Ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức buổi Công bố Quyết định của Thống đốc NHNN về nhân sự tham gia Hội đồng quản trị (HĐQT) tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Theo yêu cầu công tác, NHNN đã quyết định thôi chỉ định nhân sự tham gia HĐQT SCB đối với ông Vũ Anh Đức. Theo đó, ông Vũ Anh Đức thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT và được điều động trở lại để đảm nhiệm vị trí quan trọng tại VietinBank.
Ông Phan Đình Điền - Thành viên Hội đồng thành viên của Agribank sang nhận nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB từ ngày 22/09/2023. |
Ông Vũ Anh Đức sinh năm 1977, trước khi giữ vị trí Chủ tịch HĐQT SCB, ông là Giám đốc VietinBank chi nhánh 11 TP HCM. Tại VietinBank, ông từng làm Phó phòng Đầu tư, Trưởng phòng Thị trường vốn - Khối kinh doanh vốn.
Thay thế vị trí của ông Đức, NHNN cũng đã quyết định trưng tập, chỉ định ông Phan Đình Điền thôi đảm nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng thành viên Agribank sang nhận nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT SCB kể từ ngày 22/9/2023.
Ông Phan Đình Điền đã công tác trong ngành ngân hàng gần 30 năm, trải qua các vị trí lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo Chi nhánh tới Thành viên Hội đồng thành viên Agribank.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong suốt quá trình công tác, ông Phan Đình Điền luôn có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm cao và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có năng lực quản trị điều hành, đặc biệt là có nhiều kinh nghiệm xử lý nợ.
Sau hơn một năm được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, SCB đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan của NHNN, Bộ, ngành và các cơ quan của TP.HCM tích cực triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay, hoạt động của ngân hàng SCB đang dần ổn định, từng bước xử lý khó khăn, vướng mắc và tập trung xây dựng Đề án tái cơ cấu.
Trước đó, ngày 18/9, trong phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
Theo đó, trong lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ cho biết đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã trình cơ quan này xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - ngân hàng được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022.
Thời điểm đó, sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của SCB ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt, Ngân hàng Nhà nước đã đưa nhà băng này vào diện kiểm soát đặc biệt. Đây là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.
Chủ trương cơ cấu lại SCB được đưa ra trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng, đề xuất của chính ngân hàng và Ban kiểm soát đặc biệt SCB.
Thêm hai nhà băng tiếp tục giảm lãi suất huy động Khảo sát sáng ngày 29/8, có nhà băng giảm lãi suất huy động ở mức thấp trong hệ thống. Hiện tại, mức lãi suất huy động ... |
Thủ tướng yêu cầu NHNN báo cáo phương án xử lý Ngân hàng SCB ngay trong tháng 9 Tại Nghị quyết 144/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023, Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương báo cáo cấp có ... |
Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ chủ trương cơ cấu lại SCB Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ chủ trương cơ cấu lại ngân hàng SCB. Chính phủ sẽ xem xét, quyết định sau khi ... |
Đình Đức