Theo đó, để làm tốt công tác phòng chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, cũng như hạn chế tình trạng thu đổi tiền mới không đúng quy định, mỗi người dân, mỗi tổ chức và cá nhân cần nhận thức đầy đủ quyền và trách nhiệm trong việc bảo vệ đồng tiền quốc gia, từ đó không chỉ thực hiện đúng quy định của pháp luật, hạn chế rủi ro và sai phạm liên quan mà còn trân quý, bảo vệ và tự hào về đồng tiền của quốc gia mình.
Thứ nhất, thực hiện trách nhiệm công dân, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam. Trong đó thực hiện tốt quy định tại điều 20, Nghị định 87/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo quản tiền Việt Nam trong quá trình quản lý, sử dụng; về yêu cầu cơ quan chức năng giám định tiền giả, tiền nghi giả theo quy định; kịp thời thông báo cơ quan công an, cơ quan có thẩm quyền của quân đội, hải quan nơi gần nhất về các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam; Tuân thủ các quy định về quản lý sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam.
Thứ hai, bảo vệ tiền Việt Nam. Tiền Việt Nam (tiền thật), bao gồm tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành, là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật, do đó việc đồng tiền có thể bị rách nát, hư hỏng hoặc biến dạng do quá trình lưu thông hoặc do quá trình bảo quản. Đây là những yếu tố khách quan. Tuy nhiên, mỗi người dân, tổ chức và cá nhân cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm bảo vệ tiền Việt Nam; hành vi cố ý làm rách nát, hư hỏng, biến dạng tiền Việt Nam, là hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật, vi phạm pháp luật và phải được xử lý nghiêm minh theo quy định.
Liên quan đến vấn đề này, việc làm hoa bằng tiền Việt Nam, nếu dẫn đến tiền Việt Nam bị hủy hoại, thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần được xử lý nghiêm minh để nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ tiền Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, liên quan đến vấn đề đổi tiền mới hưởng phần trăm chênh lệch. Việc thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông (tiền rách nát, hư hỏng, biến dạng…phát sinh do trong quá trình lưu thông và bảo quản), chỉ có NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng mới được phép thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Đây là nghiệp vụ của NHNN và các TCTD được thực hiện thông qua các hoạt động tuyển lựa tiền, hoạt động kiểm ngân và nghiệp vụ thu – chi tiền mặt, nhằm nâng cao chất lượng tiền trong lưu thông, đảm bảo phục vụ tốt lưu thông hàng hóa - tiền tệ. Vì vậy, mọi hoạt động thu, đổi tiền mới nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, cũng như việc rao thông tin quảng cáo đổi tiền mới trên mạng… đều là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Từ phía người dân, cần nhận thức đầy đủ vấn đề này, để không chỉ thực hiện đúng quy định của pháp luật mà còn hạn chế rủi ro có liên quan, rủi ro mất tiền, từ những chiêu lừa đảo đổi tiền mới trên mạng xã hội.
Trên đây là những quy định của pháp luật về trách nhiệm của công dân, của tổ chức cá nhân trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, cũng như những nội dung liên quan đến quy định về thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn để mỗi người dân, mỗi tổ chức và cá nhân, nhận thức đầy đủ, để thực hiện tốt, thực hiện trách nhiệm quyền và trách nhiệm của mình.
Bên cạnh đó, ở góc độ giá trị tiền tệ và lòng tự hào dân tộc về đồng tiền Việt Nam, đó là đồng tiền quốc gia, là phương tiện thanh toán hợp pháp, được pháp luật bảo vệ để phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước, thực hiện nhiệm vụ chính sách tiền tệ và lưu thông hàng hóa, lưu thông tiền tệ, là giá trị của sức lao động, là tài sản của người dân, của đất nước. Vì vậy, mỗi người dân cần ý thức bảo vệ, trân trọng và tự hào về đồng tiền Việt Nam, mỗi người dân cần bảo vệ và trân trọng giá trị này, không chỉ không được phép làm hủy hoại tiền đồng mà còn không làm ảnh hưởng đến hình ảnh đồng tiền Việt Nam với ý nghĩa nhân văn sâu sắc và hội tụ lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Nguyễn Đức Lệnh