Sự kết nối và tích hợp dữ liệu là điểm sáng của ngành Ngân hàng

30/10/2024 - 05:57
(Bankviet.com) Ngày 29/10/2024, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tập đoàn IEC đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững” và Triển lãm Smart Banking 2024.
Ngày 29/10/2024, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tập đoàn IEC đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững” và Triển lãm Smart Banking 2024. Hội thảo và Triển lãm được tổ chức với mục tiêu kết nối những lãnh đạo và chuyên gia hàng đầu trong ngành Tài chính - Ngân hàng, cung cấp góc nhìn chuyên sâu về các công nghệ mới nhất góp phần tìm ra những chiến lược đột phá nhằm xây dựng một tương lai số an toàn và bền vững cho ngành Ngân hàng.
 
Tham dự Hội thảo, về phía ngành Ngân hàng có Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng; đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị chức năng thuộc NHNN; VNBA; các ngân hàng thương mại (NHTM).
 
Về phía các bộ, ngành có đại diện các đơn vị, vụ, cục thuộc: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ... Sự kiện còn có sự tham dự của nhiều diễn giả, khách mời là những nhà quản lý, nhà khoa học trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, quản lý hệ thống… đến từ các NHTM, công ty công nghệ, công ty Fintech trong nước và quốc tế như: NHTM cổ phần Kỹ thương (Techcombank), NHTM cổ phần Tiên Phong (TPBank), Mastercard, Viettel, ST Engineering…
 
Với chủ đề “Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững”, Hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp bảo vệ an toàn và chiến lược phát triển bền vững ngành Ngân hàng trên không gian số, với những phần thảo luận sâu sắc, thông qua: 1 phiên toàn thể; 3 phiên chuyên đề; diễn tập thực chiến phòng thủ không gian mạng - DF Cyber Defense; Triển lãm Quốc tế Smart Banking 2024 với sự hiện diện của 27 gian hàng đến từ các ngân hàng, công ty công nghệ, Fintech, trung gian thanh toán, các tổ chức thẻ trong nước và quốc tế.
 
Cần xây dựng một môi trường hợp tác, nơi mà các ngân hàng có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho biết, ngành Ngân hàng đã và đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, từ việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính số hóa. Những thay đổi này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới cho các ngân hàng trong việc phục vụ khách hàng và nâng cao trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, các ngân hàng cũng phải đối mặt với không ít thách thức: Cạnh tranh ngày càng gia tăng, yêu cầu về bảo mật thông tin và sự tuân thủ quy định pháp luật ngày càng nghiêm ngặt hơn.
 

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA phát biểu khai mạc Hội thảo
 
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, xu hướng chuyển dịch của người dân sang thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ngày càng rõ nét. Trong 7 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch TTKDTM tăng 58,44% về số lượng và 35,13% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 49,83% và 33,72%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 59,09% và 37,97%, giao dịch qua QR Code tăng 106,83% về số lượng và 105,51% về giá trị. Giao dịch qua ATM giảm 13,35% về số lượng và giảm 6,13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
 
Đã có khoảng hơn 37 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công, là một bước tiến tích cực giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng trước các gian lận, lừa đảo. Nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…
 
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, toàn Ngành đã tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các TCTD, đảm bảo 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các công nghệ như AI, học máy (Machine Learning) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics) đã mang đến khả năng phân tích dữ liệu một cách chi tiết và nhanh chóng. Những công nghệ hiện đại này giúp tạo ra những thông tin giá trị và hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp nhất. Trong đó, ứng dụng AI đã trở thành xu hướng nổi bật cho các doanh nghiệp trên toàn cầu nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng. 85% ngân hàng đã thiết lập chiến lược ứng dụng AI trong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới và hơn 59% nhân sự đang sử dụng AI trong hoạt động hàng ngày. Kinh phí của các ngân hàng cho AI tạo sinh (GenAI) được dự đoán sẽ tăng lên 85 tỉ USD vào năm 2030, tăng mạnh so với mức 6 tỉ USD năm 2024, đánh dấu mức đầu tư tăng hơn 1.400%. Xu hướng đầu tư mạnh mẽ này cho thấy rõ sự chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống, Digital Bank sang AI Bank. Dù những lợi ích và xu hướng bắt buộc áp dụng AI trong ngành Ngân hàng đã thấy rõ, tuy nhiên, việc triển khai AI trong ngân hàng không dễ dàng. Vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư luôn là mối quan tâm hàng đầu của tất cả các TCTD.
 
Ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, chủ đề của sự kiện năm nay không chỉ đơn thuần là bàn luận về những xu hướng công nghệ, mà còn là tìm kiếm những chiến lược phát triển bền vững cho ngành Ngân hàng. “Sự phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm của riêng một tổ chức hay một cá nhân nào mà là sự nỗ lực chung của toàn Ngành. Chúng ta cần xây dựng một môi trường hợp tác, nơi mà các ngân hàng có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
 
Không có sự tích hợp dữ liệu hiệu quả sẽ không thể khai thác tối đa tiềm năng mà công nghệ mang lại
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đánh giá cao chủ đề Hội thảo, đồng thời cho biết thêm, ngành Ngân hàng đã có những bước tiến đáng kể trong việc cho phép giao dịch điện tử, đặc biệt là trong bối cảnh hiện tại, khi mà các ngân hàng đã cho phép mở tài khoản trực tuyến một cách dễ dàng hơn. Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, gần đây, ngân hàng đã cho phép mở tài khoản bằng hình thức xác thực qua chíp, điều này không chỉ đảm bảo tính bảo mật mà còn nâng cao độ tin cậy của hệ thống. Hiện nay, ngành Ngân hàng đang mở hơn bao giờ hết, có những bước tiến đáng kể trong việc cho phép giao dịch điện tử, các ngân hàng đã cho phép mở tài khoản trực tuyến một cách dễ dàng hơn. Hơn nữa, tỉ lệ giao dịch qua kênh số của ngành Ngân hàng hiện nay đã đạt mức 97-98%. Điều này cho thấy sự tiện lợi và độ tin cậy mà ngành Ngân hàng mang lại cho khách hàng.
 

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo
 
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng lưu ý đến sự kết nối và tích hợp giữa các lĩnh vực khác nhau. Trong thời đại số, sự kết nối giữa các hệ thống là rất cần thiết, nếu không có sự tích hợp dữ liệu hiệu quả sẽ không thể khai thác tối đa tiềm năng mà công nghệ mang lại. Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, sự kết nối và tích hợp dữ liệu là điểm mới, điểm sáng của ngành Ngân hàng thời gian qua. Ngoài ra, Phó Thống đốc nhấn mạnh, sự phát triển của ngành Ngân hàng không thể tách rời khỏi việc bảo đảm an toàn cho dữ liệu và các giao dịch. Khi kết nối với nhiều ngành, lĩnh vực, đơn vị khác thì nguy cơ cũng rất lớn. Chỉ cần một sự cố nhỏ, hậu quả sẽ rất lớn.
 
Tại Hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị các ngân hàng chú trọng đến việc mở tài khoản doanh nghiệp. Điều này bảo đảm rằng người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp có thể thực hiện giao dịch một cách chính xác. Khi thực hiện giao dịch lớn, cần sử dụng chữ ký điện tử để xác thực người ký. Theo Phó Thống đốc, việc đăng ký doanh nghiệp cần phải được thực hiện đúng quy định. Nếu tình trạng hồ sơ không rõ ràng tiếp diễn, thì không chỉ gây ra rủi ro cho ngân hàng mà còn mở đường cho nhiều hình thức lừa đảo khác. Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp với ngân hàng để đảm bảo rằng khi đăng ký doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp và người đại diện pháp lý phải đúng danh tính và có mặt tại ngân hàng. Điều này sẽ giúp ngân hàng truy xuất được trách nhiệm của doanh nghiệp trong các giao dịch sau này.
 
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị các NHTM cần mở rộng việc mở tài khoản, cả trực tuyến và tại quầy, nhưng phải bảo đảm quy trình an toàn, tránh để đối tượng xấu lợi dụng; đồng thời, các ngân hàng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định mở tài khoản, bao gồm việc đối chiếu với giấy tờ tùy thân. Phó Thống đốc hy vọng rằng, với sự hỗ trợ từ các công ty công nghệ, ngân hàng sẽ có những giải pháp an toàn và bền vững cho hoạt động tài chính trong tương lai.
 
Tại phiên thảo luận toàn thể, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết, TPBank có lượng giao dịch trên ngân hàng số chiếm khoảng 98% tổng lượng giao dịch, xu hướng chuyển dịch dần đến kênh số là tất yếu. Việc duy trì bảo đảm an toàn an ninh dữ liệu hết sức quan trọng. TPBank phải xây dựng hạ tầng công nghệ để đảm bảo cho vận hành liên tục và ít bị gián đoạn, đây là thách thức lớn không chỉ với TPBank mà còn đối với toàn ngành Ngân hàng. Theo ông Nguyễn Hưng, khi mà ngân hàng chỉ tập trung vào bảo vệ chính mình thì tội phạm lại tấn công khách hàng. Thế nên các quy trình phải rút gọn, số hóa, tiết kiệm thời gian, chi phí, mang lại lợi ích cho khách hàng. Khi thiết kế sản phẩm, ứng dụng phải hướng đến khách hàng và hướng dẫn, cảnh báo cụ thể. Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết thêm, hiện nay, mặc dù, khách hàng chỉ còn một vài người phải qua quầy trực tiếp, còn hầu hết là tự thực hiện giao dịch trên phần mềm và điện thoại di động, thì khách hàng cũng phải thận trọng và không tiết lộ thông tin cho bất kỳ đơn vị nào để tránh bị hack thông tin hay tài khoản; ngân hàng cũng cần thường xuyên cảnh báo và hướng dẫn khách hàng về điều này.
 
Theo đại diện công ty MasterCard, từ kinh nghiệm làm việc với các ngân hàng trên toàn cầu, có ba yếu tố quyết định để triển khai Open Banking: (i) Vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và quy định. Cần thiết phải có những tiêu chuẩn rõ ràng để xác định các loại dữ liệu nào bắt buộc phải chia sẻ, loại nào có thể chia sẻ tùy chọn và loại nào không. Những tiêu chuẩn này sẽ hỗ trợ các bên tham gia trong hệ sinh thái Open Banking, giúp họ phát triển các chiến lược phù hợp trong việc triển khai dịch vụ; (ii) Vấn đề về người dùng. Open Banking hướng đến việc trao quyền cho người dùng, nhưng họ cần hiểu rõ quyền lợi của mình. Theo một cuộc khảo sát năm 2003 cho thấy, sau 5 năm, 60% người dùng ở Vương quốc Anh vẫn chưa hiểu rõ về Open Banking và cách áp dụng. Do đó, việc đào tạo và truyền thông để người dùng nhận thức được quyền lợi và cách thức để có thể tận dụng Open Banking là rất quan trọng; (iii) Chiến lược của các bên tham gia. Các tổ chức có thể lựa chọn tham gia một cách thụ động, chỉ đáp ứng các yêu cầu quy định về Open Banking hoặc tham gia một cách chủ động, xây dựng và phát triển các giá trị mới cho hệ thống. Những lựa chọn này sẽ quyết định cách mà Open Banking được triển khai, giúp tăng cường giá trị cho người dùng và cho hệ sinh thái tài chính.
 
Tại Hội thảo, bà Tan Bin Ru, Chủ tịch Khối giải pháp số Khách hàng doanh nghiệp, công ty ST Engineering chia sẻ, bảo mật thông tin xác định dựa trên ba yếu tố: Mật mã hóa, tính toàn vẹn và khả dụng. Để đạt được điều đó, các giải pháp an ninh mạng tiên tiến của công ty ST Engineering bao gồm WizKnight Cloud, bảo mật thông tin liên lạc cho người dùng từ xa và SCALE, một giải pháp tính toán đầu cuối an toàn bảo vệ dữ liệu khỏi bị mất và tăng cường bảo mật cơ sở hạ tầng đối với máy tính để bàn ảo. Những giải pháp tiên tiến này bảo mật quyền truy cập từ xa và kết nối người dùng cuối với cả hệ thống tại chỗ và ứng dụng đám mây, đồng thời bảo vệ tính bảo mật, tính toàn vẹn và khả dụng của dữ liệu. Việc đầu tư, nghiên cứu liên tục của công ty ST Engineering về phân phối khóa lượng tử cũng đảm bảo rằng tất cả các giải pháp sẵn sàng khi lượng tử trở thành xu hướng chính.

Theo bà Tan Bin Ru, giám sát liên tục để phát hiện các mối đe dọa và lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng của ngân hàng, cũng như đào tạo nhân viên để ứng phó với các mối đe dọa cũng là một bước quan trọng để nâng cao bảo mật. Công ty ST Engineering có các giải pháp tiên tiến trong việc giám sát và ứng phó với các mối đe dọa mạng, bao gồm giám sát an ninh mạng chuỗi cung ứng, tự động hóa điều tra và phản ứng đám mây, mô phỏng thực tế các mối đe dọa mạng trong phạm vi an ninh mạng tiên tiến.
 
Hội thảo còn diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề dành cho các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo ngân hàng và các bên liên quan chia sẻ kinh nghiệm triển khai các nội dung chuyên sâu để tiến tới chuyển đổi số thành công, cụ thể:
 
Phiên chuyên đề 1 với chủ đề: “Đổi mới hạ tầng công nghệ thúc đẩy vận hành nhanh, bền vững trong thời đại số”, tập trung vào các nội dung: Đổi mới hệ thống ngân hàng lõi đáp ứng yêu cầu vận hành ngân hàng: Cơ hội và thách thức; thúc đẩy tài chính bền vững; đảm bảo vận hành an toàn, liên tục…
Phiên chuyên đề 2 với chủ đề: “Phát triển hệ sinh thái ngân hàng mở với chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm”, tập trung vào các nội dung: Tái thiết kế ngân hàng số trong kỷ nguyên AI: Siêu cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng; thúc đẩy đổi mới trong thanh toán số và hơn thế nữa; phát triển hệ sinh thái toàn diện nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng…
 
Phiên chuyên đề 3 với nội dung: “Nâng cao an toàn, bảo mật trong thời kỳ chuyển đổi số ngân hàng”, đề cập đến các nội dung: Chuyển đổi số trong ngành Tài chính trên toàn thế giới; quản lý thiết bị di động trong ngành Ngân hàng; bảo mật ngân hàng mở: Rủi ro công nghệ và giải pháp phòng ngừa; phía sau mã độc: Vạch trần kẻ hacker qua tiện ích mở rộng độc hại…
 

Toàn cảnh Hội thảo


Xuân Mai
 

Theo: Tạp chí Ngân hàng