Thương vụ bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit của VPBank cho SMBC là một trong những thương vụ "nóng" nhất của giới tài chính trong nước năm 2021.
Trước khi thương vụ này diễn ra, SMBC cũng đã dồn dập đầu tư vào lĩnh vực tài chính ở Việt Nam với những lần "bắt tay" rầm rộ Eximbank (EIB) hay Tập đoàn Bảo Việt (BVH). Bên cạnh tài chính, ngân hàng Nhật Bản này còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, những thương vụ đầu tư về lĩnh vực tài chính của ngân hàng này không đem lại kết quả tích cực.
Năm 2008, SMBC đầu tư vào Eximbank với tổng giá trị 225 triệu USD để sở hữu 15% vốn điều lệ, đồng thời trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng. 15% cổ phần Eximbank mà SMBC đang sở hữu hiện có giá thị trường gần 6.600 tỷ đồng, khoảng 290 triệu USD.
Tại thời điểm được SMBC rót vốn, Eximbank là một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam. Ngân hàng này từng là gương mặt thường trực trong “câu lạc bộ lợi nhuận nghìn tỷ” của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, sau đó Eximbank đã “rớt đài” tụt xuống 828 tỷ đồng trong năm 2013, rồi xuống 69 tỷ đồng trong năm 2014. Đến năm 2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của ngân hàng là âm 817 tỷ đồng.
Năm 2018, Eximbank trở nên ồn ào với sự “bốc hơi” 245 tỷ đồng tiền gửi của bà Chu Thị Bình (Thủy sản Minh Phú). Đây cũng là năm lợi nhuận của Eximbank điều chỉnh giảm 52% so với kế hoạch.
Trong 15 năm hợp tác chiến lược, ngân hàng Việt Nam chỉ trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu liên tục trong giai đoạn từ 2009 – 2013.
Theo đó, SMBC đã nhận về xấp xỉ 1.050 tỷ đồng cổ tức tiền mặt trong giai đoạn 2009 – 2013. Như vậy, cộng thêm phần cổ tức đã nhận, khoản đầu tư vào Eximbank giúp SMBC thu về hơn 7.600 tỷ đồng, khoảng 335 triệu USD (tạm dùng tỷ giá và thị giá hiện tại).
Theo ước tính, ngân hàng Nhật Bản lãi khoảng 31% sau 14 năm, tức bình quân gần 2%/năm. Đây là hiệu suất đầu tư có thể nói đáng thất vọng với ngân hàng thuộc hàng nhất nhì xứ sở mặt trời mọc.
Vào tháng 12/2019, SMBC một lần nữa gây chú ý khi chi thêm 4.012 tỷ đồng (tương đương 173 triệu USD) để mua thêm 41.436.330 cổ phần BVH của Tập đoàn Bảo Việt. Nhờ đó, nâng tỷ lệ nắm giữ của ngân hàng Nhật Bản này tại Bảo Việt lên 22,09%.
Theo đó, bình quân giá mỗi cổ phiếu BVH mà SMBC mua vào lên tới 96.817 đồng. Đáng chú ý, trong tháng 12/2019, giá cổ phiếu BVH dao động từ 66.200 đồng/cổ phiếu tới 73.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, mức giá mà SMBC để mua BVH cao hơn thị giá từ 32,6% tới 46,2%.
Kết phiên ngày 21/3/2022, cổ phiếu BVH đóng cửa ở mức 58.500 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá SMBC mua vào 38.317 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu xét về thị giá cổ phiếu, SMBC đang "lỗ" nặng khi đầu tư vào BVH.
Trở lại với thương vụ hợp tác với VPbank, ngày 28/4/2021, lễ ký kết thỏa thuận giữa VPBank và SMBC diễn ra. Theo đó, VPBank bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho đối tác SMBC. Thương vụ trên được cho là giúp VPBank thu về 1,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngày trong năm 2021, FE Credit có kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, chi phí dự phòng của FE Credit tăng 16% so với cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận trước thuế chỉ đạt khoảng 0,6 tỷ đồng - giảm 83,5% so với cùng kỳ.
Theo đó, dư nợ cho vay của FE Credit năm 2021 ước tính tăng 14,2% so với cùng kỳ, cao hơn mức 8,9% của năm 2020. Tuy nhiên, NIM đã giảm mạnh xuống 21,1% trong năm 2021 từ mức 27,2% năm 2020 do lợi suất tài sản giảm mạnh hơn chi phí huy động vốn.
VNDirect cho rằng, công ty đã phải giảm lãi suất cho vay để thu hút khách hàng trong bối cảnh chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch COVID-19 và sự cạnh tranh ngày càng tăng trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Chi phí tăng đột biến cũng làm giảm lợi nhuận của FE Credit. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập hoạt động (CIR) đạt mức 30,5% trong 2021, từ mức 28,9% trong 2020.
Mới đây, ngân hàng mẹ của FE Credit, VPBank đã thông báo nới room ngoại lên 17,5% để đón cổ đông chiến lược nước ngoài. Sau khi "chia tay" với Eximbank và mua lại 49% vốn của FE Credit, nhiều người dự đoán, SMBC sẽ tiếp tục rót vốn vào VPBank với những kỳ vọng tăng trưởng mới.
Hoàng Yến/Kiến thức Đầu tư
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam