SHS đánh giá triển vọng nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi

25/02/2025 - 19:24
(Bankviet.com) Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến gần hơn đến mục tiêu nâng hạng từ FTSE Frontier lên FTSE Secondary Emerging Market, với 7/9 tiêu chí đã được đáp ứng. Theo Chứng khoán SHS, dòng vốn ngoại có thể đổ vào Việt Nam tới 5 tỷ USD nếu nâng hạng thành công vào tháng 9/2025. Cổ phiếu vốn hóa lớn, room ngoại rộng sẽ hưởng lợi mạnh mẽ.

Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), Việt Nam đang tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng từ FTSE Frontier Market lên FTSE Secondary Emerging Market, với 7/9 tiêu chí đã được đáp ứng. Hai tiêu chí còn lại liên quan đến Non-Prefunding và xử lý giao dịch thất bại, đang trong quá trình cải thiện để kịp thời hoàn thiện trước kỳ đánh giá tháng 9/2025.

Nguồn: SHS
Nguồn: SHS

Non-Prefunding: Việt Nam đã ban hành Thông tư 68/2024, có hiệu lực từ 2/11/2024, cho phép các công ty chứng khoán nhận lệnh mua dù tài khoản không có đủ 100% giá trị giao dịch. Đây là bước tiến lớn giúp tháo gỡ rào cản vốn từng bị đánh giá tiêu cực trong các kỳ xem xét trước. Tiêu chí này dự kiến có thể được công nhận vào kỳ đánh giá quý I/2025.

Xử lý giao dịch thất bại: Hiện Việt Nam chưa có giao dịch thất bại đáng kể nào, nhưng vẫn cần cơ chế rõ ràng để xử lý tình huống này theo chuẩn quốc tế. VDSC đang nghiên cứu điều chỉnh Nghị định 155/2020/NĐ-CP nhằm thành lập CCP (Central Counterparty Clearing House) – tổ chức đối tác bù trừ trung tâm giúp phòng ngừa rủi ro thanh toán trong giao dịch chứng khoán cơ sở. Tiêu chí này có thể được hoàn thiện vào quý II/2025.

Ngoài ra, một vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến quá trình nâng hạng là thời gian mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài, hiện tại có trường hợp kéo dài đến 9 tháng. Việc rút ngắn quy trình này sẽ là một yếu tố quan trọng để tăng khả năng nâng hạng.

Triển vọng nâng hạng và tác động tới thị trường

Tại hội nghị phát triển thị trường chứng khoán tổ chức tại Quảng Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết các cơ quan quản lý đang đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện các tiêu chí nâng hạng, nhằm giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút thêm dòng vốn ngoại và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp huy động vốn.

Trong một hội nghị trước đó vào ngày 5/12/2024, bà Wanming Du, Giám đốc chính sách chỉ số của FTSE Russell, cho biết trọng tâm đánh giá sẽ tập trung vào trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài. Khi Việt Nam được nâng hạng, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số FTSE Emerging Market dự kiến đạt khoảng 0,3%.

SHS đánh giá triển vọng nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi

Dù con số này có vẻ nhỏ so với Trung Quốc, Ấn Độ và Đài Loan (các thị trường mới nổi có tỷ trọng trên 20%), nhưng về tổng thể, các quỹ thụ động (ETF) dự kiến sẽ rót vào Việt Nam khoảng 1 tỷ USD. Các quỹ chủ động có thể đầu tư gấp 5 lần con số này (tương đương 5 tỷ USD), nhưng mức độ khả thi vẫn chưa thể xác định rõ ràng.

Những cổ phiếu tiềm năng khi Việt Nam được nâng hạng

Các quỹ chủ động có những tiêu chí lựa chọn cổ phiếu khác nhau, nhưng nhìn chung sẽ tập trung vào: Vốn hóa thị trường; Thanh khoản; Tỷ lệ free-float; Room cho nhà đầu tư nước ngoài (FOL - Foreign Ownership Limit)

Theo SHS, các cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ có lợi thế hơn trong rổ FTSE Emerging Market so với nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Đồng thời, những doanh nghiệp có room ngoại rộng và thanh khoản tốt sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Các tiêu chí lựa chọn cổ phiếu vào rổ FTSE Emerging Mark

Thứ nhất, vốn hóa thị trường tối thiểu: Theo quy định của FTSE Russell, cổ phiếu cần có vốn hóa điều chỉnh theo free float từ 150 triệu USD trở lên (~3.825 tỷ đồng tại thời điểm 2023).

Thứ hai là tỷ lệ free float tối thiểu: Cổ phiếu có free float dưới 5% sẽ không được đưa vào rổ FTSE. Nếu phần lớn cổ phần bị nắm giữ bởi các cổ đông lớn (Nhà nước, ban lãnh đạo, v.v.) và chỉ một tỷ lệ nhỏ được tự do giao dịch, cổ phiếu đó sẽ bị loại khỏi danh sách.

Thứ ba về hạn chế sở hữu nước ngoài (FOL): FTSE tính toán tỷ lệ cổ phiếu có thể đầu tư dựa trên giá trị nhỏ hơn giữa tỷ lệ free float và FOL.

Cổ phiếu cần có dư địa sở hữu nước ngoài ít nhất 20% so với giới hạn FOL để đủ tiêu chuẩn. (Chỉ số “room” này được định nghĩa là phần trăm còn lại = (FOL - tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện tại) / FOL). Ví dụ, nếu một công ty có FOL = 49% và hiện nhà đầu tư nước ngoài đang nắm 39%, thì foreign headroom của cổ phiếu này ~20,41% = (49% - 39%)/49%. Tóm lại là nếu phần còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài thấp hơn 20% giới hạn, cổ phiếu sẽ bị loại khỏi rổ FTSE do tính khả dụng đối với nhà đầu tư ngoại quá thấp.

Thứ tư về thanh khoản: Cổ phiếu phải có khối lượng giao dịch trung bình hàng tháng đạt tối thiểu 0,050% tổng số cổ phiếu lưu hành trong ít nhất 10/12 tháng trước đợt đánh giá. Nếu không đạt ngưỡng này, cổ phiếu sẽ không được thêm vào rổ FTSE.

Điều kiện cần thiết để cổ phiếu Việt Nam được đưa vào rổ FTSE Emerging Market

Tính liên tục trong giao dịch: Cổ phiếu phải được giao dịch thường xuyên, không bị gián đoạn kéo dài. Cổ phiếu bị ngừng giao dịch trên 60 ngày giao dịch trong một năm sẽ không đủ điều kiện.

Trạng thái niêm yết: Cổ phiếu bị cảnh báo, kiểm soát đặc biệt hoặc giám sát bởi sở giao dịch sẽ không được xét vào rổ FTSE cho đến khi tình trạng này được gỡ bỏ và phải chờ ít nhất 12 tháng sau khi được gỡ cảnh báo để đủ điều kiện xem xét lại.

Loại hình công ty và chứng khoán: Chỉ các công ty phát hành cổ phiếu phổ thông thuộc ngành kinh doanh thông thường mới đủ điều kiện. Những công ty có cấu trúc pháp lý đặc thù như Investment Trusts, LLP, LLC, BDC… sẽ không được đưa vào chỉ số FTSE.

Sàn niêm yết: Chỉ những cổ phiếu niêm yết trên HOSE mới đủ điều kiện để xét vào rổ FTSE Vietnam Index Series. Các cổ phiếu niêm yết trên HNX sẽ không được FTSE Russell xét duyệt cho bộ chỉ số thị trường Việt Nam, trừ khi được chuyển sang HOSE.

FTSE Russell có quy trình đánh giá và cập nhật danh mục độc lập, không phụ thuộc vào các đơn vị bên ngoài. Họ sử dụng các nguồn dữ liệu tài chính từ Refinitiv (trước đây là Thomson Reuters) làm nguồn dữ liệu chính, bên cạnh các nhà cung cấp khác như Bloomberg, FactSet, Morningstar… để đảm bảo độ chính xác và đầy đủ thông tin.

Điều quan trọng là FTSE Russell không tự động chuyển cổ phiếu từ Frontier Market sang Emerging Market khi một quốc gia được nâng hạng. Thay vào đó, họ xem xét từng cổ phiếu theo tiêu chuẩn của Emerging Market, tương tự như đợt nâng hạng Qatar năm 2016, khi toàn bộ cổ phiếu Qatar bị loại khỏi rổ Frontier và được xét duyệt lại từ đầu để xem cổ phiếu nào đủ điều kiện vào danh mục mới.

Tiến hành lọc theo các tiêu chí tại thời điểm 24/2/2025

Nguồn: Fiingroup, SHS Research
Nguồn: Fiingroup, SHS Research
Thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng, thu hút dòng vốn ngoại

Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường đầy tiềm năng nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh ...

SFC sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng

Bên lề sự kiện tại Hội nghị Tiểu ban khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APRC) thuộc Tổ chức Quốc tế các ủy ...

Tổng Giám đốc ACBS: Nâng hạng là một sự kiện chắc chắn tới 99,99% trong năm 2025

Theo ông Nguyễn Đức Hoàn, sự kiện nâng hạng có thể coi là một sự kiện chắc chắn tới 99,99% trong năm 2025, vấn đề ...

Hồng Quân

Hồng Quân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán