Xử phạt nhiều lãnh đạo công ty giao dịch chui cổ phiếu
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố quyết định xử phạt nhiều cá nhân là lãnh đạo các công ty, cổ đông lớn hay những người có liên quan đến lãnh đạo mua bán cổ phiếu mà không công bố theo quy định.
Theo đó, ông Hoàng Minh Anh Tú - Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn hoá Tân Bình (Mã chứng khoán: ALT), bà Trần Thị Thùy Dương - người có liên quan đến bà Trần Thùy Linh - Thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Sametel (mã chứng khoán: SMT) bị phạt lần lượt 87,5 triệu và 100 triệu đồng do không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.
Cụ thể, ông Hoàng Minh Anh Tú bị xử phạt do đã mua 320.000 cổ phiếu ALT từ ngày 29/1 đến ngày 23/2, làm tăng số lượng cổ phiếu của ông và người có liên quan sau khi thực hiện giao dịch lên 1,44 triệu cổ phiếu, tương đương với 25,18% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, nhưng không thực hiện đăng ký chào mua công khai theo quy định.
Bà Trần Thị Thùy Dương bị phạt do đã mua 528.200 cổ phiếu ngành công nghệ viễn thông vào ngày 22/3 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.
Theo quy định, lãnh đạo các công ty, cổ đông lớn hay người có liên quan đến các lãnh đạo doanh nghiệp khi giao dịch cổ phiếu phải công bố trước. Tuy nhiên, rất nhiều cá nhân là lãnh đạo, cổ đông lớn của công ty hoặc người liên quan vi phạm quy định này.
Thực tế sau một khoảng thời gian nhất định cơ quản lý mới phát hiện được hành vi vi phạm do đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến thị trường.
Dư luận cho rằng đã đến lúc cơ quan quản lý cần dùng những công cụ hiện đại như công khai về sổ lệnh giao dịch chứng khoán hay ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện được những giao dịch bất thường và làm minh bạch TTCK
Giám sát bằng AI, Big Data
Cung cấp thông tin cho báo chí mới đây, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, hoạt động giám sát nhằm phát hiện các hành vi vi phạm trên TTCK đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch và thúc đẩy sự phát triển bền vững của TTCK.
Bên cạnh biện pháp xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán đối với những cá nhân có hành vi thao túng TTCK và cá nhân có hành vi cho mượn tài khoản dẫn đến hành vi thao túng TTCK, Bộ Tài chính (UBCKNN) đã trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung (tại Dự án 01 luật sửa 07 luật thuộc lĩnh vực tài chính) quy định về hành vi thao túng TTCK nhằm đảm bảo hiệu lực pháp lý cao hơn và đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn giám sát, kiểm tra giao dịch trên TTCK.
Cũng theo Bộ Tài chính, với quy mô phát triển nhanh chóng của TTCK, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào giám sát giao dịch cũng đang được nghiên cứu và triển khai.
AI có khả năng phát hiện các hành vi bất thường như thao túng giá, giao dịch nội gián, hay các hành vi giao dịch khác đối với dữ liệu giao dịch lớn.
Các thuật toán học máy có thể phân tích khối lượng giao dịch lớn và nhận diện các mẫu hành vi phức tạp mà các hệ thống truyền thống khó có thể phát hiện, giúp can thiệp kịp thời và chính xác hơn.
Bên cạnh đó, AI cũng giúp dự báo xu hướng thị trường và tối ưu hóa việc quản lý dữ liệu nhà đầu tư. Điều này không chỉ tạo ra nền tảng vững chắc cho sự minh bạch mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững của TTCK Việt Nam, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả và độ chính xác trong công tác giám sát TTCK.
“Hoàn thiện khung khổ pháp lý, áp dụng các giải pháp công nghệ, tăng cường công tác quản lý, giám sát đặc biệt là công tác giám sát giao dịch là các giải pháp căn cơ, thiết thực góp phần tạo dựng TTCK công bằng, minh bạch, giúp hạn chế các hành vi gian lận và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam trong dài hạn…”- Đại diện Bộ Tài chính khẳng định.
Thanh Thanh