PYN Elite Fund rời ghế cổ đông lớn tại Saigon Cargo Service

18/03/2024 - 14:22
(Bankviet.com) Quỹ ngoại PYN Elite Fund đã giảm sở hữu tại Saigon Cargo Service từ hơn 4,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,004%) xuống còn hơn 4,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,9%), chính thức không còn là cổ đông lớn.

Mới đây, Quỹ ngoại PYN Elite Fund đã báo cáo hoàn tất bán ra 95.200 cổ phiếu SCS của Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Saigon Cargo Service, HOSE: SCS) trong ngày 11/3. Tạm tính theo thị giá đóng cửa cùng phiên ngày 11/3 của cổ phiếu SCS là 79.500 đồng/cổ phiếu, quỹ PYN Elite Fund có thể đã thu về khoảng 8 tỷ đồng sau giao dịch trên.

Sau giao dịch, PYN Elite Fund giảm sở hữu tại Saigon Cargo Service từ hơn 4,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,004%) xuống còn hơn 4,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,9%), chính thức không còn là cổ đông lớn tại Saigon Cargo Service.

Động thái bán ra của quỹ ngoại đến từ trong bối cảnh cổ phiếu SCS có nhịp tăng khá mạnh trong vài tháng gần đây. Tính từ đầu năm 2024, thị giá SCS tăng gần 14%, áp sát vùng đỉnh giá gần 3 năm (tháng 6/2021).

PYN Elite Fund rời ghế cổ đông lớn tại Saigon Cargo Service
Quỹ ngoại PYN Elite Fund không còn là cổ đông lớn tại Saigon Cargo Service

Quỹ ngoại đến từ Phần Lan liên tục thay đổi cơ cấu danh mục đầu tư vào cuối năm 2023

Năm 2023, Pyn Elite Fund ghi nhận nhiều động thái mua bán cổ phiếu trong tháng 12. Ấn tượng nhất phải kể đến việc “lướt sóng” 3 triệu cổ phiếu Chứng khoán SHS (HNX: SHS) khi SHS đang giao dịch quanh vùng đỉnh 20 tháng qua đó giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCK này từ 5,27% xuống còn 4,9% và không còn là cổ đông lớn. Đặc biệt, quỹ ngoại này chỉ vừa mới trở thành cổ đông lớn của SHS trước đó 3 ngày sau khi tăng sở hữu lên 42,8 triệu cổ phiếu trong ngày đầu tiên của tháng 12.

Đối với danh mục SHS, cổ phiếu công ty CK mới lọt vào top 10 khoản đầu tư lớn nhất của Pyn Elite Fund vào cuối tháng 11 với tỷ trọng 4%. Quỹ ngoại này cho biết đã tận dụng đợt bán tháo trong tháng 10 khi cổ phiếu SHS giảm mạnh để nắm lấy cơ hội lướt sóng. Cổ phiếu này sau đó đã góp phần không nhỏ giúp quỹ có hiệu suất dương trong tháng 11 sau 3 tháng liên tiếp thua lỗ.

Nói về lý do đầu tư vào Công ty CK SHS, nhà định chế đánh giá SHS đứng thứ tư thị trường về vốn điều lệ, đây là yếu tố quan trọng quyết định quy mô cho vay ký quỹ (margin). Công ty có thành tích tốt trong mảng tự doanh và những thương vụ ngân hàng đầu tư quy mô vừa nhờ vào hệ thống quản lý. Theo nghiên cứu từ Pyn Elite Fund, ban lãnh đạo của SHS dự báo triển vọng kinh doanh khởi sắc trong hai năm tới và có kế hoạch sử dụng nợ vay khi nhu cầu vốn tăng cao.

Ngoài ra, quỹ thực hiện mua vào 200.000 cổ phiếu CMG, ngược lại bán ra 200.000 cổ phiêú SCS - một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ vận tải hàng không. Như vậy, quỹ Phần Lan nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Công nghệ CMC (HOSE: CMG) lên 7,1% vốn. Đối với Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HOSE: SCS), quỹ ngoại giảm tỷ lệ sở hữu còn 5,8% vốn.

Trước đó vào giữa tháng 11, Pyn Elite Fund báo cáo mua vào 2,6 triệu cổ phiểu của Bảo hiểm Quân đội (HOSE: MIG), nâng tỷ lệ sở hữu lên thành 8,08% vốn.

Theo báo cáo hoạt động tháng 11, Pyn Elite Fund cho biết đã giảm quy mô đầu tư vào cổ phiếu Vinhomes (HOSE: VHM). Tỷ trọng của VHM tại cuối tháng 12 trong danh mục đầu tư là 3,9%, không còn nằm trong top 10 khoản đầu tư. Ngược lại, SHS đã vươn lên vị trí thứ 7, xếp ngay trên VEA và CMG.

Được biết, Pyn Elite Fund - quỹ ngoại đến từ Phần Lan là một trong những quỹ đầu tư có góc nhìn lạc quan nhất về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong suốt nhiều năm qua, quỹ vẫn luôn bảo vệ quan điểm cho rằng chứng khoán Việt Nam đang có định giá hấp dẫn và dư địa tăng trưởng còn rất lớn.

Petri Deryng - người đứng đầu Pyn Elite Fund cho rằng, nửa đầu năm nay, các cổ phiếu hàng đầu trong danh mục của quỹ vẫn tạo ra tăng trưởng doanh thu và thu nhập khá mạnh bất chấp nền kinh tế có phần chậm lại. Trong khi đó, số liệu nghiên cứu công bố cho quý 3 đang cho thấy dấu hiệu tăng tốc trở lại. Nền kinh tế tổng thể được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trở lại vào năm 2024 trên nền so sánh thấp và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng đã được Chính phủ khuyến khích và thực hiện trong năm nay.

Pyn Elite Fund dự báo tăng trưởng doanh thu của các công ty niêm yết trong năm 2024 sẽ đạt mức cao, khoảng 25 - 30%và kỳ vọng tăng trưởng thu nhập sẽ vẫn duy trì khá tốt vài năm tới. Ngoài ra, các cổ phiếu nằm trong top đầu danh mục của quỹ đều được dự phóng sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng sang năm 2025.

Saigon Cargo Service làm ăn ra sao?

Về tình hình kinh doanh của Saigon Cargo Service, theo báo cáo tài chính mới nhất, trong quý cuối năm 2023, doanh nghiệp này mang về 199 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán bất ngờ tăng đột biến 77%, lên mức 54 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp giảm 12%, xuống mức 144 tỷ đồng. Biên lãi gộp theo đó thu hẹp từ 84% xuống 73%. Dù vậy, đây vẫn là mức tỷ suất lợi nhuận cao hàng đầu sàn chứng khoán.

Đáng chú ý, doanh thu tài chính của Saigon Cargo Service tăng 8% lên 19 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính chỉ chiếm không tới 1 tỷ đồng, nhờ doanh nghiệp không ghi nhận chi phí lãi vay do không vay nợ tài chính.

Khấu trừ chi phí, Saigon Cargo Service báo lãi 146 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 128 tỷ đồng, giảm 18%. Biên lãi ròng theo đó lên tới 65%. Cứ 10 đồng doanh thu lại “đút túi” 6.5 đồng lãi ròng, Saigon Cargo Service tiếp tục là “gà đẻ trứng vàng” của Gemadept và ACV.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 705 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 498 tỷ đồng, giảm 23%, xuống mức thấp nhất 3 năm.

Được biết, năm 2023, Saigon Cargo Service thận trọng đặt mục tiêu mang về 860 tỷ đồng doanh thu và 620 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm 5,5% và 11% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, doanh nghiệp này mới thực hiện được 82% chỉ tiêu doanh thu và 92% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Saigon Cargo Service ghi nhận ở mức 1.703 tỷ đồng, tăng 147 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, chiếm tới 62% cơ cấu tài sản, đạt gần 1.100 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, tại thời điểm cuối năm, nợ phải trả dừng ở mức 364 tỷ, chủ yếu là các khoản phải trả ngắn hạn khác cho các bên liên quan và phải trả cổ tức hơn 101 tỷ đồng. Doanh trong khi doanh nghiệp không có nợ vay tài chính. Vốn chủ sở hữu đạt 1.339 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 315 tỷ đồng.

Quỹ ngoại Pyn Elite Fund trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Chứng khoán DNSE

Quỹ ngoại Pyn Elite Fund sẽ nắm giữ 12% vốn và trở thành cổ đông lớn thứ hai của chứng khoán DNSE sau lễ ký ...

Quỹ ngoại với hiệu suất đầu tư chỉ 1,69% "bất ngờ" ngồi ghế cổ đông lớn Sao Mai (ASM)

Quỹ ngoại đến từ Phần Lan - Pyn Elite Fund nâng tỷ lệ sở hữu lên 5,02% và chính thức trở thành cổ đông lớn ...

Nhờ dòng Bank tăng trưởng, danh mục của Pyn Elite Fund tăng gần 7% trong tháng 1

Trong báo cáo hoạt động gần đây, quỹ ngoại đến từ Phần Lan - Pyn Elite Fund công bố tại thời điểm cuối tháng 1/2024, ...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán