Khởi nghiệp và kinh tế số thu hút nhà đầu tư Canada Dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng kinh tế số mạnh trong khu vực Đông Nam Á Mở rộng hợp tác kinh tế xanh, kinh tế số giữa Việt Nam và Singapore |
Tăng trưởng nhanh nhưng đối mặt với nhiều thách thức
Chiều ngày 10/2, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp cùng với Lazada Việt Nam tổ chức hội thảo: “Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới”.
Quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2050, trong đó thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực đóng góp quan trọng nhất |
Theo báo cáo của E-conomy SEA năm 2022 của Google, Temasek và Bain Company, quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2050, trong đó, thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng nhất. Cũng theo báo cáo này, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 28%, đạt 23 tỷ USD trong năm 2022. Nếu được tối ưu hoá, lượng khí phát thải từ hoạt động thương mại điện tử sẽ giảm đáng kể từ 30-40% so với hoạt động thương mại thông thường, từ đó đóng góp cho phát triển bền vững chung của nền kinh tế.
Bên cạnh quy mô dân số gần 100 triệu người, lượng người dùng Internet chiếm tỷ lệ cao, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho rằng: Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đưa ra nhiều chính sách phát triển kinh tế số. Cụ thể, Quyết định số 645/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1968/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”; Quyết định số 411/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...
Mặc dù có tốc độ phát triển nhanh, nhưng theo nhận định của các chuyên gia tại hội thảo, Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số như: Hạ tầng cho kinh tế số chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp, hệ thống thể chế chưa thực sự thuận lợi cho phát triển kinh tế số, nguồn nhân lực chất lượng cao cho kinh tế số còn thiếu và yếu, thiếu quy định về bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, năng lực đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân được đánh giá là một trong những hạn chế lớn đối với sự phát triển của kinh tế số Việt Nam.
Kinh tế số tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh |
Hướng đến phát triển kinh tế số bền vững
Chia sẻ tại hội thảo, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng phụ trách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết: Phát triển bền vững nền kinh tế số, trong đó có thương mại điện tử đang là một thách thức không nhỏ. Vì bên cạnh phát thải từ thương mại điện tử thì vấn đề hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng cũng rất phức tạp.
Đặc biệt, theo bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam, chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế số tại Việt Nam còn hạn chế. Trong khi, đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển bền vững đối với kinh tế số.
Để phát triển bền vững nền kinh tế nói chung và kinh tế số nói riêng, theo đại diện CIEM, những năm qua, phát triển bền vững đã được Chính phủ đặt trọng tâm ưu tiên, được thể hiện trong một số văn bản điều hành như: Quyết định số 622/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững; Quyết định số 681/QĐ-TTg về việc thực hiện lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030; Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… các văn bản trên đã nêu bật quan điểm phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, kết hợp hài hoà giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số quốc gia sẽ là nền tảng và động lực cho phát triển bền vững.
Trên thực tế, để phát triển bền vững kinh tế số, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có những hành động cụ thể. Điển hình như Lazada Việt Nam, với mong muốn góp phần hạn chế rác thải từ bao bì trong thương mại điện tử, Lazada Việt Nam đã phát hành cuốn cẩm nang “Đóng gói hàng hoá hiệu quả, thân thiện với môi trường” dành cho nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử, nhằm khuyến khích các thông lệ tốt, thân thiện với môi trường.
Theo đại diện Lazada Việt Nam, cuốn cẩm nang đưa ra những lời khuyên hữu ích để các nhà bán hàng thuộc mọi quy mô có thể đóng gói hàng hoá đúng quy chuẩn và hiệu quả, nhằm tiết kiệm nguyên liệu đóng gói, giảm thiểu các rủi ro sai sót, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời giảm thiểu rác thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, Lazada đã thực hiện rất nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh trong và sau đại dịch cùng hàng loạt các sáng kiến hướng tới phát triển bền vững, tập trung vào các lĩnh vực như: Hoạt động quản trị vì mục tiêu phát triển bền vững; bảo vệ môi trường; hoạt động cộng đồng; bồi dưỡng nguồn nhân lực và công tác nghiên cứu báo cáo.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay được xem là chìa khoá thúc đẩy phát triển kinh tế số. Theo đó, cần hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số. |
Nguyễn Hòa