Sửa đổi bổ sung Thông tư 44: Gỡ khó cho doanh nghiệp nhập khẩu thép |
Việc thực hiện Thông tư số 36/2021/TT-BTC ngày 26/5/2021 phá sinh nhiều vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung. Ảnh: ST |
7 vướng mắc phát sinh
Bộ Tài chính cho biết, quá trình rà soát các nội dung cho thấy có 7 nội dung vướng mắc của Thông tư số 36/2021/TT-BTC bao gồm: vướng mắc về mức vốn điều lệ điều chỉnh xác định lại; vướng mắc về hạch toán đối với trường hợp doanh nghiệp phải nộp phần chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ; vướng mắc về cách thức ghi nhận tăng vốn tại công ty mẹ đối với trường hợp công ty con do công ty mẹ đầu tư 100% vốn tăng vốn điều lệ từ quỹ đầu tư phát triển tại công ty con; vướng mắc về việc quy định tại Thông tư số 36/2021/TT-BTC chưa thống nhất với Nghị định số 140/2020/NĐ-CP về căn cứ để xác định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn; vướng mắc đó chưa quy định về ý kiến của chủ sở hữu khi chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại doanh nghiệp khác; vướng mắc về căn cứ báo cáo tài chính để phân phối lợi nhuận đối với công ty cổ phần (CTCP), công ty TNHH hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp của Nhà nước; vướng mắc do thay đổi địa chỉ website.
Đối với vướng mắc về hạch toán, với trường hợp doanh nghiệp phải nộp phần chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ, tại tiết b khoản 1 Điều 2 Thông tư số 36/2021/TT-BTC quy định sau khi doanh nghiệp nộp khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước thì đồng thời hạch toán giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị giảm tương ứng các thành phần thuộc vốn chủ sở hữu sau khi nộp khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ, một số ý kiến thì đề nghị giảm quỹ đầu tư phát triển hoặc vốn đầu tư của chủ sở hữu thay vì chỉ hạch toán giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu như quy định tại Thông tư số 36/2021/TT-BTC nêu trên và quy định này chưa phù hợp với Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ Tài chính sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư số 36/2021/TT-BTC như sau: Sau khi doanh nghiệp nộp khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ vào ngân sách nhà nước thì hạch toán giảm theo từng thành phần tương ứng thuộc nguồn vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp lúng túng trong phân phối lợi nhuận
Đối với vướng mắc về quy định tại Thông tư số 36/2021/TT-BTC chưa thống nhất với Nghị định số 140/2020/NĐ-CP về căn cứ để xác định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn, Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân là do Thông tư số 36/2021/TT-BTC thiếu căn cứ quy định của pháp luật giá và thẩm định giá so với Nghị định số 140/2020/NĐ-CP. Vì vậy, Bộ Tài chính bổ sung vào khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Thông tư số 36/2021/TT-BTC như sau: “Tổ chức có chức năng thẩm định giá căn cứ các quy định nêu trên, quy định của pháp luật giá và thẩm định giá, các phương pháp thẩm định giá để xác định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn...”.
Liên quan đến vướng mắc căn cứ báo cáo tài chính để phân phối lợi nhuận đối với CTCP, công ty TNHH hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại khoản 17 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, khi phân phối lợi nhuận tại DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, DN căn cứ vào báo cáo tài chính đã kiểm toán để thực hiện phân phối lợi nhuận, tuy nhiên chưa quy định cụ thể đối với DN hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con thì căn cứ vào báo cáo riêng của công ty mẹ hay báo cáo tài chính hợp nhất để xác định lợi nhuận sau thuế làm cơ sở phân phối, do đó gây lúng túng cho DN trong quá trình triển khai thực hiện.
Cũng theo Bộ Tài chính, theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Thông tư số 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính thì Công ty mẹ được phân phối lợi nhuận cho chủ sở hữu không vượt quá mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất sau khi đã loại trừ ảnh hưởng của các khoản lãi do ghi nhận từ giao dịch mua giá rẻ… Trường hợp mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất cao hơn mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính của riêng công ty mẹ và nếu số lợi nhuận quyết định phân phối vượt quá số lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính riêng, công ty mẹ chỉ thực hiện việc phân phối sau khi đã điều chuyển lợi nhuận từ các công ty con về công ty mẹ…”.
Qua rà soát, Bộ Tài chính thấy Thông tư số 200/2014/TT-BTC quy định việc phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp như trên chưa thực sự phù hợp, vì vậy Bộ Tài chính đang dự kiến sửa Thông tư số 200/2014/TT-BTC theo hướng bỏ nội dung này. Việc phân phối lợi nhuận của công ty mẹ cần được thực hiện dựa vào tình hình tài chính thực tế của công ty mẹ, báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và biểu quyết của đại hội cổ đông (quyền quyết định cao nhất) theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Việc khống chế công ty mẹ phân phối lợi nhuận không vượt quá mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo hợp nhất sẽ phát sinh một số vấn đề như trong trường hợp lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất quá thấp (hoặc âm) so với lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính của công ty mẹ trong khi công ty mẹ đã trích lập đầy đủ các khoản dự phòng đầu tư tài chính sẽ dẫn tới lợi ích của nhà đầu tư bị ảnh hưởng (trong đó có lợi ích của Nhà nước).
Mặt khác, báo cáo tài chính hợp nhất chỉ phản ánh quy mô vốn của tổ hợp công ty mẹ - công ty con mà không phải là đại diện cho một pháp nhân. Đối với công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước thì Nhà nước với tư cách là cổ đông sẽ có thẩm quyền xem xét, quyết định việc phân phối lợi nhuận, đảm bảo lợi ích của Nhà nước hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Tài chính bổ sung Điều 7a Thông tư số 36/2021/TT-BTC như sau: Trường hợp doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con thì căn cứ vào báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ để xác định lợi nhuận sau thuế làm cơ sở phân phối.
haiquanonline.com.vn