Sacombank tăng trưởng mạnh mẽ hướng đến mục tiêu xây dựng hệ sinh thái số

26/04/2023 - 02:18
(Bankviet.com) Sacombank vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên, thông qua nhiều nội dung quan trọng như báo cáo kết quả hoạt động; phương án phân phối lợi nhuận năm 2022; kế hoạch kinh doanh cũng như các mục tiêu, định hướng và chiến lược quản trị, điều hành năm 2023.

Lợi nhuận trước thuế hơn 6.334 tỷ đồng, tăng 44,1% so với năm trước, đạt 120% kế hoạch

Năm 2022, vượt qua khó khăn chung của thị trường, Sacombank vẫn hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh. Cụ thể, tổng tài sản đạt 591.908 tỷ đồng, tăng 13,6%, trong đó, tài sản có sinh lời tăng 16%. Tổng thu nhập thuần đạt 26.141 tỷ đồng, tăng 47,7% so với năm trước. Trong đó, thu dịch vụ thuần đạt 5.194 tỷ đồng, tăng 19,6%. Lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí theo Đề án đạt hơn 19.900 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44,1% so với năm trước, đạt 120% kế hoạch.

Đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2022 của Sacombank hơn hơn 1.000 cổ đông tham dự
Đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2022 của Sacombank với hơn 1.000 cổ đông tham dự

Tổng huy động đạt 519.312 tỷ đồng, tăng 11,8%, trong đó, 92,6% là huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư. Dư nợ tín dụng đạt 438.752 tỷ đồng, tăng trưởng 13% theo đúng hạn mức được NHNN phân bổ. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,93%, giảm 0,55% so với đầu năm. Các chỉ số an toàn hoạt động đều tuân thủ quy định tại mọi thời điểm và ngày càng cải thiện theo hướng an toàn, bền vững.

Năm 2022 cũng đánh dấu năm thứ 6 Sacombank thực hiện Đề án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt. Ngân hàng đã xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng trong năm lên đến 15.886 tỷ đồng; nâng tổng doanh số thu hồi lũy kế kể từ khi triển khai Đề án lên gần 92.000 tỷ đồng, trong đó thuộc Đề án hơn 74.000 tỷ. Nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc Đề án giảm gần 73%, giảm tỷ trọng trong tổng tài sản khoảng 28% (năm 2016) xuống còn hơn 4%. Đặc biệt, Sacombank đã hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu thuộc Đề án.

Tăng tốc chuyển đổi số - Xây dựng hệ sinh thái ngân hàng hiện đại

Bên cạnh các quyết sách kinh doanh nhạy bén, chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ là yếu tố quan trọng đóng góp vào thành quả của Ngân hàng. Hoạt động chuyển đổi số tại Sacombank lấy sự tiện ích của khách hàng làm mục tiêu cao nhất, tập trung vào 4 yếu tố cốt lõi: Hạ tầng công nghệ, Giải pháp số hóa toàn diện, Sản phẩm - dịch vụ số, Con người và tư duy số.

Sacombank chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm chuyển đổi số từ năm 2021 và triển khai nhiều dự án, số hóa trọng điểm. Tính riêng trong năm 2022, hàng loạt dự án công nghệ được Sacombank khởi động và tiên phong ra mắt trên thị trường như dự án ngân hàng hợp kênh (Omnichanel), ứng dụng trí tuệ nhân tạo kết hợp hệ thống Trợ lý thông minh (Sari) trong tư vấn khách hàng, triển khai hệ thống máy chủ IBM LinuxOne, ra mắt thẻ tích hợp 1 chip…đồng thời nâng cấp hệ thống bảo mật nhằm mang đến trải nghiệm tối đa và an toàn cho khách hàng.

Nhờ những nỗ lực này, Sacombank sở hữu hệ khách hàng lên tới 15 triệu, trong đó 50% là khách hàng số. Số lượng giao dịch trên kênh số của Sacombank tăng trưởng gấp 5 lần trong giai đoạn 2018 - 2022, tăng trưởng bình quân 43%. Riêng năm 2022, 97% giao dịch tại Sacombank là các giao dịch số thông qua các kênh như Internet Banking, Mobie Banking và Ứng dụng quản lý tài chính Sacombank Pay.

Ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank phát biểu, khẳng định Sacombank sẽ tiếp tục đặt tâm huyết, sự linh hoạt và nhạy bén nhằm theo đuổi quyết liệt các mục tiêu hoạt động năm 2023.
Ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank phát biểu, khẳng định Sacombank sẽ tiếp tục đặt tâm huyết, sự linh hoạt và nhạy bén nhằm theo đuổi quyết liệt các mục tiêu hoạt động năm 2023.

Tại Đại hội, ông Dương Công Minh (Chủ tịch HĐQT Sacombank) khẳng định: “Định hướng chiến lược trong năm 2023 của Sacombank là tăng tốc chuyển đổi số - Xây dựng hệ sinh thái kinh doanh. Ngân hàng đồng thời không ngừng gia tăng quy mô và hiệu quả hoạt động của các đơn vị trên toàn hệ thống, đảm bảo hoạt động an toàn hiệu quả”.

Sacombank sẽ tập trung giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%; hoàn thành Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, thực hiện các thủ tục để chia cổ tức cho cổ đông dựa trên nguồn lợi nhuận giữ lại nhằm gia tăng năng lực tài chính, đưa Sacombank trở lại vị thế là Ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Kiều Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán