Mức độ đô la hóa chủ yếu được đo lường qua các tiêu chí: (i) tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán (FCD/M2) (ii) tiền gửi ngoại tệ/tổng tiền gửi (FCD/tổng tiền gửi) và (iii) tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng. Nếu các tỷ lệ FCD/M2, FCD/tổng tiền gửi và tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng lớn hơn 30% thì được xem là mức độ đô la hóa trầm trọng. Nếu các tỷ lệ này nằm trong khoảng từ 10% - 30% thì được coi là mức độ đô la hóa trung bình và dưới 10% được coi là mức độ đô la hóa thấp (Quỹ Tiền tệ quốc tế, IMF).
Kết quả đạt được trong việc giảm đô la hóa nền kinh tế
Nhờ những giải pháp hiệu quả trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp của các bộ, ngành có liên quan, tình trạng đô la hóa đã giảm đáng kể.
Hiện, Việt Nam có mức đô la hóa thấp theo tiêu chí đánh giá của IMF: tỷ lệ FCD/M2 giảm từ mức 12,36% vào cuối năm 2012 xuống mức 11,06% vào cuối năm 2014, từ cuối năm 2016 đến nay luôn duy trì dưới ngưỡng 10% (năm 2016 là 8,92%, trong giai đoạn 2018 - 2020 ở quanh mức 8% và năm 2021 – 2023 quanh mức 7%, đến tháng 6/2024 tỷ lệ này chỉ còn 6,16%).
Trong đó, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ của tổ chức kinh tế so với M2 đã giảm từ mức 7,07% (2012) xuống quanh mức 6% (2016 - 2017). Đến tháng 3/2024, tỷ lệ này giảm còn 4,6%. Tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ của dân cư so với M2 giảm mạnh từ mức 7,59% (2011) xuống chỉ còn ở mức quanh 1% (từ năm 2021 đến nay).
Từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ tín dụng bằng ngoại tệ/tổng tín dụng giảm nhanh và mạnh từ mức 18,02% (2012) xuống mức 12,77% và 10,06% tương ứng vào cuối các năm 2014 và 2015 và tiếp tục giảm xuống còn 4% (năm 2023 và quý I/2024).
Thị trường chính thức phát triển, góp phần ổn định tỷ giá, bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước, thị trường ngoại tệ tự do đã thu hẹp đáng kể. Lượng ngoại tệ găm giữ của dân cư và doanh nghiệp đã giảm mạnh, người dân và doanh nghiệp đã bán ngoại tệ (cả số ngoại tệ nắm giữ trước đây) cho hệ thống ngân hàng.
Thị trường ngoại hối phi chính thức đã được kiểm soát và thu hẹp, nhiều thời điểm tỷ giá thấp hơn tỷ giá trên thị trường chính thức. Thị trường ngoại hối chính thức phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu trên cả thị trường liên ngân hàng và thị trường giao dịch giữa hệ thống ngân hàng và khách hàng, phù hợp với quy mô giao dịch quốc tế (thương mại, vay nợ và đầu tư) ngày một tăng của nền kinh tế. Doanh số mua/bán trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng tăng nhanh và mạnh từ mức 336,9 tỷ USD (2014) lên mức 1.145 tỷ USD (2023) và trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức 601 tỷ USD. Trên thị trường ngoại hối, các giao dịch phái sinh cũng đã được các ngân hàng thực hiện giúp khách hàng phòng ngừa rủi ro ngoại hối.
Nhờ việc kiểm soát tốt lạm phát, kết hợp đồng bộ chính sách lãi suất và tỷ giá, triển khai kịp thời các giải pháp về quản lý ngoại hối, thị trường ngoại hối ngày càng ổn định, vị thế VND được nâng cao.
Từ năm 2015, việc áp dụng quy định về trần lãi suất tiền gửi USD 0%/năm, đã khuyến khích doanh nghiệp và người dân chuyển sang nắm giữ VND để hưởng lợi tức cao thay vì đầu cơ tích trữ USD và góp phần chuyển dần quan hệ huy động – cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua/bán ngoại tệ, hệ thống ngân hàng mua được lượng lớn ngoại tệ từ nền kinh tế, tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước.
Trong giai đoạn 2016 – 2021, hệ thống ngân hàng đã mua ròng được 56,7 tỷ USD từ khách hàng và Ngân hàng Nhà nước mua ròng được khoảng 71 tỷ USD từ hệ thống ngân hàng.
Riêng giai đoạn năm 2022 và đầu năm 2024, thị trường ngoại hối trong nước gặp nhiều bất lợi, cân đối ngoại tệ kém thuận lợi do ảnh hưởng từ áp lực gia tăng trên thị trường quốc tế (Ngân hàng Trung ương các nước tăng nhanh và duy trì lãi suất ở mức cao để chống lạm phát, căng thẳng thương mại và xung đột địa chính trị giữa các quốc gia…), hệ thống ngân hàng phải bán ròng ngoại tệ cho khách hàng 24,2 tỷ USD (năm 2022) và 5,7 tỷ USD 6 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, lượng ngoại tệ bán ra trong năm 2022 đã được Ngân hàng Nhà nước mua bù đắp dự trữ ngoại hối nhà nước trong năm 2023, do vậy tính chung từ năm 2016 đến nay, hệ thống ngân hàng vẫn mua ròng được 37,7 tỷ USD và Ngân hàng Nhà nước mua ròng được lượng lớn ngoại tệ (48,2 tỷ USD) để bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
Như vậy, với các giải pháp Ngân hàng Nhà nước đã triển khai, đến nay về cơ bản thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến tương đối ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay VND giảm, tình trạng găm giữ ngoại tệ, đô la hóa trong nền kinh tế đã giảm đáng kể, vị thế VND tăng mạnh cả ở trong nước và quốc tế.
Với việc triển khai quyết liệt các quy định về xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sử dụng ngoại tệ, hầu hết các giao dịch trong nước giữa tổ chức và tổ chức, giữa tổ chức với cá nhân hoặc giữa cá nhân với nhau đều thực hiện bằng VND. Nhu cầu nắm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế giảm đáng kể, lòng tin của người dân đối với VND được gia tăng.
Việc ban hành và triển khai đồng bộ các chính sách về lãi suất, tỷ giá trong những năm vừa qua đã tạo tiền đề thành công cho lộ trình chuyển dần quan hệ huy động – cho vay sang quan hệ mua – bán, góp phần gia tăng niềm tin của người dân vào VND và từng bước nâng cao tính chuyển đổi của VND, tạo ra những cơ sở quan trọng để tiếp tục thực hiện các giải pháp hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.
Những vấn đề đặt ra trong thời gian tới
Trong thời gian tới, kinh tế thế giới dự báo vẫn đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cạnh tranh chiến lược và xung đột địa chính trị giữa các nước lớn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng khiến Ngân hàng Trung ương các nước lớn vẫn có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát có xu hướng ổn định theo mục tiêu.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nên những biến động của nền kinh tế thế giới đều tác động đến thị trường trong nước, tác động đến tâm lý, thói quen nắm giữ ngoại tệ của người dân.
Năm vấn đề cần tiếp tục xử lý để đạt mục tiêu hạn chế đô la hóa, gồm:
Thứ nhất, tình trạng đô la hóa của khu vực dân cư đã giảm mạnh nhưng vẫn có thể bùng phát trở lại nếu vị thế của VND không được duy trì.
Thứ hai, tình trạng đô la hóa của khu vực doanh nghiệp giảm nhưng thời gian qua vẫn còn những doanh nghiệp, dự án đề nghị được vay ngoại tệ, nên việc chuyển từ quan hệ huy động – cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua – bán ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp còn chưa được xử lý triệt để.
Thứ ba, tình trạng đô la hóa của khu vực nhà nước vẫn chưa được khắc phục, do các văn bản chuyên ngành chưa đồng bộ với Pháp lệnh Ngoại hối. Việc sử dụng ngoại tệ của khu vực Chính phủ như sử dụng ngoại tệ của các Quỹ thuộc ngân sách nhà nước, Chính phủ bảo đảm cân đối ngoại tệ cho các dự án trọng điểm đầu tư trực tiếp vào Việt Nam,… được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư,… Do đó, chủ trương trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng VND quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối không được thực hiện triệt để ở khu vực nhà nước.
Thứ tư, thị trường vốn mặc dù đã có chuyển biến nhưng còn chưa phát triển mạnh. Nguồn vốn đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân khá lớn nhưng thiếu sự bền vững khi dễ bị tác động bởi tâm lý, tin đồn hay hoạt động của khối đầu tư ngoại, nhóm nhà đầu tư tiềm năng như quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm lại chưa được khai thác triệt để. Thị trường trái phiếu thứ cấp mặc dù đã từng bước có dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn sơ khai. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn quá nhỏ so với nhu cầu vốn của nền kinh tế. Do sự phát triển chưa mạnh của thị trường vốn, làm hạn chế công cụ đầu tư, khiến nhu cầu nắm giữ ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro tăng lên.
Thứ năm, một số quy định cho phép sử dụng ngoại tệ tuy đảm bảo các quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân theo quy định của Luật Dân sự nhưng cũng tạo điều kiện cho sự tồn tại tình trạng đô la hóa, nhất là đô la hóa tiền gửi.
Giải pháp hạn chế đô la hóa bền vững
Một là, tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo sức hấp dẫn nắm giữ VND so với ngoại tệ, tạo cơ sở cho việc tiếp tục chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ vào sản xuất kinh doanh.
Hai là, phát triển thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối với cấu trúc hợp lý, đa dạng hóa sản phẩm nhằm tăng tính thanh khoản, tạo công cụ phòng ngừa rủi ro, tăng cường tính ổn định của thị trường, nâng cao hiệu quả truyền dẫn các công cụ chính sách tiền tệ và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Ba là, phát triển thị trường chứng khoán ổn định, vững chắc, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, đa dạng hóa hệ thống nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động.
Bốn là, rà soát, nghiên cứu đánh giá để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động ngân hàng nhằm thu hẹp hơn nữa đối tượng được sử dụng ngoại tệ trong lãnh thổ , đảm bảo nguyên tắc trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng VND; rà soát các quy định pháp lý hiện nay cho phép sử dụng ngoại tệ trong khu vực nhà nước để đề xuất theo hướng thu hẹp việc sử dụng ngoại tệ trong khu vực nhà nước vào thời điểm phù hợp với tình hình ngân sách nhà nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Pháp lệnh Ngoại hối số 06/2013/UBTVQH13 ngày 18/3/2013;
2. Nghị định số 70/2014/NĐ-CP của Chính phủ;
3. Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
4. Thông tư số 15/2015/TT-NHNN ngày 2/10/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
5. Thông tư số 02/2021/TT-NHNN ngày 31/3/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
6. Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 8/12/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
7. Thông tư số 07/2016/TT-NHNN ngày 27/5/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
8. Thông tư số 42/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
9. Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
10. Thống kê số liệu từ báo cáo của Ngân hàng Nhà nước.
ThS. Trần Trọng Triết