Bộ Công Thương nỗ lực cụ thể hoá cam kết tại COP26 Tăng tốc chuyển đổi xanh để đạt mục tiêu cam kết tại COP 26 |
Những mục tiêu đầy tham vọng
Tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) có hiệu lực từ năm 2016, Việt Nam luôn cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Hội nghị COP 26 đánh dấu sự chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển trên thế giới, từ dựa trên năng lượng hóa thạch, sang phát triển ít phát thải, hướng tới phát thải ròng các-bon về 0 - tức “Net Zero”.
Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, giảm phát thải khí metan 30% vào năm 2030, cam kết chống suy thoái rừng và chuyển đổi năng lượng sạch để đạt “Net Zero” vào năm 2050. Đồng thời, Việt Nam kêu gọi tất cả các nước giàu, các nước phát triển phải chia sẻ, hỗ trợ và giúp đỡ các nước đang phát triển, các nước nghèo trong việc hoàn thiện thể chế; đào tạo nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo; bố trí tài chính xanh phù hợp và hiệu quả; chia sẻ công nghệ xanh; quản trị quốc gia để thực hiện cắt giảm metan.
Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình. (Ảnh minh họa) |
Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Các đối tác phát triển trong và ngoài nước đã thể hiện mong muốn hợp tác với Việt Nam để triển khai thực hiện các cam kết, khai thông cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững thông qua tăng trưởng ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp xu hướng chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển thế giới.
Lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính được đưa ra tại Hội nghị COP26, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu năng lượng, bởi hiện nay năng lượng là lĩnh vực phát thải lớn nhất. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, 60% lượng phát thải năm 2020 từ công nghiệp năng lượng là từ sản xuất điện năng. Hiện nay, công suất điện than của nước ta đạt khoảng 21,3GW, đóng góp 50% tổng sản lượng điện. Theo Kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường (BAU) của Việt Nam, đến năm 2050, có tới 81% lượng phát thải là từ ngành năng lượng. Vậy năng lượng sẽ là ngành quyết định mục tiêu Net Zero của Việt Nam. Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) cũng cho rằng, để đạt mục tiêu Net Zero, cần dừng triển khai các dự án than mới, cũng như đưa ra lộ trình tiến tới loại bỏ các dự án than hiện tại.
Tuyên bố đạt Net Zero của Việt Nam đã phát đi tín hiệu tích cực nhằm thu hút đầu tư, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, thay đổi xu hướng tiêu dùng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, rất nhiều mục tiêu liên quan cần điều chỉnh tổng thể. Cần thiết được “bóc tách”, tính toán bằng “kịch bản Net Zero 2050” chi tiết...
Ngoài quyết tâm về chính trị, rất cần sự vào cuộc của các thành phần kinh tế, xã hội ở các cấp, các địa phương khác nhau, Việt Nam phải xây dựng chính sách và có những hành động thực tế nhằm thu hút, kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, địa phương nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm phát thải.
Đặc biệt, với cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và tăng cường thu hút vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị - công trình xanh, tài chính xanh…, Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, coi đây giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn.
Đại diện Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cho rằng, với lộ trình giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 mà Việt Nam đã đặt ra trong khi vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, cần ưu tiên 4 lĩnh vực chính: Năng lượng tái tạo, hydro sạch, giao thông và vận tải sạch, giải pháp công nghiệp xanh. BCG ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư bổ sinh vào các lĩnh vực xanh tại Việt Nam giai đoạn 2021-2050 khoảng 144 tỷ USD, trong đó sản xuất điện và ngành công nghiệp chiếm tỷ trong cao nhất.
Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là hướng đi bắt buộc và sống còn không chỉ riêng doanh nghiệp, mà cho cả nền kinh tế quốc gia. Đáng chú ý xu hướng phát triển xanh – bền vững đã và đang hình thành “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Các thị trường nhập khẩu quan trọng triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có “dấu chân carbon” lớn; nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, thì thực tế vẫn nghi nhận một số doanh nghiệp da giầy Việt Nam sau khi tuân thủ quy trình sản xuất xanh đang gặt hái thành công khi quá tải đơn hàng.
Trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng ngày càng đậm nét cả từ yêu cầu và lộ trình tăng trưởng xanh của Chính phủ và từ yêu cầu của đối tác trong chuỗi cung ứng quốc tế mà họ tham gia, trong đó có yêu cầu về sử dụng năng lượng sạch cho quy trình sản xuất xanh...
Động lực mới cho năng lượng sạch, xanh từ Quy hoạch điện VIII
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã được phê duyệt trong tháng 5/2023.
Quy hoạch điện VIII được kỳ vọng không chỉ cơ bản đáp ứng yêu cầu đảm bảo cân đối giữa các vùng, miền ( gồm 6 tiểu vùng: Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Nam bộ), hạn chế truyền tải đi xa, tiết kiệm hàng chục tỷ USD đầu tư hạ tầng truyền tải, từ đó giúp giảm giá thành điện, mà còn đảm bảo cân đối giữa các nguồn điện, hướng tới giảm điện than, tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo, góp phần đáp ứng yêu cầu giảm phát thải ròng Các-bon của Việt Nam về mức 0 vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị COP26 vừa qua.
Đánh dấu một mốc mới và tạo động lực mạnh mẽ trên hành trình phát triển năng lượng xanh của Việt Nam, Quy hoạch điện VIII dự kiến tổng công suất nguồn điện lắp đặt trong hệ thống điện quốc gia đến năm 2030 vào khoảng 146.000 MW, và đạt khoảng 400.000 MW năm 2045, đáp ứng đầy đủ nhu cầu công suất phụ tải điện cực đại dự báo đến năm 2030 vào khoảng 93.300 MW, có mức độ dự phòng nguồn điện hợp lý trong hệ thống điện quốc gia và các vùng, miền.
Để tiến tới mục tiêu cam kết giảm phát thải ròng các bon về 0 năm 2050, Việt Nam đã giảm khoảng 13.500 MW công suất các nguồn điện LNG, thay thế bằng các nhà máy điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, các nguồn điện linh hoạt sử dụng hydrogen và các nguồn thuỷ điện tích năng, pin lưu trữ năng lượng (trong đó điện gió, điện mặt trời cần bổ sung thêm khoảng 47.000 MW). Tỷ trọng năng lượng tái tạo 29,5-36,2% theo Quy hoạch điện VIII tăng 4-5% so với mức đề ra tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhờ đó, đến năm 2045 lượng phát thải CO2 chỉ còn là 175 triệu tấn và giảm xuống khoảng 42 triệu tấn vào năm 2050.
Nhằm tập trung thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, giảm thiểu các nguồn điện phát thải CO2, ngành điện sẽ tiếp tục triển khai các dự án điện than đang xây dựng (khoảng 10.842 MW), nhưng không cân đối các nguồn điện than đồng phát (tổng công suất 2.850 MW) vào quy hoạch và không phát triển thêm các nhà máy điện than mới. Các nhà máy điện than BOT đã giao cho chủ đầu tư nước ngoài tiếp tục được đưa vào quy hoạch để tránh hệ quả pháp lý cho Chính phủ. Nhưng các dự án này sẽ được theo dõi sát tình hình triển khai và đàm phán chuyển đổi nhiên liệu khi có thể; Đồng thời, Việt Nam sẽ khuyến khích phát triển điện gió ngoài khơi, các loại thủy điện tích năng, điện sinh khối, pin lưu trữ, cũng như điện mặt trời cấp trực tiếp (tự cung cấp, tiêu thụ tại chỗ) cho các cơ sở sản xuất; ưu tiên chuyển đổi nhiên liệu từ than sang biomass và amoniac, từ khí tự nhiên, LNG sang hydrogen… Nhờ vậy, sản lượng điện sản xuất từ các nguồn điện than có xu hướng giảm dần từ mức gần 50% hiện nay xuống còn 25,7% vào năm 2030 và giảm mạnh xuống còn 9,6% vào năm 2045. Nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời quy mô lớn, điện sinh khối...) sẽ tăng dần tỷ trọng từ mức 6% hiện nay, lên gần 24% vào năm 2030 và sẽ đạt 50,7% vào năm 2045 (trong đó, sẽ có 23.900 MW điện khí LNG, 16.121 MW điện gió trên bờ, 7.000 MW điện gió ngoài khơi và 8.736 MW điện mặt trời quy mô lớn). Riêng tỷ trọng điện gió sẽ tăng từ 10,8% hiện nay lên 15,8% tổng công suất nguồn đặt vào năm 2030, trong đó riêng điện gió ngoài khơi là 4,8%;
Theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 khoảng 146.000 MW (không tính điện mặt trời mái nhà, các nguồn điện đồng phát), Trong đó, sẽ có 37.467 MW điện than, 23.900 MW điện khí LNG, 16.121 MW điện gió trên bờ, 7.000 MW điện gió ngoài khơi và 8.736 MW điện mặt trời quy mô lớn. Quy mô này đáp ứng đủ nhu cầu công suất phụ tải cực đại dự báo đến năm 2030 là 93.300 MW, có mức dự phòng nguồn điện hợp lý trong hệ thống điện quốc gia và các vùng, miền. Tổng công suất nguồn điện lắp đặt trong hệ thống điện quốc gia sẽ tăng lên 217.596 MW vào năm 2035 và đạt khoảng 401.556 MW năm 2045.
Tỷ trọng công suất các nguồn điện giai đoạn 2025 - 2045
(Đơn vị: %;)
Chỉ tiêu/Năm | Năm 2025 | Năm 2035 | Năm 2045 |
Điện than/biomass/amoniac | 29,3 | 17,7 | 9,6 |
LNG, chuyển dùng LNG/hydrogen | 11,1 | 7 | 3,8 |
Turbin khí dùng LNG, hydrogen mới | 3,6 | 14,8 | 8 |
Nhiệt điện chạy khí hydrogen | 0 | 3 | 7,2 |
Điện than, turbin khí chạy dầu | 0,6 | 0 | 0 |
Thuỷ điện (gồm thuỷ điện nhỏ) | 27,2 | 15,9 | 9 |
Điện gió trên bờ, gần bờ | 13,8 | 12,6 | 14,3 |
Điện gió ngoài khơi | 0 | 8,5 | 17 |
Điện mặt trời quy mô lớn | 8,9 | 11,8 | 19,4 |
Điện sinh khối, năng lượng tái tạo khác | 1 | 1,5 | 1,3 |
Thuỷ điện tích năng, pin lưu trữ | 0 | 3,6 | 7,5 |
Nhập khẩu | 4,5 | 3,7 | 2,8 |
Nguồn: Bộ Công Thương
Là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng trong hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch điện VIII được coi là đáp án tối ưu cho bài toán không dễ giải đáp ứng các yêu cầu tổng hợp về sự tuân thủ các quy định tại Luật Quy hoạch, Luật Điện lực, cân đối công suất nguồn trên từng tiểu vùng, tối ưu phát triển nguồn điện trên toàn bộ hệ thống điện và từng tiểu vùng theo tiêu chí cực tiểu hóa chi phí sản xuất điện trong toàn bộ thời kỳ quy hoạch; đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện trên từng hệ thống điện tiểu vùng, giảm tổn thất truyền tải liên vùng, miền; đảm bảo tính hiệu quả, đáp ứng sự phát triển ổn định hệ thống và nhu cầu phụ tải, chi phí đầu tư và giá thành điện năng.
Hơn nữa, việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo không chỉ giúp tăng tính chủ động trong cung cấp điện, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu, mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng xanh của Việt Nam nhờ hướng tới giảm tối đa phát triển các nguồn điện than gây phát thải khí nhà kính, đáp ứng cam kết của ngành điện trong thực hiện trung hoà khí CO2 vào năm 2050.
Với dự kiến tổng vốn đầu tư và chi phí vận hành hệ thống đến năm 2030 là 317,24 tỷ USD, trong đó nguồn vốn xã hội hóa sẽ chiếm tỷ trọng cao, để phát triển các nguồn cung, mạng lưới truyền tải liên miền, hệ thống truyền tải siêu cao áp ven biển..., nên Quy hoạch điện VIII cũng được kỳ vọng mở ra những cơ hội thu hút đầu tư mới từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước, nhất là đầu tư vào các dự án năng lượng điện tái tạo, từ điện gia đình, áp mái, đến các trang trại điện gió, điện mặt trời quy mô lớn trên biển và đất liền. Sự phát triển các dự án điện năng xã hội hóa này cũng đồng nghĩa với xu hướng thu hẹp độc quyền nhà nước và tăng tính chất cơ chế thị trường trong sản xuất và tiêu dùng điện năng ở nước ta thời gian tới, từng bước tiesn tới đồng bộ và phát triển đầy đủ các thể chế kinh tế thị trường ở nước ta.
Để khai thác và hiện thực hóa những động lực tích cực từ triển khai Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, thuận lợi của địa phương trong mối liên kết vùng và hạch toán hiệu quả kinh tế tổng thể quốc gia; sớm quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2045 về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển cho các hoạt động phát triển kinh tế biển và năng lượng đại dương một cách bền vững; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thúc đẩy xã hội hóa và thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ để phát triển các dự án điện tái tạo cả trên đất liền và ngoài khơi. Ngoài ra, cần chú ý các vấn đề phát sinh cả về tài chính và công nghệ trong thực hiện Quy hoạch, gắn với một số công nghệ chưa được thương mại hoá, như công nghệ sử dụng hydrogen, amoniac xanh...
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, để thực hiện Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương cần làm rõ các tiêu chí xác định các dự án quan trọng, ưu tiên từng thời kỳ để bố trí không gian phát triển các vùng, miền, địa phương, bảo đảm minh bạch, hiệu quả; rà soát đồng bộ quy hoạch nguồn và lưới điện truyền tải; xác định danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên phát triển từng thời kỳ, nhất là giai đoạn 2021 - 2025, 2026 – 2030; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách có liên quan, bảo đảm phát triển ngành điện bền vững, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền và không được lồng ghép lợi ích nhóm vào bất kỳ cơ chế, chính sách nào, ngoài các quy định hiện hành của pháp luật và vì lợi ích chung phát triển bền vững quốc gia.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai Quy hoạch điện VIII cũng đòi hỏi các cơ quan chức năng chú ý cập nhật và nâng cấp, chuẩn hóa các tiêu chuẩn định mức kỹ thuật ngành và yêu cầu bảo vệ môi trường, làm căn cứ cho việc xét duyệt, thông qua, triển khai và kiểm tra, giá sát, cũng như kiểm toán các dự án đầu tư về yêu cầu tuân thủ, về hiệu quả và chính sách…
Với tinh thần phát triển nguồn điện thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 theo hướng bền vững, dành nhiều không gian cho phát triển các nguồn năng lượng xanh, sạch và thân thiện với môi trường với chi phí sản xuất điện hợp lý, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện, đáp ứng các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về giảm thiểu tối đa phát thải các loại khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, Quy hoạch điện VIII được kỳ vọng vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp tạo nhiều động lực mới cho phát triển xanh và thu hẹp độc quyền nhà nước ở Việt Nam trên hành trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và đầy đủ hơn…