Lũy kế 7 tháng, tổng doanh thu của PV Power là 16.672 tỷ đồng, giảm 5,7% so với 7 tháng đầu năm 2021. Như vậy đơn vị đã hoàn thành 69% kế hoạch doanh thu.
Xét về cơ cấu doanh thu, nhà máy Nhơn Trạch 2 là đơn vị đóng góp nhiều nhất với doanh thu 843 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 38,1%. Nhà máy điện Cà Mau 1&2 đứng ở vị trí tiếp theo khi đạt doanh thu gần 600 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 27,2%.
Theo lãnh đạo của PV Power, tháng 7 là thời điểm đầu mùa lũ các hồ thủy điện miền Bắc. Giá thị trường trung bình nửa đầu tháng là khoảng 1.192 đồng/kWh, cao hơn so với năm 2021 (1.017 đồng/kWh), 2020 (907 đồng/kWh) và xấp xỉ năm 2019 (1.221 đồng/kWh).
PV Power (POW): Doanh thu tháng 7 vượt 22% kế hoạch đã đề ra |
Về tình hình sản xuất kinh doanh của các nhà máy, nhà máy Cà Mau 1 đã đại tu từ ngày 19/6 (dự kiến đến 03/9 hoàn thành). Do khả năng cấp khí của PV Gas hạn chế nên Cà Mau 1&2 chỉ có thể vận hành một hoặc hai tổ máy của Cà Mau 2 chạy theo sát sản lượng điện Hợp đồng (Qc).
Với nhà máy điện Nhơn Trạch 1, đơn vị này được chào giá vận hành trong các thời điểm giá thị trường cao hơn chi phí biến đổi. Tuy nhiên giá thị trường trung bình trong tháng 7 thấp hơn chi phí biến đổi, nên nhà máy chỉ vận hành khi được A0 huy động do thiếu nguồn điện cục bộ khu vực.
Còn nhà máy điện Nhơn Trạch 2 chào giá để vận hành theo Qc được giao và phát thêm sản lượng khi giá thị trường cao hơn chi phí biến đổi. Do giá thị trường nhiều thời điểm thấp hơn chi phí biến đổi dẫn tới nhà máy phát sản lượng thấp hơn Qc được giao.
Với hai nhà máy thuỷ điện Hủa Na và Đăkđrinh, do mực nước hồ của hai nhà máy đang cao và giá thị trường cao hơn giá hợp đồng, nhà máy chào giá để vận hành đạt hiệu quả tối đa. Doanh thu và lợi nhuận vượt kế hoạch do nhà máy vận hành vượt sản lượng được giao, và giá thị trường cao hơn kế hoạch.
Về tình hình đầu tư dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4, tổ hợp liên doanh nhà thầu Samsung C&T và Lilama đang hoàn tất thiết kế, các thủ tục để khởi công gói EPC. PV Power sẽ tiếp tục thực hiện công tác thu xếp vốn, đám phán hợp đồng mua bán khí và hợp đồng mua bán điện cho dự án theo đúng tiến độ.
Đến tháng 8, PV Power lên kế hoạch doanh thu 1.612 tỷ đồng, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước và giảm 27% so với tháng 7. Tổng sản lượng điện dự kiến sẽ đạt 966 triệu kWh. Trong tháng 8, công ty sẽ tổ chức thực hiện đại tu nhà máy điện Cà Mau 1, nhà máy thủy điện Đakđrinh, đảm bảo yêu cầu tiến độ. Ngoài ra doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo.
PV Power cho biết đang có kế hoạch đưa cổ phiếu Thủy điện Đakđrinh giao dịch trên sàn UPCoM trong năm nay. Tính tới 31/3/2022, PV Power có 5 công ty con. Trong đó, PV Power sở hữu 95,27% vốn điều lệ tại CTCP Thủy điện Đakđrinh, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện.
Thủy điện Đakđrinh được thành lập năm 2007 với 4 cổ đông sáng lập gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (nay chuyển sang cho PV Power); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Tổng công ty Sông Đà - CTCP; và Tổng Công ty Licogi - CTCP với vốn điều lệ 930 tỷ đồng.
Tháng 2/2018, Thủy điện Đakđrinh tăng vốn điều lệ lên 1.020,7 tỷ đồng; tháng 3/2019, Công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 1.160 tỷ đồng và vẫn duy trì vốn điều lệ tới 31/12/2021 là 1.160 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Thủy điện Đakđrinh là chủ đầu tư Dự án Thủy điện Đakđrinh, dự án được bố trí ở lưu vực sông Đakđrinh thuộc huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 70km về phía Tây.
Nhà máy Thủy điện Đakđrinh có công suất thiết kế 125 MW, bao gồm 02 tổ máy với tổng mức đầu tư 5.921 tỷ đồng, sản lượng điện trung bình hàng năm là 540,925 triệu KWh.
Nhà máy vận hành phát điện thương mại hòa vào mạng lưới quốc gia tổ máy số 1 vào tháng 6/2014, tổ máy số 2 vào tháng 9/2014.
Trong năm 2021, Thủy điện Đakđrinh ghi nhận sản lượng 620 triệu kWh, đạt 130% kế hoạch; doanh thu đạt 613 tỷ đồng, đạt 122% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 206 tỷ đồng. Trước đó, năm 2020, Thủy điện Đakđrinh ghi nhận sản lượng 505 triệu kWh, doanh thu 477 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 84 tỷ đồng.
Đức Chiến