Âm nhạc Việt Nam ngày càng hấp dẫn và hội nhập quốc tế Cuộc thi âm nhạc tìm kiếm nhạc sĩ trẻ thu hút 1.500 thí sinh đăng ký |
Những ngày gần đây, video “Siêu phẩm vũ khúc búa liềm” do một tài khoản trên mạng xã hội Tik Tok (MTV Muzik) với hơn 89 nghìn theo dõi đăng tải thu hút sự quan tâm của không ít cộng đồng mạng bởi bản remix bài hát “Hành khúc ngày và đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sôi động, khí thế.
Tuy nhiên, video bất ngờ gây phản ứng với nhiều người dùng mạng xã hội bởi hình ảnh biểu diễn của 2 phụ nữ trong trang phục hở hang. Một số ý kiến cho rằng, việc ăn mặc như vậy để biểu diễn trong quán bar không quá xa lạ, song khi mặc hở hang, uốn éo trên nền nhạc cách mạng, dưới hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng hoàn toàn không phù hợp, thậm chí phản cảm, chướng mắt.
Một người dùng Tik Tok để lại lời bình rằng: “Biết là quán bar nhưng nếu đã mặc áo cờ đỏ, sao vàng, bạn nữ nên mặc cái quần dài dài chút”. Phản hồi ý kiến này, tài khoản Tik Tok đăng video “Siêu phẩm vũ khúc búa liềm” cho hay, hình ảnh trên chỉ mang tính minh hoạ.
Hình ảnh vũ công ăn mặc hở hang, uốn éo trên nền nhạc cách mạng được cho là không phù hợp |
Thời gian qua, remix nhạc cách mạng, nhạc đỏ, những bản nhạc cũ đã phát triển thành trào lưu, được nhiều khán giả yêu thích, đón nhận bởi tiết tấu mới mẻ, sôi động, tạo bầu không khí vui vẻ. Việc remix này đã khiến các ca khúc cách mạng đến gần với khán giả hơn, đặc biệt là khán giả trẻ tuổi.
Mặt khác, bên cạnh việc mang lại những trải nghiệm mới lạ và độc đáo với những tác phẩm nhạc cách mạng, những bản remix giúp khơi dậy tình yêu, cũng như rút ngắn khoảng cách của giới trẻ đối với những giá trị nghệ thuật của nhạc cách mạng, nhạc đỏ.
Trong nền âm nhạc Việt Nam, nhạc cách mạng phát triển từ những ngày đất nước trường kỳ kháng chiến, trải suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Mỗi một tác phẩm luôn mang những âm hưởng, giai điệu, ca từ sục sôi ngọn lửa cách mạng; ghi lại những thăng trầm của lịch sử, ghi lại một thời hào hùng của dân tộc; ghi lại những hy sinh cho độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân và các thế hệ cha ông. Không chỉ thế, mỗi một bài hát, ca khúc luôn thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, ý chí vươn lên từ gian khổ nhọc nhằn, ca ngợi sức mạnh đoàn kết của dân tộc, hướng về niềm tin chiến thắng cũng như tình yêu đôi lứa trong sáng, tươi đẹp.
Với những giá trị nghệ thuật, tinh thần riêng có đó, dù trong dòng chảy sôi động của đời sống âm nhạc đương đại hôm nay, những bài hát cách mạng vẫn luôn có sức sống bền bỉ, bất tận, tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ và luôn thường trực trong tâm khảm của mỗi người dân. Đặc biệt, các ca khúc cách mạng ngày càng tìm được sức sống mới qua những giọng ca trẻ và cách hòa âm phối khí mới mẻ để mỗi người dân sinh sống tại Việt Nam hay những người xa xứ đều luôn tìm thấy sự ấm áp, vững tin, lan toả năng lượng sống tích cực khi thưởng thức.
Vì vậy, không ít lo ngại việc thực hiện các bản remix, hay cắt dựng video remix nhiều ca khúc cách mạng, nhất là khi sử dụng trong không gian như quán bar, sử dụng các tiết mục biểu diễn minh hoạ không phù hợp sẽ làm mất đi ý nghĩa, tinh thần cũng như thiếu sự tôn trọng ca khúc phiên bản gốc.
Trước các lo ngại đó của công chúng, của hàng triệu người yêu nhạc cách mạng, thiết nghĩ, dù với mục đích tích cực khi nỗ lực sáng tạo, mang lại không khí phấn khởi, cổ vũ tinh thần, tình yêu quê hương đất nước thì khi thực hiện các bản remix, video remix về nhạc cách mạng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng về bối cảnh, dàn dựng hình ảnh.
Đặc biệt, những bản remix nhạc cách mạng khi có ý định đăng phát trên mạng xã hội cần phải tính toán, cân nhắc bởi tốc độ, sự lan truyền nhanh chóng của mạng xã hội sẽ khiến cho những hình ảnh phản cảm nếu có dễ gây ra những phản ứng tiêu cực, những cái nhìn nhận lệch lạc về ý nghĩa, sự tự cường, niềm tin vào sức mạnh dân tộc của nhạc cách mạng, nhạc đỏ trong mắt công chúng, đặc biệt là giới trẻ.