Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế cả năm đạt 27.376 tỷ đồng, tăng 18,8% so với năm 2020 và vượt 8,5% so với kế hoạch năm.
Với con số này, Vietcombank tiếp tục giữ vị trí quán quân toàn ngành về lợi nhuận nếu xét theo báo cáo tài chính hợp nhất.
Năm 2021, tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank đạt 56.711 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm trước. Trong đó, thu nhập lãi đóng góp 42.387 tỷ đồng (tăng 16,8%); thu nhập ngoài lãi đóng góp 14.324 tỷ đồng (tăng 12,1%).
Trong các khoản thu ngoài lãi, mảng dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 7.407 tỷ đồng (tăng 12,1%), với động lực chính vẫn từ hoạt động thanh toán; còn mảng kinh doanh ngoại hối thu về 4.375 tỷ đồng (tăng 12%).
Đáng chú ý, dù không đóng góp quá lớn, song, lãi thuần từ mảng mua bán chứng khoán đầu tư đã tăng gấp hơn 56 lần năm trước lên 104 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí hoạt động của Vietcombank tăng 9,6% lên 17.575 tỷ đồng; chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng 18% lên 11.761 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh năm 2021 của Vietcombank (Nguồn: Lê Huy tổng hợp)
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 14,4% lên 960.750 tỷ đồng.
Về chất lượng cho vay, dư nợ xấu của ngân hàng trong năm qua đã tăng 17% lên 6.121 tỷ đồng, chủ yếu tăng tại nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ nhích nhẹ từ mức 0,62% lên 0,64%.
Mặt khác, với việc bổ sung "bộ đệm" nợ xấu lên 25.976 tỷ đồng (tăng 35%), tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đã tăng từ 368% lên 424%, mức cao kỷ lục của toàn ngành ngân hàng.
Về nguồn vốn, kết thúc 2021, số dư tiền gửi khách hàng đạt gần 1,14 triệu tỷ đồng, tăng 10%. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) chiếm 367.149 tỷ đồng (tăng 19,5%), tương đương với tỷ lệ CASA là 32%; tiền gửi có kỳ hạn chiếm 730.223 tỷ đồng (tăng 5,3%).
Lưu Lâm
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam