Theo ngân hàng, mặc dù thu nhập từ dịch vụ trong quý III/2021 có bị ảnh hưởng do các hoạt động kinh tế giảm sút và các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, thu nhập lãi thuần tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ khả năng đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế và lợi thế chi phí vốn thấp. Đồng thời, Techcombank kiên trì vượt qua các thách thức, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ số, dữ liệu và nhân tài để tạo đà tăng trưởng nhanh hậu COVID-19.
Cụ thể, tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản của Techcombank đạt 541.635 tỷ đồng, tăng 23,2% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 321.042 tỷ đồng, tăng 15,7%. Tiền gửi của khách hàng đạt 316.376 tỷ đồng, tăng 14%.
Về báo cáo kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế quý III/2021 của ngân hàng đạt 5.562 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt 4.432 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần đạt 6.742 tỷ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thu nhập thuần từ dịch vụ tăng 21,2% đạt 1.497 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 103,9% đạt 93,4 tỷ đồng, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt 306 tỷ đồng, tăng 50,3% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lại bị lỗ 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 128 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác giảm mạnh 81,5% xuống còn 155 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 của Techcombank đạt 17.098 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi sau thuế đạt 13.715 tỷ đồng, tăng 60%.
Trong 9 tháng đầu năm, Techcombank đã thu hút thêm khoảng 870 nghìn khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 9,2 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong 9 tháng đầu năm 2021 lần lượt đạt 456 triệu giao dịch (tăng 78,1% so với cùng kỳ năm ngoái) và 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 91,0% so với cùng kỳ năm ngoái).
Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 59,1% trong vòng 12 tháng vừa qua và đạt 155,0 nghìn tỷ đồng trong đó tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp tăng lần lượt 27,0% và 114,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ CASA đạt 49,0% tại thời điểm ngày 30/9/2021, tăng so với mức 46,1% của quý II/2021, do Techcombank đẩy mạnh các gói sản phẩm dịch vụ tiền gửi và giao dịch.
Techcombank cũng duy trì vị thế vốn hàng đầu Việt Nam với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cuối quý theo Basel II đạt 15,2%, cao hơn yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II và cung cấp bộ đệm cần thiết cho tăng trưởng tín dụng trong tương lai.
Dù làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung và các khách hàng của Techcombank riêng, nhưng ngân hàng vẫn duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp ở mức 0,6% do đã chủ động đánh giá, tái cấu trúc nợ từ khi đại dịch mới bắt đầu vào năm ngoái. Trong hoàn cảnh nhiều bất ổn và biến động, Techcombank vẫn duy trì quan điểm thận trọng, giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối quý III năm 2021 ở mức cao 184%, tức cứ 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng dự phòng 184 đồng.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, hơn 11,5 nghìn tỷ dư nợ đã được ngân hàng tái cấu trúc cho khách hàng. Ngân hàng hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất lên tới 600 tỷ đồng trong năm 2021. Để giúp đỡ các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, Techcombank đã đóng góp hơn 420 tỷ đồng dưới nhiều hình thức như ủng hộ quỹ vắc-xin, trang thiết bị y tế, đóng góp xây dựng bệnh viện điều trị COVID-19 cũng như hỗ trợ trực tiếp tới các bệnh nhân và gia đình của họ.
Bùi Trang
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ