đảm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ các bên tham gia mua bán điện trực tiếp, bảo đảm an toàn lưới điện; có chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp tiêu dùng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo (NLTT) để nhận được tín chỉ xanh.

Về chính sách DPPA: Đây là một chính sách nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu xây dựng chính sách có độ mở, theo cơ chế thị trường; cần quy định rõ các hình thức mua bán điện trực tiếp, đồng thời quy định trách nhiệm của bên mua, bên bán, người mua và Nhà nước; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chính sách này, nhất là công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả, tuyệt đối không để sơ hở, xảy ra cơ chế xin-cho cụ thể:

Đối với trường hợp bên mua, bên bán ký hợp đồng trực tiếp và kết nối đường dây trực tiếp với nhau (trực tiếp về vật lý), không thông qua hệ thống lưới điện của quốc gia: Cần nêu rõ Quy hoạch điện VIII không hạn chế về quy mô công suất, các dự án phát triển điện NLTT (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà), điện sản xuất từ rác, điện sinh khối chỉ cần phù hợp với Quy hoạch tỉnh; cần quy định cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể (về thuế VAT, môi trường, phòng cháy chữa cháy, điều kiện kỹ thuật đảm bảo an toàn trong sản xuất và sử dụng điện, an toàn trong xây dựng), trình tự thủ tục đơn giản để khuyến khích tối đa; không quy định cứng về hợp đồng mà để các bên tự thỏa thuận theo cơ chế thị trường; đồng thời quy định rõ, tách bạch cơ chế mua bán điện trực tiếp đối với loại hình điện mặt trời mái nhà tại các Khu công nghiệp, nhà dân. Đối với trường hợp bên mua, bên bán ký hợp đồng với nhau trực tiếp nhưng thông qua hệ thống đường dây truyền tải điện quốc gia:

+ Trường hợp này cần nghiên cứu đánh giá 02 phương thức: 1- Hai bên mua bán điện ký hợp đồng mua bán trực tiếp với nhau và ký hợp đồng với Tổng công ty Điện lực thực hiện truyền tải cung cấp các dịch vụ cần thiết và có thu phí, 2- Thông qua mô hình tài chính như dự thảo hiện nay, các quan hệ thương mại gồm: bên bán ký hợp đồng bán lên thị trường điện cạnh tranh, bên mua ký hợp đồng mua lại từ Tổng công ty Điện lực. Theo phương thức này cần giải trình rõ về khái niệm mua bán điện trực tiếp (tham khảo kinh nghiệm của thế giới) và cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn phương án tối ưu, phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, phải có các giải pháp để đảm bảo sự công bằng giữa các khách hàng, như tính toán giá điện 2 thành phần: giá điện khi không có mặt trời, vào giờ cao điểm thì phải khác giá điện vào thời điểm có nắng to, hay mức giá đối với đơn vị sản xuất năng lượng tái tạo có thiết bị, pin lưu trữ điện khác với đơn vị không có lưu trữ điện năng để bảo đảm công bằng cũng như khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo, hệ thông pin lưu trữ, hệ thống điện thông minh.

+ Làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước và của EVN và của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia trong việc: (i) Công bố công khai minh bạch về nhu cầu phụ tải của từng khu vực, vùng, miền và khả năng điều độ, tính toán khả năng truyền tải, để công bố công suất nguồn điện NLTT có thể hấp thụ tại các khu vực, EVN phải thường xuyên cung cấp thông tin về quy mô các nguồn điện NLTT được ký kết Hợp đồng mua bán điện để báo cáo với Bộ Công Thương có lộ trình điều chỉnh phù hợp đối với các loại điện nền như than, khí, thủy điện…; (ii) Xây dựng và công bố công khai về các chi phí (đảm bảo tính đúng, tính đủ) khi sử dụng dịch vụ hệ thống truyền tải của EVN (hoặc bên thứ 3), phí dịch vụ truyền dẫn điện (wheeling fee), sử dụng hạ tầng, phí tổn thất để người mua, người bán cân nhắc, "nếu người bán ở miền Nam còn người mua ở miền Bắc thì mức phí phải khác so với trường hợp người mua, người bán đều ở miền Bắc"; đồng thời phải xem xét để đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn điện và quy hoạch phát triển lưới điện truyền tải-phân phối; (iii) Bảo đảm việc truyền tải lên hệ thống điện được an toàn và không ảnh hưởng đến tình hình an ninh cung ứng điện, bảo đảo cân đối giữa các nguồn điện (giữa điện tái tạo và các nguồn điện khác); (iv) Cần tính toán kỹ việc tỉ lệ năng lượng tái tạo trong tổng công suất các nguồn điện sẽ gia tăng để điều chỉnh, cập nhật kịp thời quy hoạch điện; tránh tình trạng cung-cầu lệch nhau (như cung nhiều quá mà cầu ít quá), dẫn tới thiệt hại cho Nhà nước, nhà đầu tư. Quy hoạch phải đi trước một bước, không để ảnh hưởng đến sự phát triển năng lượng tái tạo khi bị bó buộc, giới hạn, trong xu hướng chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cân nhắc, nghiên cứu lại quy định tại điểm b, mục 4 Điều 27 về nội dung: "Thủ tướng Chính phủ quyết định chấm dứt tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp của khách hàng sử dụng điện lớn hoặc đơn vị bán lẻ điện tại khu công nghiệp được ủy quyền, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo trên cơ sở báo cáo, kiến nghị của Bộ Công Thương". Đây là vấn đề chuyên môn kỹ thuật, cần nghiên cứu theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định việc chấm dứt tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp của khách hàng sử dụng điện lớn hoặc đơn vị bán lẻ điện tại khu công nghiệp để bảo đảm yêu cầu phân cấp, phân quyền và cắt giảm thủ tục hành chính đúng như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3854/VPCP-CN ngày 04 tháng 6 năm 2024.

Bộ Công Thương gửi ngay bản Dự thảo Nghị định đến các Bộ, cơ quan liên quan để góp ý kiến trực tiếp, đồng thời nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại cuộc họp và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại các Thông báo số: 112/TB-VPCP ngày 22 tháng 3 năm 2024, 205/TB-VPCP ngày 08 tháng 5 năm 2024 và 232/TB-VPCP ngày 20 tháng 5 năm 2024 để xây dựng cơ chế chính sách về DPPA theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các chủ trương của Đảng, Luật Điện lực, Luật Giá, các Nghị quyết của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định của pháp luật có liên quan, hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ trong ngày 14 tháng 6 năm 2024 và chịu trách nhiệm về nội dung Dự thảo Nghị định theo khoản 1 Điều 7 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

Trang Nhi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán