Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 29/6/2024, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV |
Bên cạnh đó, biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Đặc biệt, biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Sau đó, Quốc hội họp phiên bế mạc. Tổng Thư ký Quốc hội tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu. Đồng thời, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ phát biểu bế mạc Kỳ họp.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội và được chia làm 2 đợt (đợt 1, từ ngày 20/5-8/6 và đợt 2, từ ngày 17-29/6).
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra trong không khí hào hùng của những ngày tháng 5 lịch sử, kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 thành công tốt đẹp. Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Tiếp tục cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm gần 2/3 thời gian của Kỳ họp với số lượng 24 dự án luật, dự thảo nghị quyết. Đây là khối lượng nội dung về lập pháp lớn nhất được xem xét tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Trong đó, Quốc hội xem xét, thông qua 10 dự án luật; 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thu hút sự quan tâm nhiều của cử tri và nhân dân cả nước.