Phục hồi thị trường lao động: Tận dụng cơ hội từ đại dịch Covid-19

23/11/2021 - 20:30
(Bankviet.com) Đại dịch Covid-19 khiến cho tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Lê Văn Thanh nhận định, khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn để thị trường lao động phục hồi, phát triển.

Tại tọa đàm trực tuyến “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch” mới đây, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho biết, trong quý III/2021, người lao động bị tác động nhiều nhất với 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; trên 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm.

Bên cạnh đó, tiền lương thu nhập giảm, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao. Tỷ lệ thiếu việc làm quý III/2021 là 4,46%, tương đương hơn 1,8 triệu người, tăng 1,86% so với quý trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98%, tương đương hơn 1,7 triệu người, tăng hơn 1,25% so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian vừa qua, để giúp cho việc phục hồi thị trường lao động, các Bộ, ngành, chính quyền đã vào cuộc, nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Thông tin từ Bộ LĐTB&XH, tính đến nay, tổng kinh phí thực hiện là 27,24 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 27,62 triệu lượt đối tượng. Trong đó nhóm bảo hiểm đã hỗ trợ 5,38 nghìn tỷ đồng cho 375.809 đơn vị sử dụng lao động và 11,389 triệu người lao động; nhóm hỗ trợ chính sách hỗ trợ bằng tiền đã hỗ trợ cho hơn 15,64 triệu đối tượng với tổng kinh phí là 21,11 nghìn tỷ đồng, trên 13,35 triệu người lao động tự do và đối tượng đặc thù khác tại 58 tỉnh, thành phố được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 17,14 nghìn tỷ đồng; nhóm chính sách cho vay vốn đã giải ngân 479,5 tỷ đồng, hỗ trợ cho 1.449 doanh nghiệp để trả lương cho 209.280 lượt người lao động.

Thời gian tới, khó khăn mà người lao động đối diện vẫn còn rất lớn. Do đó, cùng với nguồn lực trợ giúp từ Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng, các bên liên quan cần chủ động triển khai nhiều giải pháp bảo đảm việc làm cho người lao động. Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Tú Anh, các bên cần kết hợp hai chính sách là tài khóa và tiền tệ, kèm theo các chính sách về an sinh xã hội. Đồng quan điểm, Phó Trưởng khoa Kinh tế và quản lý nguồn nhân lực (Đại học Kinh tế quốc dân) Ngô Quỳnh An cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giúp họ có thêm nguồn lực về vốn, về con người... để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam, thị trường lao động bị chia cắt cục bộ giữa các vùng, các địa phương, gây ra tình trạng thiếu lao động cho sản xuất, kinh doanh. Mỗi nơi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho nên việc đi lại giao lưu giữa các vùng cũng khó khăn hơn, gia tăng sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, gây ra áp lực về giải quyết việc làm cho người lao động.

Mặc dù đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam, song Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp sắp xếp cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội điều chỉnh phân bổ lại lao động giữa các vùng, các ngành kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh; cơ hội phát triển các hình thức giao dịch việc làm, cơ hội đổi mới giáo dục nghề nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Chia sẻ thực tế từ ngành dệt may, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho hay, câu chuyện thiếu lao động cục bộ chủ yếu diễn ra với các doanh nghiệp trẻ, mới thành lập ở khu công nghiệp, không tuyển dụng được lao động địa phương và có sự di dời lao động từ địa phương khác tới. Nhưng với những doanh nghiệp có truyền thống, có tuổi đời lâu năm, có chế độ an sinh xã hội tốt và tham gia đầy đủ với cơ quan quản lý Nhà nước, phần lớn chỉ tuyển lao động xung quanh địa phương. Bản thân các doanh nghiệp cũng bố trí, hình thành lâu đời khu trọ.

Để tận dụng những cơ hội từ đại dịch để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH khuyến nghị, trước hết phải kiểm soát được dịch bệnh, người lao động phải được an toàn, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất. “Hiện tại, Bộ LĐTB&XH đang trình Chính phủ Chương trình phục hồi, phát triển thị trường lao động, trong đó chú trọng các giải pháp đào tạo việc làm chất lượng, phát triển kinh tế số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Nếu làm tốt chương trình này, sẽ phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng và bền vững”- Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Bộ LĐTB&XH đang dự thảo Chương trình phục hồi, phát triển thị trường lao động với 7 nhóm giải pháp lớn. Trong đó sẽ hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng người lao động, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh; hỗ trợ kết nối cung cầu lao động…

Hoa Quỳnh

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương