Nội dung của Quy chế này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm ngành Ngân hàng, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh/thành phố, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, các Tổ chức tín dụng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (Ban Chỉ đạo tại các đơn vị).
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm ngành Ngân hàng do Thống đốc NHNN thành lập, chịu trách nhiệm trước Ban Cán sự Đảng NHNN và Thống đốc NHNN trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm trong phạm vi ngành Ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật.
Ban chỉ đạo có các nguyên tắc, chế độ làm việc sau:
Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trước cấp ủy Đảng, Thủ trưởng đơn vị cùng cấp và Ban Chỉ đạo cấp trên về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm.
Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể thảo luận, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận và chỉ đạo thực hiện.
Ban Chỉ đạo hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tuân thủ quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tôn trọng, không làm cản trở hoạt động bình thường và không làm thay nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm.
Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; chịu trách nhiệm tập thể trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật và Trưởng Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm ngành Ngân hàng dùng con dấu của NHNN để thực hiện nhiệm vụ. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm tại các đơn vị dùng con dấu của đơn vị để thực hiện nhiệm vụ.
Quy chế quy định thành phần Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm ngành Ngân hàng gồm có:
Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thống đốc NHNN làm Trưởng Ban Chỉ đạo;
01 Phó Thống đốc NHNN làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo thường trực;
Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo;
Các Ủy viên gồm có: Thủ trưởng một số đơn vị thuộc NHNN, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên một số Tổ chức tín dụng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam.
Tại NHNN Chi nhánh tỉnh/thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm được thành lập theo Quyết định của Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh/thành phố; do người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng NHNN Chi nhánh tỉnh/thành phố làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Chánh Thanh tra, giám sát NHNN Chi nhánh tỉnh/thành phố làm Phó trưởng Ban thường trực.
Tùy tình hình cụ thể tại địa phương, có thể bố trí thêm 01 Phó trưởng Ban.
Thành viên Ban Chỉ đạo là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức của một số chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn. Số lượng thành viên Ban Chỉ đạo do Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định tùy theo tình hình thực tế của địa phương.
Tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc NHNN, các Tổ chức tín dụng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Các đơn vị có mạng lưới tổ chức gồm trụ sở chính và các đơn vị/chi nhánh trực thuộc phải thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm để chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm đối với toàn hệ thống đơn vị.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm tại các đơn vị xem xét, quyết định việc triển khai mô hình Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm tại các đơn vị/chi nhánh trực thuộc phù hợp với mô hình tổ chức, tình hình hoạt động.
Thành phần Ban Chỉ đạo (tại trụ sở chính) của các đơn vị này bao gồm: Trưởng Ban Chỉ đạo do người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức đảm nhiệm. Các chức danh còn lại do Trưởng Ban Chỉ đạo phân công phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị. Số lượng thành viên Ban Chỉ đạo do Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định.
Nội dung của Quy chế quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo, của các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm ngành Ngân hàng và Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm tại các đơn vị trong ngành Ngân hàng...
Văn bản nêu rõ, căn cứ Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm ngành Ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm và xây dựng, sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo của đơn vị mình.
Ngô Hải
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ