Theo dữ liệu mới nhất được giới chức Nhật Bản công bố, ít nhất 560 người bị thương ở các mức độ nghiêm trọng khác nhau do thảm họa động đất. Số người chết vì trận động đất ở Nhật Bản lần đầu tiên vượt quá 100 người kể từ năm 2016, khi 273 người thiệt mạng ở tỉnh Kumamoto, phía Tây Nam nước này.
Ngoài ra, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể xác định được vị trí của 195 cư dân. Thiệt hại nặng nề nhất xảy ra ở tỉnh Ishikawa, miền Trung Nhật Bản nơi có ít nhất 1.370 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần và hỏa hoạn đã phá hủy khoảng 300 ngôi nhà. Khu vực bị ảnh hưởng tiếp tục gặp tình trạng thiếu điện, nước và nhiên liệu.
Thiệt hại kinh tế trực tiếp từ trận động đất hiện được ước tính khoảng 5,5 tỷ USD, trong khi thiệt hại về lâu dài sẽ lên tới gần 0,15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản năm 2024.
Các hoạt động cứu hộ vẫn đang diễn ra tại tỉnh Ishikawa |
Theo Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Ken Saito, khoảng 80% trong số 200 công ty có nhà máy ở các khu vực bị động đất, bao gồm các nhà sản xuất máy móc, chất bán dẫn và dệt may, đã nối lại sản xuất hoặc sẽ sớm hoạt động trở lại sau trận động đất.
Tuy nhiên, giới chức Nhật Bản khó khăn trước mắt là đảm bảo nguồn cung điện. Chính phủ Nhật Bản vẫn đối mặt nhiều khó khăn trong việc khôi phục nguồn điện cho khu vực. Công ty Điện lực Hokuriku cho biết, khoảng 24.000 tòa nhà ở tỉnh Ishikawa, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ trận động đất, vẫn mất điện.
Do động đất, nhiều hoạt động kinh tế của Nhật Bản đã bị gián đoạn. Toyota cho biết, đã không thể khởi động kế hoạch sản xuất năm 2024 theo đúng kế hoạch do động đất diễn ra ở khu vực miền Trung Nhật Bản. Nhiều đối tác cung ứng và các chi nhánh của nhà sản xuất này cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, công ty này khẳng định sẽ nối lại sản xuất từ đầu tuần này. Các dây chuyền trước mắt sẽ sử dụng linh kiện và phụ tùng cất giữ trong các kho bên ngoài những khu vực bị tác động bởi rung chấn. Toyota sẽ tiến hành đánh giá tình trạng của các nhà cung cấp trong giai đoạn sau ngày 15/1 để tiếp tục điều chỉnh hoạt động sản xuất cho phù hợp.
Tương tự Toyota, nhiều nhà sản xuất khác của Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng bởi động đất, trong đó có Sumitomo Electric, Japan Display, EIZO... Tập đoàn Sharp cho biết, nhà máy sản xuất màn hình ở thành phố Hakusan thuộc Ishikawa cũng chưa thể bắt đầu hoạt động như dự kiến.
Ishikawa cũng là nơi đặt nhiều hạ tầng sản xuất thuộc lĩnh vực bán dẫn, như Taiyo Yuden sản xuất chip nhớ, Shin-Etsu sản xuất tấm silicon, cơ sở bán dẫn Kaga của Toshiba...
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, vào ngày 8/1, tuyết sẽ rơi dày từ 10-90cm tại các tỉnh đang chịu thiệt hại nặng nề do động đất. Thời tiết khắc nghiệt có thể cản trở công tác cứu hộ và gây thêm nhiều khó khăn cuộc sống của người dân ở khu vực này. Chính phủ Nhật Bản cho biết, sẽ tăng cường các phương tiện hàng không và đường thủy tiếp cận các vùng bị cô lập để cung cấp đủ nhu yếu phẩm cần thiết.
Chính phủ Nhật Bản đã tiếp tục nỗ lực thực hiện công tác cứu hộ. Tuy nhiên, dự kiến tuyết rơi dày sẽ gây cản trở hoạt động cứu hộ và khiến người dân tại vùng động đất gặp khó khăn hơn. Sau động đất, các tỉnh Ishikawa, Toyama, Niigata và Fukui vẫn đang phải hứng chịu nhiều đợt dư chấn tiếp tục xảy ra, khiến cho nền đất không ổn định và kết cấu của nhiều căn nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số khu vực vẫn bị cô lập theo đường bộ. Theo chính quyền tỉnh Ishikawa, thời tiết đang dần lạnh hơn. Tại những khu vực bị mất điện, người dân đang phải chống chọi với cái lạnh thông qua thiết bị sưởi dầu, khởi động động cơ xe để sử dụng điều hòa. |
Thanh Bình