Sự dịch chuyển dòng vốn giúp chứng khoán Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam tăng mạnh nhất châu Á

05/01/2024 - 14:36
(Bankviet.com) Phần lớn các thị trường chứng khoán tại Đông Nam Á, với ngoại lệ Việt Nam và Indonesia, đều chịu ảnh hưởng bởi hiệu ứng Trung Quốc.
chauacknikkei3.jpg

Năm 2023 có thể coi là một năm không thuận đối với nhà đầu tư trên các thị trường chứng khoán châu Á khi mà chỉ số chứng khoán trên thị trường Nhật Bản chạm mức cao nhất trong 33 năm, trong khi thị trường Hồng Kông, Trung Quốc lại có 4 năm giảm điểm liên tiếp, còn Ấn Độ nổi lên như trung tâm IPO mới của khu vực.

Một trong những nguyên nhân quan trọng đằng sau diễn biến trái chiều này chính là tâm lý thất vọng với quá trình phục hồi kinh tế Trung Quốc thời kỳ hậu COVID-19.

Dẫn đầu châu Á là thị trường Nhật Bản với mức tăng trên 30%, sau đó đến thị trường Taipei (Đài Loan, Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ), Seoul (Hàn Quốc) và thị trường chứng khoán Việt Nam với mức tăng 12,1%.

Chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hồng Kông, chỉ số theo dõi diễn biến cổ phiếu của khoảng 80 cổ phiếu hàng đầu, đã giảm 13,8% trong năm nay và như vậy ghi nhận chuỗi 4 năm giảm liên tiếp đầu tiên tính từ khi thị trường chứng khoán Hồng Kông bắt đầu vận hành vào năm 1969.

Trong tháng 1/2023, thị trường chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh khi Hồng Kông mở cửa biên giới với Trung Quốc đại lục. Vào ngày 27/1/2023, chỉ số lập mức đỉnh 22.688,9 điểm. Từ đó đến nay, các đợt nâng lãi suất của ngân hàng trung ương nhiều nước phương Tây cũng như tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trì trệ đã tạo ra cú sốc kép.

2912ckchaua.jpg

Đồng đôla Hồng Kông hiện được neo tỷ giá vào đồng USD, chính vì vậy lãi suất tại Hồng Kông diễn biến theo hướng của Mỹ, dù rằng hoạt động kinh tế của đặc khu này có liên quan chặt chẽ với Trung Quốc đại lục.

Sự chững lại của kinh tế Trung Quốc đồng thời ảnh hưởng đến các cổ phiếu trên thị trường Trung Quốc đại lục. Chỉ số CSI 300, chỉ số chính đo lường diễn biến của cổ phiếu tại Thượng Hải và Thâm Quyến, hạ 11,4%.

Phần lớn các thị trường chứng khoán tại Đông Nam Á, với ngoại lệ Việt Nam và Indonesia, đều chịu ảnh hưởng bởi hiệu ứng Trung Quốc. Chỉ số SET của thị trường chứng khoán Thái Lan giảm 15,2% bởi kinh tế Thái Lan phụ thuộc khá nhiều vào kinh tế và khách du lịch Trung Quốc. Thị trường Thái Lan vì vậy sụt giảm sâu nhất so với các thị trường chứng khoán lớn tại châu Á.

Các nhà đầu tư trên thị trường Trung Quốc đại lục đã giảm mua cổ phiếu trên sàn Hồng Kông. Nhà đầu tư Trung Quốc đại lục mua vào ước tính 40,6 tỷ USD cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết trên sàn Hồng Kông, đây là ngưỡng thấp nhất tính từ năm 2018.

Lý do quan trọng của điều này, theo các chuyên gia phân tích, chính là việc thị trường giảm sự quan tâm đến cổ phiếu ngành tài chính Trung Quốc.

“Tất cả cổ phiếu của ngành dịch vụ tài chính chịu ảnh hưởng bởi lo ngại về khả năng các doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện một số nhiệm vụ với nhà nước”, trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại tổ chức tài chính Nomura Holdings – ông Chetan Seth phân tích. Nếu nhìn từ nghĩa rộng, điều đó cũng đồng nghĩa sẽ phải thực hiện theo quan điểm của chính phủ liên quan đến vấn đề giảm lãi suất hoặc cấp thêm tín dụng cho nhiều ngành nghề.

3 trong 4 ngân hàng nhà nước của Trung Quốc chiếm khoảng 10% tỷ trọng của toàn chỉ số. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Trung Quốc (BoC), Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đều đã giảm lãi suất tiền gửi để gia tăng khả năng tạo lợi nhuận khi mà tín dụng cho doanh nghiệp chững lại. Nhóm các ngân hàng lớn nhất đương đầu với tình trạng nợ xấu khi mà những vấn đề trên thị trường bất động sản ngày một tệ hại hơn.

Ngoài ra, tâm lý lo lắng về kịch bản quy định pháp luật có thể thay đổi ở Trung Quốc cũng khiến cho nhà đầu tư lo lắng. Ngày 22/12/2023, ước tính giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn Tencent Holdings bị “thổi bay” sau khi Bắc Kinh đưa ra dự thảo quy định hạn chế người dân chi tiêu vào trò chơi trực tuyến.

Khi mà nhà đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc, họ đang dần chuyển sự quan tâm sang Ấn Độ, Nhật Bản và các trung tâm công nghệ như Đài Loan, Hàn Quốc. Các chỉ số chính trên thị trường này tăng 2 con số trong năm 2023, chỉ số Nikkei 225 dẫn đầu các thị trường với mức tăng trong năm lên đến 30%.

Sự trở lại của cổ phiếu trên thị trường Nhật Bản là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có quản trị doanh nghiệp tích cực, kết quả trực tiếp từ nỗ lực của các nhà quản lý Nhật Bản trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Đăng Tuấn

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ