Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp chặt với hiệp hội ngành hàng ngăn chặn hàng giả, gian lận thương mại Cảnh báo mạo danh cán bộ, phóng viên của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia |
Ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia - nhận định, các đối tượng buôn lậu ngày càng manh động, sử dụng những thủ đoạn tinh vi. Nhiều đối tượng lợi dụng cuộc sống khó khăn, thiếu việc làm của một bộ phận người dân ở khu vực biên giới để thuê họ vận chuyển, vô hình chung họ đã tiếp tay, đưa hàng lậu vào sâu nội địa.
Nói về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cùng nhận định, hoạt động buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ngày trở nên tinh vi, khó kiểm soát và đối phó. "Trong nội địa, tình hình trưng bày công khai thuốc lá điếu nhập lậu có giảm, nhưng vẫn còn khá phổ biến. Các điểm kinh doanh thường chia nhỏ lượng hàng và dấu tại các hộ nhỏ lẻ, cửa hàng tạp hóa, cà phê... khi có người hỏi mua sẽ mang ra bán. Ở TP. Hồ Chí Minh kế đến là khu vực miền Tây, miền Đông Nam Bộ, miền Trung vẫn là những điểm nóng của vấn nạn thuốc lá lậu", đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết.
Thuốc lá lậu bị thu giữ. Ảnh: DMS |
Phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu thuốc lá có diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan đến từ lực lượng chức năng còn mỏng trong khi đường biên giới dài, nhất là địa hình biên giới phía Tây, Tây Nam phức tạp, có cả đường biển, đường sông, đất liền. Để trốn chạy hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, các đối tượng thường dùng phương tiện tốc độ cao để vận chuyển hàng hóa vi phạm, trong khi, lực lượng quản lý thị trường và nhiều lực lượng khác chưa được trang bị phương tiện này. Thậm chí, nhiều đối tượng còn lợi dụng cả hàng không để vận chuyển thuốc lá lậu. Về nguyên nhân khách quan, do hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều kẽ hở, chồng chéo, chế tài chưa đủ sức răn đe; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ...
"Có thể nói, công cuộc đấu tranh với thuốc lá lậu còn gian nan, phức tạp, dài hơi và cần tăng cường hơn nữa các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng này", ông Đặng Văn Dũng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, dịp cuối năm, các hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng nhập lậu, trong đó có mặt hàng thuốc lá sẽ gia tăng. Vì vậy, nhằm siết chặt tình trạng buôn lậu thuốc lá tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở biên giới... các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia như: Biên phòng, Công an, Hải quan sẽ tập trung cao độ, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường kiểm tra, rà soát, nắm tình hình tại các điểm nóng về thuốc lá lậu trên tuyến biên giới như: Quảng Trị, Kiên Giang, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp và TP. Hồ Chí Minh...
Đưa ra nhiều giải pháp, ông Nguyễn Đức Lê đề nghị, trước mắt là phải siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát thuốc lá lậu ngay từ biên giới. Do đó, trên biên giới, các lực lượng: Hải quan, Bộ Đội Biên phòng, Cảnh sát biển... là những lực lượng chính, chủ công. Còn trong nội địa, quản lý thị trường, công an... sẽ là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá. Các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác phối hợp, thông tin; chủ động nắm tình hình, nhận diện phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động, đối tượng, đường dây, tuyến địa bàn trọng điểm về buôn lậu thuốc lá để triển khai các biện pháp đấu tranh phòng, chống.
Khôi Nguyên