"Sóng gió" bủa vây Ocean Group (OGC)

03/09/2022 - 02:04
(Bankviet.com) Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã có thông báo về việc xử lý vi phạm đối với cổ phiếu OGC của Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, Sàn HoSE).

Theo đó, ngày 31/8, HoSE quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu OGC của Ocean Group theo Quyết định số 427/QĐ-SGDHCM ngày 24/6/2022 với lý do lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ 6 tháng đầu năm là âm 33,53 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6/2022 là âm 2.759,65 tỷ đồng.

Ocean Group (OGC) tiếp tục nằm trong diện cảnh báo.

Cổ phiếu chưa đáp ứng quy định tại điểm b khoản 4 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Thêm nữa, cổ phiếu OGC vẫn thuộc diện chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo Quyết định số 361/QĐ-SGDHCM ngày 2/6/2022 do tổ chức niêm yết chậm nộp Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Được biết, theo Quyết định ngày 2/6/2022, cổ phiếu OGC chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận kể từ ngày 9/6/2022.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 31/8, cổ phiếu OGC tăng trần lên mức 14.600 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt hơn 2,9 triệu đơn vị.

Diễn biến giá cổ phiếu LSS thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)
Diễn biến giá cổ phiếu OGC thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2022, Ocean Group ghi nhận doanh thu đạt 154,35 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 20,92 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 41,87 tỷ đồng.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 54,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 18,1 tỷ đồng lên 51,27 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 96,1%, tương ứng giảm 5,47 tỷ đồng về 0,22 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 72,5%, tương ứng tăng thêm 5,39 tỷ đồng lên 12,82 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 10,7%, tương ứng giảm thêm 5,05 tỷ đồng lên 52,13 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận lỗ 4,42 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 58,77 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 63,19 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), quý II, Ocean Group ghi nhận lỗ 13,68 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 21,34 tỷ đồng.

Như vậy, hoạt động cốt lõi âm, doanh thu tài chính giảm và lợi nhuận khác cũng giảm chính là nguyên nhân Công ty báo lỗ 20,92 tỷ đồng trong quý II.

Công ty thuyết minh lợi nhuận khác giảm trong quý II chủ yếu do thu nhập khác chỉ ghi nhận 0,73 tỷ đồng so với cùng kỳ 61,43 tỷ đồng, tức giảm 60,7 tỷ đồng. Cụ thể, nguyên nhân chủ yếu do trong quý II/2021, Công ty ghi nhận giảm các khoản công nợ phải trả Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực sau khi có phán quyết của tòa án nhân dân có thẩm quyền về tranh chấp giữa hai bên liên quan giao dịch đặt mua cổ phần OCH phát sinh từ năm 2014 và trong quý II/2022 không còn ghi nhận.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Ocean Group ghi nhận doanh thu đạt 256,81 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế lỗ 59,21 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 16,29 tỷ đồng.

Với việc tiếp tục ghi lỗ trong 6 tháng đầu năm, tính tới 30/6/2022, tổng lỗ lũy kế lên tới 2.760,4 tỷ đồng, bằng 92% vốn điều lệ. Được biết, trước đó năm 2021, Công ty cũng ghi nhận lỗ hơn 280 tỷ đồng.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Ocean Group giảm 1,8% so với đầu năm về 2.881,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định đạt 690,1 tỷ đồng, chiếm 24% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 565,4 tỷ đồng, chiếm 19,6% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 415,8 tỷ đồng, chiếm 14,4% tổng tài sản; tài sản dài hạn khác đạt 391,3 tỷ đồng, chiếm 13,6% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 13,6% so với đầu năm, tương ứng giảm 65,7 tỷ đồng về 415,8 tỷ đồng; tồn kho tăng 1,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2,4 tỷ đồng lên 197,6 tỷ đồng.

Ocean Group đổi chủ

Theo đó, Ocean Group vừa đổi chủ và hàng loạt lãnh đạo mới được bổ nhiệm. Cụ thể, sau khi tuyên bố kiểm soát 51% vốn Ocean Group, nhóm cổ đông IDS Equity Holdings đã trở thành cổ đông lớn nhất tại tập đoàn Ocean Group.

Trong phiên họp cổ đông mới đây, hầu hết thành viên HĐQT, Ban kiểm soát đương nhiệm của Ocean Group đã từ nhiệm với lý do cá nhân. Thay vào đó, các cá nhân mới được bổ nhiệm thay thế đều là người của IDS Equity Holdings.

Ngoài việc tiếp quản Ocean Group, nhóm cổ đông IDS Equity Holdings cũng đã tiếp quản cả Công ty CP Khách sạn Dịch vụ OCH (công ty con) và đổi tên thành One Capital Hospitality.

Trong đó, One Capital Hospitality là doanh nghiệp lớn nhất thuộc sở hữu của Ocean Group. Công ty này đang là chủ sở hữu hàng loạt resort, khách sạn lớn như Sunrise Nha Trang, Sunrise Hội An, Starcity Nha Trang, Starcity Airport TP.HCM, Starcity Tây Hồ, đồng thời là chủ sở hữu thương hiệu bánh Girval và hãng kem Tràng Tiền.

Rao bán hàng loạt khoản nợ xấu

Cách đây không lâu, Ocean Group rao bán tổng cộng 7 khoản nợ với tổng dư nợ gốc lên đến hơn 1.072 tỷ đồng, nguồn gốc tài sản, hồ sơ pháp lý được cung cấp trực tiếp tại văn phòng đại diện CTCP tập đoàn Đại Dương.

Trong danh sách khoản nợ, lớn nhất là khoản nợ tín chấp với nội dung hỗ trợ vốn, giá trị 380,5 tỷ đồng của CTCP ĐT&TM Vneco Hà Nội phát sinh từ năm 2014; khoản nợ hợp tác ủy thác đầu tư giá trị 270 tỷ đồng của Công ty cổ phần Bình Dương Xanh phát sinh năm 2014, có tài sản đảm bảo là 27.000.000 cổ phiếu công ty Gia Phát; khoản nợ phải thu 145 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư tư vấn Liên Việt phát sinh năm 2013.

Các khoản nợ xấu của Ocean Group

Giá khởi điểm của cả 7 khoản nợ chỉ bằng 1/10 giá trị dư nợ gốc, tương ứng tổng giá trị khởi điểm hơn 107 tỷ đồng. Thời gian tổ chức mở chào giá/thực hiện đấu giá vào ngày 4/6/2022. Tiền đặt cọc tham gia chào giá/đấu giá là 3 tỷ đồng.

Thông báo của Ocean Group nêu rõ, việc bán khoản nợ xấu được thực hiện trên cơ sở các văn bản, tài liệu cung cấp bởi Ocean Group. Khách hàng tham gia mua nợ có trách nhiệm nghiên cứu kỹ hồ sơ khoản nợ xấu, tìm hiểu về thực trạng pháp lý của tài sản bảo đảm (nếu có) trước khi đăng ký tham gia mua bán.

Khách hàng tham gia mua nợ mà không có ý kiến gì thì coi như chấp nhận mua khoản nợ trên cơ sở các giấy tờ do Ocean Group cung cấp và đã hiểu rõ về hiện trạng pháp lý của tài sản bảo đảm (nếu có). Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương chỉ có trách nhiệm bàn giao hồ sơ khoản nợ xấu cho người mua nợ được lựa chọn.

Cùng thời điểm, công ty cùng hệ sinh thái Ocean Group là Công ty CP Đầu tư Đại Dương Thăng Long (OTL) cũng vừa đưa ra thông báo về việc bán khoản nợ phải thu.

Theo đó, Đầu tư Đại Dương Thăng Long chào bán khoản nợ xấu phải thu của Công ty với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Sông Đà (SDCON) với số dư nợ gốc (chưa bao gồm các khoản lãi, phạt) là hơn 640 tỷ đồng.

Giá khởi điểm đưa ra là 20 tỷ đồng, chỉ tương đương 3% giá trị số dư nợ gốc. Thời gian tổ chức mở chào giá/thực hiện đấu giá cũng trong ngày 4/6/2022. Tiền đặt cọc tham gia chào giá/đấu giá là 5 tỷ đồng.

Trong thông báo, cả Ocean Group và Đầu tư Đại Dương Thăng Long đều lưu ý, khách hàng tham gia mua nợ có trách nhiệm nghiên cứu kỹ hồ sơ khoản nợ xấu, tìm hiểu về thực trạng pháp lý của tài sản bảo đảm (nếu có) trước khi đăng ký tham gia mua bán. Khách hàng tham gia mua nợ mà không có ý kiến gì thì coi như chấp nhận mua khoản nợ trên cơ sở các giấy tờ do Ocean Group/Đầu tư Đại Dương Thăng Long cung cấp và đã hiểu rõ về hiện trạng pháp lý của tài sản bảo đảm (nếu có). Ocean Group/ Đầu tư Đại Dương Thăng Long chỉ có trách nhiệm bàn giao hồ sơ khoản nợ xấu cho người mua nợ được lựa chọn.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Khối ngoại mua ròng 980 tỷ đồng trong tháng 8, rót 470 tỷ cho cổ phiếu PVD

Đáng nói, cổ phiếu PVD vừa bị HOSE thông báo cắt margin do lợi nhuận sau thuế soát xét bán niên 2022 của công ty ...

8 lãnh đạo cấp cao ngân hàng Á Châu (ACB) nhận thưởng hàng trăm nghìn cổ phiếu

Tổng số cổ phiếu thưởng theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) mà 8 lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Á Châu ...

Cổ phiếu PVD (PV Drilling) bị cắt margin do lợi nhuận âm trong 6 tháng đầu năm 2022

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa quyết định đưa cổ phiếu PVD của Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán