Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề về sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19

14/06/2022 - 16:01
(Bankviet.com) Với 469/475 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,18%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Toàn cảnh phiên họp

Sáng ngày 14/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua hai nghị quyết về việc Thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023.

Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023.

Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết. Theo đó, với 469/475 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,18%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Nghị quyết nêu rõ phạm vi, đối tượng, nội dung giám sát là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2020 - 2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng từ ngày 1/1/2018 (sau khi Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017) đến ngày 31/12/2022 trên phạm vi cả nước. Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Nội dung giám sát được nêu trong Nghị quyết là đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc: huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực (bao gồm nhân lực, tài lực, vật lực) phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở (tổ chức hệ thống y tế cơ sở, điều kiện bảo đảm và công tác tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan); thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng (đào tạo, cơ cấu nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy, điều kiện bảo đảm và công tác tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan); đoàn giám sát cũng kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Cũng trong phiên họp sáng ngày 14/6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, với 465/471 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,37%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Nghị quyết phân công cụ thể Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn Thường trực, Phó Trưởng Đoàn, Các Ủy viên, đại biểu và chuyên gia mời tham gia Đoàn giám sát. Phạm vi giám sát về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2023 trên phạm vi cả nước; Việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2023 trên phạm vi cả nước; Việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ tháng 7/2020 đến hết tháng 6/2023 trên phạm vi cả nước.

Đối tượng giám sát là Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;  Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân 51 tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung giám sát nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Thanh Hải

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ