Trong Báo cáo chiến lược tháng 9/2024 vừa công bố, SSI Research nhận định dòng tiền đầu tư trên toàn cầu đang có dấu hiệu thận trọng hơn, đặc biệt là dòng tiền đầu tư vào các quỹ cổ phiếu trước các dấu hiệu kém tích cực về kinh tế Mỹ. Điểm sáng là dòng tiền có khả năng sẽ luân chuyển sang các thị trường khác với định giá hấp dẫn hơn. Xu hướng rút ròng của dòng tiền nước ngoài trên Thị trường Chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng hạ nhiệt trong tháng 8 qua các quỹ ETF và nhóm quỹ chủ động.
Nguồn: SSI |
“Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ luân chuyển dòng tiền đầu tư khi FED hạ lãi suất, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ nâng hạng được đẩy mạnh,” chuyên gia của SSI Research nêu.
Cụ thể, SSI Research đánh giá đà hồi phục kinh tế của Việt Nam tiếp tục duy trì. Tiêu dùng nội địa chưa bứt phá, nhưng đã có một vài tín hiệu tích cực sớm cho giai đoạn cuối năm. Lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt nên NHNN có thể điều hành chính sách theo hướng nới lỏng hơn.
Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam hồi phục ngoạn mục trong tháng 8 trong bối cảnh dần tích cực hơn ở các TTCK Đông Nam Á. Từ nền giá thấp, thị trường tăng lại trên diện rộng nhờ hỗ trợ mạnh mẽ từ xu hướng phục hồi của nền kinh tế và lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết (DNNY), bên cạnh các yếu tố rủi ro bên ngoài nhẹ đi.
Theo dữ liệu lịch sử, tháng 9 có thể là cơ hội mua tốt cho kỳ vọng TTCK tăng trưởng trở lại trong quý cuối năm. Các yếu tố có lợi cho TTCK Việt Nam dần hiện diện rõ hơn so với giai đoạn trước bao gồm đà phục hồi kinh tế tiếp tục duy trì với chính sách tiền tệ (CSTT) và tài khóa hỗ trợ tăng trưởng; lợi nhuận của DNNY khả quan hơn vào nửa cuối năm, bên cạnh kỳ vọng về sự trở lại dần của dòng vốn ngoại.
“Dựa trên danh sách theo dõi của SSI Research, tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ có thể đạt mức 217% trong 6 tháng cuối năm 2024, tăng tốc đáng kể so với mức chỉ 62% trong 6 tháng đầu năm,” chuyên gia của SSI Research nhận định.
Nguồn: SSI |
Cũng theo SSI Research, tính từ đầu năm 2024 đến hết tháng 8, giá trị bán ròng của khối ngoại tăng lên 64.700 tỷ đồng, vượt qua giá trị bán ròng cả năm 2021 là 62.400 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dòng tiền khối ngoại có tín hiệu tái cơ cấu lại. Trong đó, nhóm thép đang chịu áp lực bán ròng sau giai đoạn được mua ròng mạnh trong năm 2023. Còn nhóm tiêu dùng, bao gồm bán lẻ và thực phẩm, đang được duy trì mua ròng tích cực sau khi bị bán ròng nhiều trong năm trước. Về phần nhóm bất động sản, cường độ bán ròng ở nhóm này đang cho thấy dấu hiệu chậm lại.
Về triển vọng TTCK tháng 9, nhóm phân tích này cho biết theo quan sát trong 14 năm gần nhất, tháng 9 thông thường là tháng không nhiều biến động trên TTCK Việt Nam, trừ các năm bị tác động mạnh bởi tỷ giá như năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, bình quân tăng trưởng VN-Index trong quý IV hàng năm đạt mức tích cực 33%.
Bên cạnh đó, định giá hấp dẫn đang là lợi thế. Cụ thể, P/E Forward của VN-Index tăng nhẹ lên 11,6 lần vào ngày 6/9/2024, là mức hấp dẫn hơn so với một số TTCK khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh khả năng các thị trường mới nổi hưởng lợi khi FED bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, yếu tố định giá hấp dẫn có thể là một điểm đến của dòng tiền.
Đặc biệt, dòng tiền từ khối nhà đầu tư trong nước kỳ vọng sẽ sôi động hơn khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể điều hành chính sách theo hướng nới lỏng khi FED chính thức hạ lãi suất và đồng USD hạ nhiệt.
SSI Research nhận định, mặc dù có thể còn những biến động khi phải thận trọng theo dõi các dữ liệu về các kịch bản của nền kinh tế Mỹ, nhóm phân tích này kỳ vọng điểm số và thanh khoản của thị trường sẽ khởi sắc hơn trong 2 tuần cuối tháng 9, trong bối cảnh trọng tâm theo dõi sẽ quay lại tập trung vào các yếu tố nội tại trong nước.
“Nhà đầu tư nên tiếp tục phân bổ danh mục cân bằng, đảm bảo hưởng lợi từ kỳ vọng hồi phục tăng trưởng như tiêu dùng (thực phẩm, bán lẻ), xuất khẩu, ngân hàng, và xây dựng,” chuyên gia SSI Research khuyến nghị.
An Nhiên