Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia: Nên cho phép người muốn mua nhà được đầu tư dài hạn

29/04/2025 - 16:49
(Bankviet.com) Không nên coi Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, mà cần đổi mới hoạt động và thiết kế theo hướng mang tính chất đầu tư. Nên cho phép người muốn mua nhà và các nguồn lực xã hội đầu tư dài hạn vào Quỹ.
noxh.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội chiều ngày 25/4. (Ảnh: QH)

Đó là một trong những ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội chiều ngày 25/4.

Trình bày Tờ trình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, việc xây dựng Nghị quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đồng thời giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp, gắn với việc hoàn thành mục tiêu thực hiện Đề án: “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.

Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia từ nguồn ngân sách nhà nuớc cấp và nguồn hợp pháp khác theo quy định để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đầu tu, tạo lập nhà ở xã hội; hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tu hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tu xây dựng nhà ở xã hội, đối tuợng huởng chính sách nhà ở xã hội.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Văn Liên cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này và đề nghị báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị; nghiên cứu bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý vi phạm để thực hiện đúng Kết luận của Bộ Chính trị là “Tăng cường cơ chế giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, triệt để phòng, chống lãng phí”.

Về việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với việc thành lập Quỹ này, đồng thời, đề nghị cần làm rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ để có cơ sở giao Chính phủ quy định chi tiết; làm rõ các nhiệm vụ chi của Quỹ để bảo đảm nhiệm vụ chi của Quỹ không trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, tránh sơ hở, thất thoát, lãng phí.

Về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với việc cắt giảm thủ tục đầu tư xây dựng; đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung làm rõ các giải pháp kiểm soát, bảo đảm chất lượng nhà ở xã hội; đồng thời đề nghị không mở rộng đối tượng được bố trí nhà ở xã hội là các “chuyên gia” để bảo đảm phù hợp với mục tiêu chính sách của Đảng và Nhà nước là tập trung phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp; trong khi đối tượng chuyên gia đã có nhiều ưu đãi theo các chính sách mới về thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cho ý kiến về nội dung Quỹ phát triển nhà ở quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, không nên coi đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, mà cần đổi mới hoạt động và thiết kế theo hướng mang tính chất đầu tư. Nên cho phép người muốn mua nhà và các nguồn lực xã hội đầu tư dài hạn vào Quỹ. Người muốn mua nhà có thể trích thu nhập, đóng góp vào quỹ trong khoảng thời gian hoặc ở mức tiền nào đó, có thể mua nhà, tránh để người muốn mua nhà phải đi vay ngân hàng.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết; Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đầy đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo trình tự thủ tục rút gọn tại một kỳ họp; Đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến và khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo hướng quy định đúng các vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, tạo điều kiện cho Chính phủ linh hoạt điều hành.

P.V

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ