Quy định xuất xứ hàng hóa trong AHKFTA

28/12/2023 - 22:29
(Bankviet.com) Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hồng Công, Trung Quốc (AHKFTA).

Theo dự thảo, hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Nước thành viên xuất khẩu trong các trường hợp sau: Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng (bao gồm quả, hoa, rau, cây, rong biển, nấm và cây trồng sống) được trồng, thu hoạch, hái hoặc thu lượm tại một Nước thành viên.

quy dinh xuat xu hang hoa trong ahkfta

Động vật sống (bao gồm động vật có vú, chim, cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm, bò sát, vi khuẩn và vi-rút) được sinh ra và nuôi dưỡng tại một Nước thành viên; sản phẩm thu được từ động vật sống tại một Nước thành viên.

Sản phẩm đánh bắt từ biển hoặc thu được bằng tàu được đăng ký tại Nước thành viên xuất khẩu hoặc treo cờ của Nước thành viên đó, và khoáng sản hoặc chất sản sinh tự nhiên khác lấy từ biển, đáy biển hoặc lòng đất nằm bên ngoài lãnh thổ của Nước thành viên xuất khẩu, với điều kiện Nước thành viên đó có quyền khai thác biển, đáy biển và lòng đất đó theo luật quốc tế. Luật quốc tế đề cập đến luật quốc tế được công nhận rộng rãi, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982; sản phẩm đã qua sử dụng thu được tại một Nước thành viên với điều kiện sản phẩm đó chỉ phù hợp làm nguyên liệu hoặc mục đích tái chế…

Về kiểm tra trước khi xuất khẩu, dự thảo nêu rõ, nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất sản phẩm được cho là đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan nộp đơn cho cơ quan, tổ chức cấp Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) yêu cầu việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa trước khi xuất khẩu. Kết quả kiểm tra, xác minh xem xét định kỳ hoặc khi thấy cần thiết, được chấp nhận như chứng từ hỗ trợ việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Việc kiểm tra trước khi xuất khẩu có thể không cần áp dụng đối với hàng hóa mà bản chất xuất xứ của hàng hóa đó có thể dễ dàng xác định được.

Nộp hồ sơ đề nghị cấp C/O

Khi làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan, nhà xuất khẩu hoặc người được ủy quyền nộp đơn đề nghị cấp C/O mẫu AHK kèm theo chứng từ cần thiết chứng minh rằng hàng hóa xuất khẩu đáp ứng điều kiện để được cấp C/O mẫu AHK. Đối với Trung Quốc, nhà sản xuất Trung Quốc có thể áp dụng C/O mẫu AHK trong trường hợp nhà sản xuất đó cần ủy quyền cho các đại lý thay mặt để xuất khẩu.

C/O mẫu AHK được cấp trước thời điểm hoặc tại thời điểm hàng lên tàu. Trường hợp C/O mẫu AHK không được cấp tại thời điểm hàng lên tàu hoặc không muộn hơn 3 ngày tính từ ngày hàng lên tàu theo đề nghị của nhà xuất khẩu, C/O mẫu AHK được cấp sau phù hợp với quy định pháp luật Nước thành viên xuất khẩu. Việc cấp sau này được thực hiện trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hàng lên tàu. Trong trường hợp đó, nhà nhập khẩu đề nghị hưởng ưu đãi thuế quan có thể nộp C/O mẫu AHK cấp sau cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu theo quy định pháp luật của Nước thành viên đó.

C/O mẫu AHK do cơ quan, tổ chức cấp C/O của Nước thành viên xuất khẩu cấp còn hiệu lực được nộp cho cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu trong vòng 1 năm kể từ ngày cấp.

Theo: Báo Công Thương