Quản lý thị trường Vĩnh Long chuyển công an điều tra 3 vụ buôn lậu, hàng giả

25/06/2024 - 19:19
(Bankviet.com) 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường Vĩnh Long đã chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, khởi tố hình sự 3 vụ liên quan đến thuốc lá và phân bón.
Vĩnh Long: Tìm chủ nhân của lô hàng hơn 200 sản phẩm trang sức vi phạm Vĩnh Long: Công khai hơn 82 doanh nghiệp, người nợ thuế số tiền hơn 16 tỷ đồng Vĩnh Long: Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Ngày 24/6/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long đã có thông tin về kết quả hoạt động của 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, thời gian qua, đơn vị này đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, xác định rõ các địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng tâm nên việc triển khai kiểm tra, kiểm soát đạt được nhiều kết quả tích cực.

Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường Vĩnh Long kiểm tra 311 vụ, phát hiện vi phạm và đã xử lý 201 vụ với số tiền xử phạt hơn 1,8 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 3,5 tỷ đồng, thu nộp ngân sách gần 2,2 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị cũng chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự 3 vụ (trong đó, 1 vụ tái phạm buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu đã khởi tố và 2 vụ buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng đang xem xét).

Quản lý thị trường Vĩnh Long chuyển công an điều tra 3 vụ buôn lậu, hàng giả
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long đã kiểm tra 5 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức trên địa bàn tỉnh và phát hiện sai phạm (Ảnh: Cục QLTT Vĩnh Long)

Các hành vi vi phạm chủ yếu mà lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long kiểm tra phát hiện như: Buôn bán hàng cấm; hàng hóa nhập lậu; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa vi phạm về nhãn; hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu; hàng hóa quá hạn sử dụng; hàng hóa giả về giá trị sử dụng, công dụng.

Ngoài ra còn có các hành vi vi phạm phổ biến khác như: Hàng hóa không có dấu hợp quy; không niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề dược; bán thuốc không có giấy đăng ký lưu hành; bán thuốc bảo vệ thực vật cấm kinh doanh, cấm sử dụng; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng; không niêm yết giá. Số hàng hóa vi phạm được phát hiện chủ yếu là thuốc lá điếu, thuốc đông y, phân bón, thuốc thuốc bảo vệ thực vật, vàng trang sức, lương thực, thực phẩm,...

Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, các Đội Quản lý thị trường thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền, nhắc nhở cho 307 cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, bán đúng theo giá niêm yết; không đầu cơ, găm hàng, tăng giá vượt mức quy định; không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng...

Ngoài ra, các Đội Quản lý thị trường phụ trách địa bàn tích cực tham gia các đoàn kiểm tra cấp huyện, như: Đoàn kiểm tra liên ngành 389; Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm; Đoàn kiểm tra hành nghề dược; Đoàn kiểm tra hóa đơn tại các cửa hàng xăng dầu do Chi cục thuế khu vực II chủ trì; Đoàn hậu kiểm an toàn thực phẩm,… Qua kiểm tra, chủ yếu các đoàn chỉ nhắc nhở, tuyên truyền hướng dẫn thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

Quản lý thị trường Vĩnh Long chuyển công an điều tra 3 vụ buôn lậu, hàng giả
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long kiểm tra tại cơ sở (Ảnh: Cục QLTT Vĩnh Long).

Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các Đội tăng cường kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, mặt hàng vật tư nông nghiệp... Chú trọng lĩnh vực thương mại điện tử và các mô hình hoạt động kinh doanh trên ứng dụng công nghệ số, mua bán online thông qua các ứng dụng trên nền tảng di động, website bán hàng, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Twitter.

Qua đó, nhằm chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng lợi dụng lòng tin của người mua hàng trên mạng để gian lận về mẫu mã, giá cả, chất lượng của hàng hoá. Đặc biệt là các mặt hàng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, hàng giả, hàng lậu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Kết hợp phòng ngừa hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm, xử lý theo quy định.

Diệu Linh

Theo: Báo Công Thương