Sửa đổi Luật BHTG nhằm đề cao sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền

09/02/2023 - 02:03
(Bankviet.com) Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động BHTG tại Việt Nam. Luật BHTG đã được ban hành và thực hiện hơn 10 năm, đủ thời gian để tổng kết, đánh giá những tồn tại, hạn chế nhằm mục tiêu bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động BHTG tại Việt Nam. Luật BHTG đã được ban hành và thực hiện hơn 10 năm, đủ thời gian để tổng kết, đánh giá những tồn tại, hạn chế nhằm mục tiêu bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
 
10 năm thực thi hiệu quả Luật BHTG và một số hạn chế
 
Luật BHTG được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động BHTG trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. 



Sửa đổi Luật BHTG theo hướng bảo vệ người gửi tiền tốt hơn
 
Trên cơ sở Luật BHTG và các văn bản pháp lý khác, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã triển khai toàn diện và có hiệu quả các nghiệp vụ, trong đó giám sát, kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG đặc biệt chú trọng, bám sát quá trình thành lập, hoạt động và phát triển của tổ chức tham gia BHTG. Thời gian qua, BHTGVN đã có những cảnh báo kịp thời cũng như hỗ trợ các tổ chức tham gia BHTG gặp vấn đề. Qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
 
Có thể thấy, hiệu quả của Luật BHTG thể hiện rõ ràng nhất qua việc từ năm 2015 cho tới nay chưa xảy ra đổ vỡ, phá sản tổ chức tham gia BHTG. Cùng với các quy định về hoạt động ngân hàng, việc thực thi chính sách BHTG đã góp phần giúp các TCTD hoạt động ổn định, an toàn, không có rủi ro lớn mang tính hệ thống, quyền lợi của người gửi tiền được đảm bảo. Đến nay, BHTGVN đang bảo vệ cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 97 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô.
 
Nguồn lực tài chính của tổ chức BHTG cũng đã có sự phát triển mạnh, đủ khả năng đáp ứng khi phát sinh nghĩa vụ chi trả và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khác mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giao để góp phần tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém. Có thể nói, với việc triển khai có hiệu quả Luật BHTG những năm qua, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được bảo đảm, sự ổn định của hệ thống các TCTD đã được duy trì. 
 
Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai, Luật BHTG cũng đã bộc lộ một số hạn chế, do thực tiễn đã có nhiều thay đổi. Hơn nữa, Luật BHTG chưa quy định, quy định chưa rõ hoặc có quy định nhưng không thống nhất với luật khác như: Về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, miễn phí BHTG; về tiền gửi không được bảo hiểm; về các kênh đầu tư; về cơ chế tài chính của tổ chức BHTG...
 
Ngoài những bất cập trong quá trình thực thi chính sách BHTG, trong thời gian qua, khuôn khổ pháp lý có liên quan tới hoạt động BHTG cũng có những thay đổi nhất định. Tiêu biểu, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD năm 2017; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND đã quy định những nhiệm vụ mới cho BHTGVN như:  
 
Cho vay đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt; tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt, tham gia xây dựng phương án phá sản tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Luật Các TCTD và hướng dẫn của NHNN, tham gia hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN...
 
Luật BHTG chưa đồng bộ với hệ thống cơ chế chính sách cũng như chưa phù hợp với thực tiễn, có thể làm chậm tiến độ BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, đặc biệt là các QTDND. Bên cạnh đó, khuôn khổ, cơ chế chính sách không đồng nhất cũng sẽ gây hạn chế tới hiệu quả bảo vệ người gửi tiền, cũng như hoạt động của tổ chức BHTG.
 
Sửa đổi Luật BHTG nhằm đề cao sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền
 
Thời gian qua, Chính phủ, NHNN đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến việc sửa đổi Luật BHTG để nâng cao vai trò của BHTGVN. Trong đó, “bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền” là một trong những quan điểm xuyên suốt được Chính phủ đề ra.
 
Cụ thể, tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một trong ba Dự án Luật quan trọng Chính phủ giao NHNN xây dựng, triển khai cho giai đoạn 2015 - 2025 đó là “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG”.
 
Trước đó, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND, Thủ tướng đã chỉ đạo chủ trương nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn tiền kết dư phí BHTG để xử lý các TCTD yếu kém.  
 
Tại Quyết định số 1382/QĐ-NHNN ngày 02/8/2022 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, được quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”, có nêu rõ quan điểm: “Nghiên cứu sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn kết dư phí BHTG xử lý QTDND yếu kém”.
 
Tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ III, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó có Luật BHTG.
 
Trong nội dung Báo cáo số 302/BC-NHNN ngày 19/9/2022, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và tình hình triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, NHNN cho biết: “Sửa Luật BHTG là một trong những nhiệm vụ quan trọng thời gian tới nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng”.
 
Để thực hiện tốt mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong thời gian tới đó là sớm sửa đổi Luật BHTG, khắc phục các bất cập hiện hữu để BHTGVN ngày càng phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi người gửi tiền; đặc biệt là tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD. Theo đó, có một số nội dung cấp thiết liên quan tới chính sách BHTG cần sớm sửa đổi bao gồm: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG để tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt; quy định để BHTGVN tăng cường hơn trong khâu giám sát, kiểm tra, cảnh báo sớm rủi ro hoạt động của các TCTD; nguồn vốn hoạt động và việc mở rộng danh mục đầu tư để tăng cường năng lực tài chính cho tổ chức BHTG; quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo hướng chi trả sớm hơn để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. 
 
Đồng thời, Luật BHTG cần được sửa đổi theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm, cách làm, công cụ hiệu quả mà BHTG các quốc gia khác đã áp dụng thành công. Quy định của Luật mới cần tạo cơ sở pháp lý để tổ chức BHTG không ngừng nâng cao năng lực tài chính; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động; chủ động tham gia và phối hợp với NHNN trong quá trình cơ cấu lại, xử lý các TCTD yếu kém; đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, hoạt động ngân hàng, BHTG tới người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền ở vùng sâu, vùng xa và người gửi tiền tại các QTDND để có thể đáp ứng với những yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
Phạm Hưng
Theo: Tạp chí Ngân hàng