Sẵn sàng gia tăng quy mô gói tín dụng lâm sản, thủy sản

14/05/2024 - 17:55
(Bankviet.com) Tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản được Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm. Vì vậy, trong điều hành chính sách tiền tệ luôn tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong ngành.
che-bien-ca-tra-xuat-khau..jpg
Sẵn sàng gia tăng quy mô gói tín dụng lâm sản, thủy sản

Đáng chú ý, năm 2023 thực sự là năm khó khăn với các doanh nghiệp ngành gỗ. Nhu cầu thị trường sụt giảm, hàng tồn kho nhiều, đơn hàng xuất khẩu ít ỏi khiến doanh thu của nhiều doanh nghiệp giảm tới 30-40%. Thêm vào đó, vướng mắc trong hoàn thuế càng làm doanh nghiệp mất cân đối dòng tiền.

Trong bối cảnh như vậy, việc ngành Ngân hàng triển khai gói tín dụng ưu đãi quy mô 15.000 tỷ đồng cho ngành lâm sản, thủy sản với mức lãi suất thấp hơn 1-2%, đã giúp nhiều doanh nghiệp ngành gỗ vượt qua khó khăn và trụ vững.

Không giống như các gói tín dụng ưu đãi khác – thường giải ngân rất ì ạch, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản giải ngân rất nhanh và về đích trước hạn. Theo kế hoạch, gói tín dụng này kết thúc vào ngày 30/6/2024 nhưng đến cuối tháng 1/2024, 13 ngân hàng thương mại đã giải ngân 100% mục tiêu của chương trình cho gần 6.000 lượt khách hàng.

Kết quả này cho thấy nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp ngành lâm sản, thủy sản rất lớn; đồng thời cũng thể hiện nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Gói tín dụng này được đánh giá là một trong những giải pháp thiết thực, gỡ nút thắt tài chính cho các doanh nghiệp, giúp 2 ngành hàng vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, giữ vị trí nằm trong tốp 6 ngành hàng/nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp lâm sản, thủy sản phục hồi và phát triển sản xuất trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét việc nâng quy mô gói tín dụng này lên 30.000 tỷ đồng và đã nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến nay, các ngân hàng đã hoàn thành việc đăng ký nâng quy mô và tiếp tục giải ngân cho vay hai lĩnh vực này với doanh số lũy kế đạt trên 17.500 tỷ đồng, với trên 6.500 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó: doanh số cho vay đối với ngành hàng thủy sản đạt trên 13.000 tỷ đồng, đối với ngành hàng lâm sản đạt trên 4.450 tỷ đồng.

Việc giải ngân cho vay tập trung phần lớn vào đối tượng khách hàng doanh nghiệp - chiếm gần 83% tổng doanh số cho vay; khách hàng cá nhân, hộ gia đình chiếm 17%.

Đáng chú ý, nếu giải ngân hết 30.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng đề xuất lên 45.000 tỷ đồng, thậm chí 50.000 tỷ đồng, bởi đây là chính sách hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay.

Thực tế hiện nay có tới 97 - 98% doanh nghiệp ở nước ta có quy mô nhỏ và vừa, tài sản bảo đảm chỉ có máy móc và hàng tồn kho, không có nhiều kênh khác như bất động sản. Do vậy, các ngân hàng cần xem xét để có cơ chế cho vay linh hoạt hơn, có thể dựa trên lượng hàng tồn kho hoặc theo hợp đồng mà doanh nghiệp ký kết được, thay vì yêu cầu có tài sản bảo đảm. Ngoài ra, ngân hàng có thể xem xét để tăng tỷ lệ tín dụng của doanh nghiệp vay vốn dựa trên uy tín của doanh nghiệp.

Ngoài ra, đề nghị các ngân hàng cần xem xét để linh hoạt hơn về thủ tục, hồ sơ, điều kiện tiếp cận vốn; đồng thời, xem xét nâng mức cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lên 50% trong tổng gói vay cho ngành thủy sản. Khi tăng đầu tư cho doanh nghiệp xuất khẩu sẽ kích cầu, kéo các khâu nguyên liệu lên, tức người nông dân, ngư dân chăn nuôi, đánh bắt thủy sản sẽ được hưởng lợi.

Để ngân hàng thấu hiểu doanh nghiệp, đồng hành, chia sẻ thì doanh nghiệp cũng phải cởi mở, chia sẻ với ngân hàng về thông tin tài chính, báo cáo tài chính, từ đó ngân hàng mới xác định được dòng tiền và mạnh dạn cho vay.

Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó mặt hàng tôm, cá ngừ ghi nhận mức tăng trưởng khá cao, lần lượt là 15% (đạt 690 triệu USD) và 22% (đạt 220 triệu USD). Riêng mặt hàng cá tra vẫn chưa lấy lại được đà tăng trưởng dương khi giảm 0,05%. Trong tình huống khó hồi phục ở các thị trường chủ lực, ngành hàng cá tra đã nỗ lực mở cửa những thị trường mới như Nam Mỹ, Trung Đông…

ThS. Trần Trọng Triết

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ