Quản lý nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ logistics: Kiến nghị từ các địa phương

08/04/2024 - 14:04
(Bankviet.com) Vai trò quản lý nhà nước lĩnh vực dịch vụ logistics của ngành Công Thương các địa phương khá mờ nhạt, nhiều đơn vị kiến nghị sửa Nghị định 163/2017/NĐ-CP.
Xúc tiến đầu tư phát triển dịch vụ logistics tỉnh Phú Thọ năm 2024 Hiến kế phát triển ngành dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Phú Thọ Đã có 45 tỉnh thành đã ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics

Vẫn còn nhiều nút thắt trong công tác quản lý

Để thúc đẩy lĩnh vực này, kiện toàn cơ chế quản lý, tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tại Nghị định 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ logistics.

Ngày 30/6/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2023/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung một số thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công Thương. Theo đó, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của Sở Công Thương về dịch vụ logistics.

Giảm “gánh nặng” chi phí logistics, nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Ảnh TTXVN

Theo Báo cáo của Ngân hàng thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc Top 5 ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Ảnh TTXVN

Mặc dù, hiện nay, nhiều địa phương đã có sự quan tâm đến phát triển dịch vụ logistics, tuy nhiên, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, phát triển dịch vụ logistics. Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), vấn đề mà các Sở Công Thương đang vướng đó là: Bắt đầu từ đâu? phải làm cái gì, như thế nào? phối hợp với ai? kinh phí từ đâu?

Chia sẻ tại Hội nghị với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực dịch vụ logistics do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 5/4, ông Lê Hoàng Giang - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết, mặc dù là đơn vị đầu mối tổng hợp báo cáo cho UBND, HĐND tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực dịch vụ logistics, nhưng Sở lại đang gặp khó khăn về số liệu thống kê của các ngành không kịp thời, cũng như không có thông tin hoạt động của các doanh nghiệp. Mặt khác, do các mục tiêu, định hướng thường trùng lặp với nhiệm vụ các ngành khác, trong quá trình triển khai phát triển dịch vụ logistics các ngành thường phải rà soát và lựa chọn phương án an toàn và đưa vào nội dung liên quan đến ngành họ quản lý mà chưa tập trung vào phát triển dịch vụ logistics mà ngành công thương muốn.

“Sở Công Thương chỉ nắm được một phần nhỏ trong việc xây dựng thể chế, kế hoạch, đề án logistics. Còn các vấn đề xây dựng thể chế, quy định, thực thi quy định, thanh tra kiểm tra thường lấy số liệu các ngành, vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ logistics của ngành Công Thương các địa phương khá mờ nhạt”, ông Lê Hoàng Giang cho hay.

Còn theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh – cho hay, mặc dù Sở được giao nhiệm vụ nhưng không được giao cơ chế; chưa có hệ cơ sở thống kê về chỉ số logistics; doanh nghiệp hoạt động logistics khá nhỏ, không có chuỗi doanh nghiệp đủ lớn để có thể chi phối nên chi phí logistics tăng; việc tiếp cận đất đai khó khăn.

Ông Phạm Công Toản – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang – nêu vấn đề, Nghị định 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định về kinh doanh dịch vụ logistics có 16 nhóm ngành nghề dịch vụ thì có trên 10 ngành nghề dịch vụ liên quan đến ngành giao thông vận tải; các dịch vụ logistics liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương rất ít. Do đó, khi triển khai thực hiện cần có sự liên kết giữa các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước trong tỉnh và giữa các địa phương với nhau.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh Hội nghị

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Đặng Trần Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ - cho hay, do vai trò của ngành Công Thương trong Nghị định 163/2017/NĐ-CP không được rõ nét, do đó, đề nghị sửa đổi Nghị định 163 theo hướng quy định rõ hơn về thương mại điện tử đối với lĩnh vực dịch vụ logistics; lồng ghép quy định quản lý nhà nước về lĩnh vực dịch vụ logistics vào Nghị định này, đồng thời phân định rõ trách nhiệm, vai trò của các ngành. Bên cạnh đó, cần có Quy hoạch tổng thể chung về hệ thống logistics của cả nước, trong đó, cần có nội dung liên kết vùng, hợp tác phát triển logistics giữa các địa phương phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của từng địa phương, từng vùng để tạo thành các chuỗi logistics. Từ đó, phát huy được thế mạnh tổng hợp.

Ngoài ra, ông Đặng Trần Phương còn kiến nghị sửa đổi quy định phân hạng trung tâm logistics và quy định chính đất đai khi thực hiện các dự án hạ tầng trung tâm logistics do những quy định trước đây không còn phù hợp.

Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, hiện nay việc phát triển logistics rất cần sự liên kết vùng giữa các tỉnh. Đã có nhiều tỉnh đã liên kết với nhau tạo thành vùng, tuy nhiên đang thiếu một định hướng về cơ chế thống nhất của cả vùng. Nếu chúng ta thả tự do cho các tỉnh phát triển rất dễ dẫn đến tình trạng phát triển thiếu liên kết, thậm chí xảy ra cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, rất cần định hướng khung của Bộ Công Thương trên nền tảng quy hoạch tổng thể của cả nước…

Bộ Công Thương luôn đồng hành với các địa phương trong quản lý nhà nước về logistics

Khẳng định việc đóng góp của dịch vụ logistics đối với thương mại, dịch vụ, thị trường trong nước thời gian qua là rất tích cực, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – tán thành những kiến nghị của các địa phương về vấn đề cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới hạ tầng logistics, thu hút đầu tư, triển khai quy hoạch hạ tầng logistics tại các địa phương.

Theo bà Lê Việt Nga, với hội nhập kinh tế quốc tế, hiện đã có nhiều thay đổi về khái niệm trung tâm logistics. Thông thường, khi các doanh nghiệp FDI vào các khu chế xuất, khu công nghiệp, họ thường mang theo các doanh nghiệp phục vụ logistics là bạn hàng của họ, việc này không những ở Việt Nam mà còn ở quy mô toàn cầu. Thực tế, có những trung tâm logistics khá lớn nằm ngay tại các khu công nghiệp, và những kho hàng logistics nhỏ nằm tại các cụm điểm công nghiệp.

Vì vậy, sau gần 10 năm triển khai Quyết định số 1012/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đến nay, đã có nhiều điểm cần phải sửa đổi, bổ sung, cập nhật để đảm bảo tính pháp lý cũng như phù hợp với các Quy hoạch tỉnh, Thành phố mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát triển cảng biển container Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển quốc tế
Tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14 - 16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 lên 638 tỷ USD.

Về câu hỏi kinh phí từ đâu, theo bà Lê Việt Nga, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 cho phép trung tâm logistics được sử dụng vốn đầu tư công (từ ngân sách trung ương và địa phương) để đầu tư các hạ tầng này tại địa phương.

“Trung tâm logistics cũng giống chợ đầu mối, chợ dân sinh, các kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, các trung tâm về triển lãm được nhận từ ngân sách nhà nước. Vậy chúng ta đã khai thác như thế nào đối với quy định này trong giai đoạn 2021 – 2025?”, bà Lê Việt Nga đặt vấn đề.

Mặt khác, các cơ chế chính sách hiện nay đang rất hỗ trợ cho việc đầu tư phát triển các trung tâm logistics. Việc này nằm trong Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045, cũng như nằm trong các Đề án lớn mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, trong đó có Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030.

Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế trong đó có một điểm mới rất mở là cho phép thu hút phát triển các dịch vụ logistics. Do đó, chúng ta cần tận dụng ngay thông tin này để khi Nghị định 163/2017/NĐ-CP được sửa đổi theo hướng cho phép các trung tâm logistics nằm trong các khu công nghiệp, cụm điểm công nghiệp cũng sẽ được hưởng các ưu đãi.

Cũng theo bà Lê Việt Nga, trong Luật đất đai mới đây thì chúng tôi rất quan tâm đến những chi tiết liên quan đến những hạ tầng thương mại, trong đó có chợ đầu mối và chợ dân sinh cũng được phép thu hồi đất, trở thành một công trình công cộng; hay việc thu hồi đất để phục vụ những công trình công cộng, công trình quốc phòng, trong đó có cả khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

Nếu như sửa đổi được vấn đề về các Trung tâm logistics nằm trong các khu công nghiệp thì đây sẽ là bước đột phá lớn để có được những ưu tiên, ưu đãi trong lĩnh vực đất đai, cũng như sử dụng vốn đầu tư công, cũng như thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội hợp pháp khác.

“Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương luôn đồng hành với các địa phương để tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định về quản lý nhà nước liên quan đến hạ tầng logistics nhằm hỗ trợ thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ logistics của cả nước nói chung và của các địa phương nói riêng”, bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - chia sẻ: "Chúng tôi thấy rất nhiều ý kiến nêu các bất cập và nhu cầu sửa đổi Nghị định 163/2017/NĐ-CP, đặc biệt là định nghĩa về phạm vi, khái niệm của các dịch vụ logistics hiện nay đưa ra trong 16 nhóm ngành này tại Nghị định 163 có thể là chưa phản ánh hết, hoặc là chưa thể hiện hết các lĩnh vực của ngành, đặc biệt là thực tế phát triển hiện nay như thương mại điện tử… Do đó, Cục Xuất nhập khẩu sẽ đưa vào kế hoạch để đề xuất xem xét sửa đổi trong thời gian tới".

Liên quan tới vấn đề quy hoạch các trung tâm logistics; liên kết vùng, địa phương trong phát triển dịch vụ logistics; quỹ đất dành cho phát triển hạ tầng dịch vụ logistics; các tiêu chuẩn về khu, cụm logistics,... ông Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp và có sự trao đổi tiếp theo tại các cuộc họp liên quan đến thực hiện Luật Quy hoạch và triển khai Quy hoạch các tỉnh, thành phố...

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương