Nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết
Bộ Công Thương đang tiến hành tham vấn ý kiến các bộ, ngành về việc xây dựng và ban hành Luật Thương mại điện tử. Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo Luật Thương mại điện tử đề xuất những quy định nhằm kiểm soát chủ thể tham gia giao dịch và lượng giao dịch trong thương mại điện tử.
Liên quan tới vấn đề này, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, hiện nay việc kiểm soát người bán trên các nền tảng thương mại điện tử vẫn đang là thách thức với cơ quan quản lý nhà nước.
Văn bản pháp lý về thương mại điện tử hiện đang giao trách nhiệm cho chủ nền tảng thương mại điện tử trong việc xác định danh tính của người bán trong nước và nước ngoài trên sàn. Điều này sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề.
Thứ nhất, khó khăn trong xác định danh tính người bán. Hiện tại, nhiều nền tảng thương mại điện tử chưa định danh và xác thực điện tử đối với người bán, dẫn đến việc khó kiểm soát chính xác thông tin về người bán, đặc biệt là với người bán ở nước ngoài hoặc người bán không tuân thủ quy định pháp luật. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cũng không nắm được một người bán hoạt động trên bao nhiêu nền tảng thương mại điện tử.
![]() |
Dự thảo Luật Thương mại điện tử đề xuất nhiều quy định để kiểm soát các chủ thể tham gia giao dịch thương mại điện tử. Ảnh minh hoạ |
Thứ hai, khó khăn trong việc truy vết và xử lý vi phạm. Việc chưa có quy định chặt chẽ về việc xác minh và lưu trữ thông tin người bán làm cho công tác điều tra và xử lý vi phạm trong giao dịch thương mại điện tử trở nên phức tạp. Các cơ quan chức năng khó truy vết kho hàng hoặc đối tượng bán hàng khi có vi phạm.
Thứ ba, rủi ro về gian lận và trốn thuế. Vì không có cơ chế định danh điện tử cũng như kiểm tra, giám sát toàn diện, các nền tảng thương mại điện tử có thể bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động gian lận hoặc trốn thuế. Các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan thuế, không thể theo dõi đầy đủ các giao dịch và hoạt động của người bán.
Thứ tư, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng. Người tiêu dùng khó có thể xác minh độ tin cậy của người bán trên các sàn thương mại điện tử nếu thông tin về người bán không được rõ ràng và minh bạch. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng và làm giảm độ tin cậy của nền tảng thương mại điện tử.
“Chính vì vậy, dự thảo Luật Thương mại điện tử đã đề xuất các giải pháp để giải quyết các vấn đề nêu trên. Cụ thể, Luật Thương mại điện tử sẽ có quy định về trách nhiệm của các chủ thể tham gia nền tảng số thương mại điện tử bán hàng; quy định trách nhiệm của các chủ thể tham gia nền tảng số trung gian thương mại điện tử; quy định trách nhiệm của các chủ thể tham gia nền tảng số đa dịch vụ”, bà Lê Hoàng Oanh cho hay.
Cũng theo bà Lê Hoàng Oanh, việc những người bán trên các sàn thương mại điện tử được định danh và quản lý chặt chẽ hơn sẽ giúp cho việc thu thuế hiệu quả hơn, giảm thiểu tình trạng trốn thuế, gian lận thuế. Điều này đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Việc luật hóa những quy định chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể sẽ tạo khung pháp lý ổn định, vững chắc, giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước yên tâm đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử. Từ đó, giảm thiểu sự mơ hồ và tranh chấp pháp lý, giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, người bán trong việc tuân thủ và thực thi pháp luật.
Đối với người tiêu dùng, các hoạt động thương mại điện tử được quản lý chặt chẽ theo luật, người tiêu dùng sẽ cảm thấy an tâm hơn khi mua sắm trực tuyến, từ đó, gia tăng nhu cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Đồng thời, việc quy định cụ thể trách nhiệm của người bán, các nền tảng thương mại điện tử, quyền khiếu nại và phương thức giải quyết tranh chấp giúp bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi lừa đảo, hàng giả, hàng kém chất lượng”, bà Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh.
Thiết lập thêm cơ chế thu thập thông tin
Cùng nói về sự cấp thiết của việc phải xây dựng các quy định để kiểm soát các chủ thể tham gia giao dịch, ông Trần Văn Khải, đại diện Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, người dân đang có xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều hơn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử, nhưng cũng đồng thời phát sinh nhiều rủi ro về chất lượng hàng hóa và dịch vụ.
Thực tiễn cho thấy Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý. Từ năm 2013 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định để quản lý hoạt động kinh doanh qua thương mại điện tử. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục có những quy định mới để bổ sung rõ ràng trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử đối với người tiêu dùng, mở rộng phạm vi điều chỉnh của pháp luật đến cả những người cung cấp sản phẩm, dịch vụ qua các nền tảng số.
“Thực tế hiện nay cho thấy, nếu không hoàn thiện khung pháp lý kịp thời sẽ phát sinh nhiều rắc rối cho cả cơ quan quản lý và người tiêu dùng đang sử dụng các sàn giao dịch thương mại điện tử. Do đó, tôi đề nghị cần thiết lập thêm các cơ chế thu thập thông tin, giám sát và đặc biệt là cơ chế bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả hơn, cùng với việc áp dụng chế tài nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm”, ông Trần Văn Khải nêu đề xuất.
![]() |
Ông Trần Văn Khải, đại diện Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, cần có cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. Ảnh: Cấn Dũng |
Dẫn một số nghiên cứu của các chuyên gia, ông Trần Văn Khải cho biết, Trung Quốc đã có những quy định yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử chịu trách nhiệm, thiết lập cơ chế xử lý vi phạm, báo cáo kịp thời và mức phạt có thể lên tới hàng triệu nhân dân tệ. Một số cá nhân bán hàng không trung thực cũng đã bị xử lý nghiêm minh.
Còn tại châu Âu, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ với các nền tảng số, yêu cầu xử lý quảng cáo sai sự thật, hành vi của các cá nhân có ảnh hưởng vi phạm pháp luật.
“Đã đến lúc cần tăng cường quyền cho người tiêu dùng, khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội và ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm từ gốc rễ”, đại diện Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định.
Thương mại điện tử Việt Nam được các tổ chức nghiên cứu thị trường uy tín đánh giá cao (xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô năm 2024 và xếp thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng năm 2022). Quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử B2C tăng trưởng nhanh chóng từ 2,97 tỷ đô la Mỹ năm 2014 đến 20,5 tỷ đô la Mỹ năm 2023, trung bình tăng trưởng 20 - 30% cả giai đoạn, đóng góp 8% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2023. Thị trường thương mại điện tử là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng toàn cầu, có thể tiếp cận với các sản phẩm đa dạng và phong phú cả trong nước và quốc tế. |