Lùi ngày thông báo chính thức
Chiều nay (23/8), Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội Đỗ Thị Thúy Hà đề xuất tiếp nhận thêm 520 học sinh từ Lý Nam Đế về Tiểu học Tây Mỗ 3.
Theo giấy mời hỏa tốc dự Hội nghị thông báo phương án giải quyết đề nghị của người dân có nguyện vọng xin cho con vào học tại Trường Tiểu học Tây Mỗ 3, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm vào lúc 13h30, ngày 23/8 được UBND quận Nam Từ Liêm phát đi ngay từ khi chưa bắt đầu, khá đông phụ huynh đã có mặt tại Trung tâm Văn hóa phường (nơi diễn ra cuộc họp).
Tại buổi họp, bà Đỗ Thị Thuý Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết quận đã nhận 520 đơn của phụ huynh đăng ký cho con vào học ở trường Tiểu học Tây Mỗ 3.
“Nguyện vọng và ý kiến của phụ huynh là hoàn toàn chính đáng và phù hợp. Sau khi kiểm tra và rà soát quận vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận tất cả ý kiến liên quan”, bà Hà thông tin.
Trước mắt, UBND quận Nam Từ Liêm đã đưa ra phương án giải quyết tạm thời theo hướng là xin thêm chỉ tiêu cho trường Tiểu học Tây Mỗ 3, đồng thời rà soát thêm cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Sau đó, quận sẽ đánh giá, xin ý kiến Sở Nội vụ về biên chế.
Nhiều phụ huynh dự họp bức xúc khi sắp đến ngày khai giảng không biết con mình học ở đâu. |
Theo bà Hà, do việc này còn vướng một số cơ chế. Cụ thể, chỉ tiêu của các trường là do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phân bổ. Đến thời điểm hiện tại, công tác tuyển sinh cho năm học mới đã hoàn thành.
“Thời gian để chúng tôi có thể thông báo chính xác về kết quả tiếp nhận, xin phép phụ huynh phải đến 27/8 mới có phản hồi chính thức”, bà Hà nói thêm.
Phụ huynh yêu cầu minh bạch trong tuyển sinh
Theo giải thích của quận Nam Từ Liêm, Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 được thành lập hôm 4/7, là trường tách ra của Trường Tây Mỗ. Do đó, Trường này chỉ tuyển mới học sinh lớp 1 (460), còn lại nhận học sinh lớp 2-5 từ trường cũ chuyển sang. Học sinh trường Lý Nam Đế không thuộc diện này.
Ngoài ra, vì định hướng theo mô hình chất lượng cao, trường muốn đảm bảo sĩ số chuẩn khoảng 35 học sinh một lớp. Sau khi nhận các nhóm nói trên, tổng số học sinh là 1.111 em.
Bà Đỗ Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm phát biểu tại hội nghị. |
Ông Bùi Ngọc Kính, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận, cho hay, năm học vừa rồi trường Tiểu học Lý Nam Đế có 1.460 học sinh, Tiểu học Tây Mỗ có 2.900. Từ thực tế đó, quận Nam Từ Liêm xác định giảm tải cho Trường Tiểu học Tây Mỗ bằng trường Tiểu học Tây Mỗ 3. Đề án tách trường đã được công bố trước khi phê duyệt. Tất cả học sinh trường Tây Mỗ 3 đều là con em trên địa bàn (tổ dân phố 8-12 và các tòa nhà chưa thành lập tổ dân phố).
Ông Kính khẳng định tiêu chí và nhóm tuyển sinh, quy trình đều đúng quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tại hội nghị, nhiều phụ huynh bức xúc, phản ứng, cho rằng việc tuyển sinh không công bằng. "Tại sao con tôi ngồi hơn 60 bạn ở Lý Nam Đế mà các bạn ở Tây Mỗ 3 gần nhà chúng tôi lại chỉ có hơn 30 học sinh. Vậy việc lên trường chuẩn quan trọng hay an sinh quan trọng hơn?", anh Lê Đức Công, phụ huynh có hai con học ở trường Lý Nam Đế, đặt câu hỏi.
"Chúng tôi đồng cảm với tình trạng trường bị quá tải nhưng muốn sự minh bạch trong khâu tuyển sinh của nhà trường. Việc mặc định chuyển học sinh Tây Mỗ 1 sang Tây Mỗ 3, chúng tôi thấy chưa hợp lý", phụ huynh này nói thêm.
Một số phụ huynh khác bức xúc: "Nhà thì đối diện trường, con tôi chỉ cần đi 100 m sang trường mà lại không được học, phải đi 4-5 km những hôm trời mưa gió rất nguy hiểm chưa kể lụt lội, xa xôi".
Bà Đỗ Thị Thuý Hà cho biết, chủ trương của quận Nam Từ Liêm là báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo để nhận đủ 520 học sinh. Nếu không sắp xếp hết được, quận tính đến việc bố trí các em về trường gần hơn, chẳng hạn như Tiểu học Đại Mỗ (phường Đại Mỗ).
"Khi rà soát xong chúng tôi sẽ xây dựng nguyên tắc, đảm bảo công khai, minh bạch", bà Hà nói.
Bà Đỗ Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cũng thừa nhận: "Chúng tôi nhận lỗi bởi chưa xử lý triệt để và chưa thông tin rộng rãi đến phụ huynh. Chúng tôi mong muốn phụ huynh chia sẻ với địa phương bởi mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng thời gian gần đây, tốc độ đô thị hóa rất nhanh nên cơ sở vật chất không thể đáp ứng ngay được".