Rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ thiệt thòi khi không thể tích lũy để hưởng lương hưu

13/12/2023 - 20:11
(Bankviet.com) Rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ đồng nghĩa với việc người lao động thiệt thòi hơn khi không thể tích lũy quỹ để hưởng lương hưu sau này.
Cảnh báo xu hướng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng và giải pháp Giải pháp nào hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần?

Bà Trần Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đa Phương đã có cuộc trao đổi với Báo Công Thương về các tác động tiêu cực của việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần của người lao động.

Rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ thiệt thòi khi không thể tích lũy để hưởng lương hưu
Rút BHXH một lần, người lao động sẽ không có tích lũy quỹ để hưởng lương hưu. Ảnh: XC

Thời gian qua, tình trạng rút BHXH một lần gia tăng, theo bà người lao động sẽ bị tác động tiêu cực ra sao từ việc này?

Tình hình rút BHXH một lần đã có những biến động đáng chú ý trong thời gian gần đây. Từ năm 2016 - 2022, số người rút BHXH một lần trên toàn quốc đã ghi nhận gần 5 triệu lượt. Đáng chú ý, từ đầu năm 2023 đến nay, con số này tiếp tục tăng lên mà chưa thấy dấu hiệu giảm.

Có thể nhận thấy rằng, đa số những người rút BHXH một lần tập trung ở độ tuổi lao động, đặc biệt là khoảng từ 30 đến 40 tuổi chiếm khoảng 40%, tiếp đó là nhóm từ 20 đến 30 tuổi chiếm khoảng 37,1%. Trái ngược, nhóm người trên 60 tuổi chỉ chiếm khoảng 1,1%. Điều này thể hiện rằng nhu cầu rút BHXH một lần chủ yếu tập trung trong nhóm tuổi lao động.

Lý do khiến người lao động quyết định rút BHXH một lần đa dạng, từ khó khăn trong cuộc sống khi mất việc làm đến việc thiếu vốn để khởi nghiệp sau khi mất việc. Không chỉ vậy, còn có trường hợp mắc phải bệnh hiểm nghèo, hoặc di cư ra nước ngoài và nhiều lý do khác. Tình trạng này có thể tiếp tục gia tăng do sự quan tâm hơn đến nhu cầu ngắn hạn của lao động trẻ, thay vì nhu cầu hưởng lương hưu trong tương lai.

Rút BHXH một lần sẽ đồng nghĩa với việc người lao động thiệt thòi hơn khi không thể tích lũy quỹ để hưởng lương hưu sau này. Việc hưởng lương hưu hàng tháng đảm bảo cuộc sống không phụ thuộc vào gia đình hoặc xã hội, cung cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và các chế độ khác như trợ cấp mai táng và tử tuất khi qua đời.

Mỗi năm, người lao động đóng quỹ BHXH tương đương 2,64 tháng lương, nhưng khi rút một lần, họ chỉ nhận được 1,5 tháng lương/năm đóng BHXH trước năm 2014 và 2 tháng lương/năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi. Số tiền nhận được khi rút BHXH sẽ ít hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH, khoảng 0,64 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH.

Ngoài ra, khi rút BHXH một lần, người lao động tự đánh mất các quyền lợi như lương hưu khi về già, trợ cấp khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp hoặc chế độ tử tuất khi qua đời. Họ cũng không được hưởng thẻ bảo hiểm y tế, khi ốm đau phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh.

Nhìn chung, việc rút BHXH một lần có thể dẫn đến tăng số người già không có lương hưu, tạo áp lực lớn cho ngân sách nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh già hóa dân số.

Rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ thiệt thòi khi không thể tích lũy để hưởng lương hưu
Bà Trần Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đa Phương

Nhằm hạn chế rút BHXH một lần, tại Luật BHXH sửa đổi, cơ quan thực hiện chính sách đã đề xuất hai phương án, bà đánh gì về đề xuất này?

Theo phương án 1, quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).

Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Đề xuất của Luật BHXH (sửa đổi) đưa ra hai phương án về việc hưởng BHXH một lần, theo tôi phương án 1 tập trung vào hai nhóm người lao động khác nhau, nhóm đã tham gia BHXH trước khi Luật (sửa đổi) có hiệu lực và nhóm bắt đầu tham gia sau khi Luật này có hiệu lực. Phương án 2 tập trung vào việc giải quyết hưởng một phần BHXH cho những người không thuộc diện tham gia bắt buộc và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Phương án 1 được điều chỉnh và bổ sung để tăng quyền lợi và hấp dẫn người lao động khi bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Điều này đồng thời không ảnh hưởng đến những người tham gia trước khi luật có hiệu lực. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều vấn đề chưa rõ ràng như việc giải quyết một phần thời gian đóng, đặc biệt trong trường hợp đóng không liên tục.

Còn phương án 2 cũng có những ưu điểm của mình khi giúp người lao động có thêm nguồn tài chính giải quyết khó khăn trước mắt và tạo động lực để giữ người lao động ở lại hệ thống lâu hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ, như cách tính thời gian đóng và việc cộng nối khi người lao động quay trở lại tham gia BHXH.

Một quan điểm thứ 3 cho rằng cả hai phương án đề xuất đều có những hạn chế và không đồng ý với cả hai. Phương án 1 có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực, gây ra không ổn định xã hội và tạo ra làn sóng rút BHXH một lần. Phương án 2 với việc rút 50% không có căn cứ rõ ràng và chưa lý giải được.

Theo đó, để xác định cơ sở và lý do rút 50%, cần có căn cứ rõ ràng từ các khoản đóng và cộng nối thời gian đóng BHXH. Một ví dụ cụ thể được đề xuất như việc phân bổ tỷ lệ đóng của doanh nghiệp và người lao động để giữ lại một phần và rút một phần, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ và lý giải thêm.

Thời gian tới, cùng với các quy định của nhà nước, theo bà cần có giải pháp cụ thể nào để hạn chế người rút BHXH lần, tránh ảnh hưởng đến bao phủ bảo BHXH toàn dân?

Để hạn chế người rút BHXH một lần và tránh ảnh hưởng đến bảo phủ BHXH toàn dân, cần có những giải pháp cụ thể và thông tin rõ ràng để người lao động nhận thức được lợi ích của việc tích lũy thời gian đóng BHXH.

Theo đó, khoản tiền đóng BHXH không chỉ là khoản tiết kiệm cá nhân mà còn là khoản tích lũy an sinh được quản lý bởi Quỹ BHXH với mục tiêu bảo đảm cuộc sống và an sinh cho người dân. Việc rút một lần có thể làm mất quyền lợi lương hưu và các chế độ BHYT, đồng thời gia tăng rủi ro cho tuổi già khi thiếu điểm tựa an sinh.

Về bản chất, khoản 14% doanh nghiệp đóng BHXH cũng nằm trong tiền lương của người lao động, tuy nhiên, khi đóng khoản này, doanh nghiệp được Nhà nước giảm 25% thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì thế, tiền đóng BHXH không hoàn toàn là của người lao động cũng không phải là khoản tiền tiết kiệm.

Khoản tiền đóng BHXH là khoản tích lũy an sinh, Quỹ BHXH do Nhà nước quản lý, vì mục tiêu bảo đảm đời sống, an sinh cho người dân, nên khoản này không bị mất đi, càng không để người lao động chịu thiệt thòi.

Hơn nữa, theo quy định hiện hành, nếu hưởng BHXH một lần và không sớm trở lại hệ thống, họ sẽ không được hưởng lương hưu, không được hưởng BHYT do quỹ BHXH đóng cho người lao động, đồng nghĩa tuổi già thiếu điểm tựa an sinh. Ngoài ra, khi người lao động qua đời, thân nhân không được hưởng các khoản trợ cấp tử tuất…

Các đề xuất trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi hướng tới khuyến khích người lao động tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, thay vì nhận một khoản tiền một lần. Việc giảm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, cùng với việc bảo lưu thời gian đóng khi nghỉ việc, có thể đem lại nhiều lợi ích như hưởng BHYT do Quỹ BHXH đóng, chính sách hỗ trợ tài chính khi không có việc làm.

Từ những thông tin này, rõ ràng việc hưởng lương hưu mang lại nhiều lợi ích hơn so với việc nhận một khoản tiền một lần. Đây là điểm cần xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định rút BHXH một lần.

Xin cảm ơn bà!

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương