Sản lượng cà phê Việt Nam giảm mạnh, giá xuất khẩu vọt lên hơn 5.000 USD/tấn

03/07/2024 - 16:49
(Bankviet.com) Sản lượng cà phê Việt Nam vụ 2024-2025 ở kịch bản tích cực nhất dự báo cũng chỉ đạt 28,7 triệu tấn, là mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Thiếu hụt nguồn cung, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm Sản lượng cà phê Robusta dự báo đạt khoảng 27,85 triệu bao Xuất khẩu cà phê giảm “sốc” 40%

Thống kê mới nhất của Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), trong phiên ngày 2/7, giá cà phê Arabica diễn biến giằng co nhưng kết phiên vẫn tăng 1,09% lên 5.011 USD/tấn. Giá cà phê Robusta cũng tăng nhẹ 0,61%, lên 4.092 USD/tấn. Triển vọng nguồn cung cà phê ở mức thấp tại Việt Nam duy trì sự hỗ trợ đối với giá Robusta.

Sản lượng cà phê Việt Nam giảm mạnh, giá xuất khẩu vọt lên hơn 5.000 USD/tấn
Giá 2 loại cà phê tăng cao

Trước đó, theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt kỷ lục 4.275 USD/tấn, tăng 13,5% so với tháng trước và tăng đến 66,2%so với tháng 5/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá cà phê xuất khẩu đạt 3.475 USD/tấn, tăng gần 50%, tương ứng 1.151 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Hãng tư vấn Hedgepoint đưa ra ba kịch bản dự báo sản lượng cà phê Việt Nam vụ 2024-2025. Trong đó, kịch bản tiêu cực nhất, sản lượng cà phê chỉ còn 27 triệu bao.

Với kịch bản tích cực nhất, sản lượng được dự báo cũng chỉ đạt tối đa 28,7 triệu bao. Hơn thế, cơ quan này cho biết, dù lịch bản nào xảy ra, tồn kho cà phê tại Việt Nam vẫn khan hiếm, dẫn đến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt và giá dao động ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước.

Sản lượng cà phê Việt Nam giảm mạnh, giá xuất khẩu vọt lên hơn 5.000 USD/tấn
Hạn hán làm sụt giảm lượng cà phê của Việt Nam

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cà phê cả nước là 709.041 ha, năng suất đạt 29,8 tạ/ha; tổng sản lượng đạt 1.953.990 tấn cà phê nhân. Các vùng trồng cà phê lớn đều diễn ra hạn hán và sâu bệnh khiến sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 ước giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,47 triệu tấn. Đây là mức thấp nhất trong 4 năm, làm giảm mạnh nguồn cung cà phê Robusta trên thị trường thế giới.

Trong khi đó, tỷ giá USD/BRL tiếp tục leo đỉnh, lên 5,68, là mức cao nhất 30 tháng. Tỷ giá ngày càng nới lỏng tiếp tục tạo điều kiện để nông dân Brazil đẩy mạnh bán cà phê nhờ thu về nhiều ngoại tệ hơn. Điều này giúp nguồn cung cà phê trên thị trường giảm bớt lo ngại thiết hụt, từ đó tạo sức ép khiến giá không tăng quá mạnh.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng ngày 3/7, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng nhẹ từ 1.000 – 1.200 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 121.000 – 122.300 đồng/kg.

Cà phê Việt Nam đang ngày càng được thị trường thế giới ưa chuộng. Trong đó, thị trường cà phê Canada ước tính có nhu cầu nhập khẩu ổn định khoảng 1,4 tỷ USD/năm. Quý I/2024, giá trị nhập khẩu cà phê từ Việt Nam vào thị trường này đạt hơn 4,4 triệu USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu sang Canada số lượng cà phê giá trị trên 32 triệu USD, đạt mức cao nhất trong giai đoạn thống kê 2013-2023 và tăng trưởng 220% so với trước khi hai nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, Việt Nam đang là đại diện cà phê có danh tiếng nhất trong số các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Canada, với thị phần khoảng 2%. CPTPP đang tạo ra những lợi thế về thuế quan rõ rệt, giúp cà phê Việt Nam có thể vượt qua các đối thủ cạnh tranh đến từ ASEAN, Ấn Độ...

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương