Sau 18 quý thua lỗ liên tiếp, lỗ lũy kế của Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB) đã gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu

10/07/2024 - 18:46
(Bankviet.com) Quý 2/2024 là quý thứ 18 liên tiếp Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc báo lỗ, như vậy doanh nghiệp này đã lỗ luỹ kế lên tới 415,5 tỷ đồng, lớn gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu.

Công ty CP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (UPCoM: HKB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 với mức lỗ sau thuế gần 15 tỷ đồng trong quý 2/2024. Đây cũng là quý thứ 18 liên tiếp Công ty báo lỗ.

Sau 18 quý thua lỗ liên tiếp, lỗ lũy kế của Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB) đã gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu
Công ty CP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (UPCoM: HKB).

Trong kỳ, doanh thu thuần của công ty ghi nhận đạt hơn 1,54 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi giá vốn hàng bán, HKB ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 579 triệu đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2023.

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ chỉ đạt vỏn vẹn 330 nghìn đồng trong khi chi phí lãi vay ghi nhận gần 2,7 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 12,8 tỷ đồng khiến HKB chịu lỗ sau thuế gần 15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 14,3 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, HKB ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 3 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 30 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của HKB đạt 295,5 tỷ đồng, giảm 25 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Khoản lợi thế thương mại đóng góp lớn nhất vào tổng tài sản của HKB với hơn 109 tỷ đồng. HKB đang phải dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 80 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của HKB tính đến hết quý 2 là 178,6 tỷ đồng, cáo gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 164 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần tài sản ngắn hạn, nợ dài hạn chiếm 14,5 tỷ đồng. Tổng nợ vay của doanh nghiệp này ở mức hơn 100 tỷ đồng và không được doanh nghiệp này thuyết minh chi tiết về các khoản vay trong báo cáo tài chính.

Ngược dòng thời gian quay lại thời điểm cuối năm 2015, Hội đồng quản trị Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc bất ngờ triệu tập cuộc họp bất thường để bàn về phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ và điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh.

Cụ thể, HKB điều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu từ 1.600 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 320 tỷ đồng; chỉ tiêu lãi ròng giảm từ 60,8 tỷ đồng còn 3 tỷ đồng và cổ tức giảm 15% xuống còn 0%.

Theo lý giải của Hội đồng quản trị thời điểm đó, do việc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) bị đưa vào diện bị kiểm soát nên nguồn vốn vay của Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc đã ảnh hưởng nặng nề. Điều này đã dẫn tới kế hoạch kinh doanh gặp nhiều khó khăn do không huy động đủ vốn vào thời gian cao điểm.

2 năm sau đó, Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc bắt đầu chuỗi kinh doanh trượt dài thê thảm. Quý 2/2024 là quý thứ 18 liên tiếp HKB báo lỗ, theo đó doanh nghiệp này đã lỗ luỹ kế đã lên tới 415,5 tỷ đồng, lớn gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu.

Đầu năm 2023, lãnh đạo Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc đã giải thích nguyên nhân công ty liên tục lỗ là do công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu và sắp xếp lại nguồn vốn tín dụng với các ngân hàng nên chưa đáp ứng đủ nguồn vốn ngắn hạn để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HKB hiện có giá chỉ ngang bằng chiếc kẹo cao su. Tính đến thời điểm 11h00 phiên giao dịch ngày 10/7, cổ phiếu HKB đang được giao dịch ở mức 700 đồng/cp. Được biết, thời điểm lên sàn HKB từng được coi là điểm sáng của ngành nông nghiệp với mức giá chào sàn 15.000 đồng/cp. Lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của HKB là nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp là tiêu, ngô, sắn, gạo,...

Tin cổ tức kéo VSA liên tiếp tím trần, thị giá bứt phá đỉnh lịch sử

Thị giá VSA tăng mạnh vượt đỉnh lịch sử trong bối cảnh Đại lý Hàng hải Việt Nam sắp tiến hành chia cổ tức kỷ ...

Có 1 triệu doanh nghiệp nhưng chỉ 5.000 doanh nghiệp thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Dù chuỗi cung ứng toàn cầu là kỳ vọng lớn của doanh nghiệp nhưng TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam ...

Đình Tư

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán