Cổ phiếu SMC giảm mạnh sau khi "mở van" cổ phiếu ESOP
Mới đây, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam đã thông báo rằng 250.000 cổ phiếu SMC của Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC thuộc chương trình ESOP năm 2022 sẽ được chuyển từ trạng thái hạn chế chuyển nhượng sang tự do, có hiệu lực từ ngày 10/10/2024.
Ngay sau thông báo này, cổ phiếu SMC đã giảm mạnh liên tiếp trong 4 phiên. Đến phiên giao dịch ngày 15/10, giá cổ phiếu SMC giảm gần 6%, xuống còn 6.600 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu tháng 10, thị giá SMC đã giảm hơn 31%, và nếu nhìn xa hơn, trong 3 tháng gần đây, giá cổ phiếu đã mất 66% giá trị từ mức cao nhất 18.350 đồng/cp (phiên 16/7/2024).
Thêm vào đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào ngày 4/9 đã thông báo giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu SMC do công ty vẫn còn lỗ lũy kế hơn 68 tỷ đồng tính đến ngày 30/06/2024.
Diễn biến giá cổ phiếu SMC |
Kết quả kinh doanh không khả quan, công nợ rủi ro cao
Cổ phiếu SMC bắt đầu xu hướng giảm mạnh ngay sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 2/2024 không khả quan. Doanh thu quý 2 giảm 42% so với cùng kỳ, chỉ còn 2.240 tỷ đồng, trong khi các chi phí gia tăng đáng kể, khiến công ty báo lỗ 114 tỷ đồng, trái ngược hoàn toàn so với khoản lãi 20,8 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước.
Một điểm đáng chú ý là các khoản công nợ liên quan đến Tập đoàn Novaland (NVL) và Công ty Xây dựng Hòa Bình (HBC). Tính đến cuối tháng 6/2024, SMC ghi nhận lỗ hơn 22% từ khoản đầu tư vào cổ phiếu HBC, sau khi hoán đổi từ khoản nợ trị giá 104,7 tỷ đồng. Hiện khoản đầu tư này có nguy cơ mất trắng do HBC gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng. HBC đã ghi nhận lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ, dẫn đến việc cổ phiếu HBC bị hủy niêm yết trên HoSE.
Tương tự, hệ sinh thái của Novaland cũng đối diện với tình trạng nợ xấu nghiêm trọng. Hai công ty con của Novaland là Công ty TNHH Delta Valley Bình Thuận và Công ty TNHH The Forest City hiện đang dẫn đầu danh sách nợ xấu, với tổng số nợ lên đến hơn 700 tỷ đồng. SMC đã phải trích lập dự phòng 570 tỷ đồng cho các khoản nợ này.
Khó khăn trong xử lý nợ xấu và bán tài sản để tái cơ cấu
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi - Phó Chủ tịch HĐQT SMC cho biết: “Nếu không xử lý được khoản nợ, Công ty sẽ phải trích lập dự phòng thêm 90 tỷ đồng trong quý II, nâng tổng số trích lập lên gần 300 tỷ đồng trong cả năm 2024. SMC nhất định phải xử lý nợ trong năm nay, các phương án xử lý gồm cả thu bằng tiền, hoán đổi cổ phiếu, nhận tài sản để cấn trừ công nợ và nếu kế hoạch xử lý nợ khả thi, SMC đều chấp nhận”.
Tính đến ngày 30/6/2024, SMC ghi nhận tổng nợ xấu là 1.309 tỷ đồng và đã trích lập dự phòng 577 tỷ đồng, chiếm 44,1% tổng số nợ xấu. Mặc dù nợ xấu gần như đi ngang so với đầu năm, nhưng công ty vẫn gặp khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ này.
Để cải thiện tình hình tài chính, SMC đã liên tục thực hiện các kế hoạch bán tài sản. Vào đầu tháng 10/2024, SMC đã chuyển quyền chủ nợ của khoản nợ tại Công ty CP Beton 6 cho bà Nguyễn Thị Lan Anh, với giá trị nợ là hơn 12,6 tỷ đồng. SMC chỉ nhận được 3 tỷ đồng, tương đương 23,8% tổng giá trị khoản nợ.
Trước đó, vào tháng 9/2024, HĐQT SMC cũng thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Công ty TNHH MTV SMC Đà Nẵng với giá trị 96 tỷ đồng. Lô đất có diện tích hơn 27.731m² nằm tại khu công nghiệp Hòa Cầm, Đà Nẵng, được sử dụng với mục đích làm khu công nghiệp.
Ngoài ra, trong năm nay, SMC cũng đã thông qua nhiều kế hoạch chuyển nhượng các bất động sản khác, bao gồm trụ sở tại số 681 Điện Biên Phủ, TP. HCM và khu đất tại SMC Tân Tạo 2, với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng.
SMC chuyển nhượng khoản nợ hơn 12,6 tỷ đồng từ Beton 6, chấp nhận chỉ thu về 3 tỷ sau thỏa thuận Đầu tư Thương mại SMC đã quyết định chuyển nhượng quyền chủ nợ đối với khoản nợ hơn 12,6 tỷ đồng từ Công ty CP ... |
Đức Anh