Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

08/11/2024 - 16:53
(Bankviet.com) Tầm quan trọng của hệ thống tiền gửi tại Việt Nam ngày càng được khẳng định thông qua sự an toàn và ổn định; từ đó, mang lại niềm tin đối với người gửi tiền.
Tầm quan trọng của hệ thống tiền gửi tại Việt Nam ngày càng được khẳng định thông qua sự an toàn và ổn định; từ đó, mang lại niềm tin đối với người gửi tiền. Để bảo đảm an toàn cho tiền gửi và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, Chính phủ đã tích cực triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) thông qua Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN); trong đó, giáo dục, nâng cao hiểu biết tài chính cho cộng đồng được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu. Bài viết này phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn để đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam trong việc tăng cường hiểu biết tài chính nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.

Tăng cường giáo dục tài chính cho người gửi tiền là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến hết tháng 7/2024, tổng lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế là 6.768.755,12 tỉ đồng, tiền gửi của dân cư là 6.838.413,68 tỉ đồng. Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm trong những tháng đầu năm, tiền gửi tiết kiệm vẫn được nhiều người dân lựa chọn như một kênh đầu tư an toàn, ổn định. Bên cạnh đó, người dân có nhiều lựa chọn về nơi gửi tiền như ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô. Khi quy mô phát triển của hệ thống tiền gửi ngày càng lớn, việc bảo đảm an toàn về quyền lợi, bảo mật và rủi ro cho người gửi tiền trở thành một vấn đề quan trọng được các nhà hoạch định chính sách quan tâm.

 
 
Ảnh: Nguồn Internet

Theo Quyết định số 149/QĐ-TTg  ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một trong năm mục tiêu lớn được đặt ra là thúc đẩy tài chính toàn diện đi đôi với sự an toàn, hiệu quả và bền vững của hệ thống tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Trong đó, BHTG là một trong những công cụ được Chính phủ và NHNN ưu tiên hàng đầu. Theo đó, BHTGVN đã đẩy mạnh các hoạt động về giáo dục tài chính, tuyên truyền chính sách nhằm nâng cao hiểu biết tài chính; từ đó, tác động tích cực đến việc bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của người gửi tiền. Cụ thể, BHTGVN đặt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030, có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG.

Có thể thấy, việc tăng cường giáo dục, nâng cao hiểu biết tài chính cho người gửi tiền là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của Nhà nước để bảo đảm an toàn đối với hệ thống tiền gửi và quyền lợi của người gửi tiền. Trong đó, đối tượng trọng tâm mà BHTGVN hướng đến là người gửi tiền tại các khu vực miền núi, nông thôn và người gửi tiền không có nhiều cơ hội, khả năng tiếp xúc với các thông tin về chính sách tiền gửi. Bên cạnh đối tượng trọng tâm, BHTGVN cũng thực hiện các phương pháp tuyên truyền, giáo dục hợp lý đối với từng đối tượng người gửi tiền ở mỗi địa phương riêng biệt, tùy theo mức độ nhận thức và khả năng tiếp cận thông tin tại mỗi khu vực. Việc khu vực hóa giáo dục, nâng cao hiểu biết tài chính nhằm mục tiêu mọi công dân Việt Nam đều được hỗ trợ tiếp cận các thông tin về tiền gửi và quyền lợi của người gửi tiền đúng cách, bảo đảm chủ trương không ai bị bỏ lại phía sau của Chính phủ đề ra. Đây cũng là biện pháp nhằm hạn chế tối đa việc các đối tượng có mục đích xấu, nhắm vào những người ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức về hiểu biết tài chính còn hạn chế, góp phần xây dựng hệ thống tiền gửi quốc gia an toàn, vững mạnh.

Vai trò của hiểu biết tài chính trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Về cơ bản, hiểu biết tài chính là khả năng sử dụng kiến thức, kỹ năng để quản lý nguồn lực tài chính một cách hiệu quả, đưa ra các quyết định tài chính phù hợp với mục tiêu và hoàn cảnh của mình. Hiểu biết tài chính cũng là khả năng hiểu, áp dụng các khái niệm tài chính vào các tình huống thực tế trong cuộc sống hàng ngày (Trần Phương Thảo và Nguyễn Thị Kim Loan, 2019). Ngoài ra, theo Ngân hàng Thế giới, hiểu biết tài chính là kết quả của kết hợp giữa nhận thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ và hành vi cần thiết để đưa ra các quyết định tài chính sáng suốt để đạt được phúc lợi tài chính cá nhân. Nhìn chung, các khái niệm được nêu ra trước đây đều nhấn mạnh tầm quan trọng của kiến thức, kỹ năng trong việc quản lý tài chính cá nhân, khả năng đưa ra quyết định tài chính phù hợp để đạt được mục tiêu hay lợi nhuận. Về mặt lý thuyết, hiểu biết tài chính có thể được chia thành: 

(i) Kiến thức tài chính: Những hiểu biết cơ bản về các khái niệm tài chính như lãi suất, lạm phát, rủi ro…, các sản phẩm tài chính như tín dụng, tiết kiệm, đầu tư, bảo hiểm… hay các quy định, chính sách tài chính.

(ii) Kỹ năng tài chính: Các kỹ năng giúp người gửi tiền đưa ra quyết định và hành động hiệu quả như kỹ năng lập ngân sách, quản lý chi tiêu, thu nhập; kỹ năng đầu tư, lập kế hoạch tài chính; kỹ năng sử dụng các sản phẩm tài chính; kỹ năng tìm kiếm, phân tích và sử dụng các thông tin tài chính.

(iii) Thái độ và hành vi tài chính: Thái độ tiết kiệm và quản lý chi tiêu hiệu quả; hành vi đầu tư lâu dài và đa dạng hóa đầu tư; thái độ chủ động tìm hiểu và nâng cao kiến thức tài chính; hành vi lập ngân sách và kế hoạch tài chính cho mục tiêu dài hạn.

(iv) Khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ: Khả năng người gửi tiền có thể tiếp cận thông tin và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính tại các kênh ngân hàng, tài chính chính thống và sự sẵn có của sản phẩm tài chính phù hợp với nhu cầu người dùng.

Các yếu tố trên đóng vai trò quan trọng để giúp người dân nâng cao hiểu biết tài chính toàn diện, có khả năng quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, đưa ra quyết định tài chính đúng đắn và đạt được mục tiêu tài chính. Trong đó, kiến thức tài chính và kỹ năng tài chính là những yếu tố nền tảng tạo nên hiểu biết tài chính của mỗi cá nhân, quyết định hành động của người tham gia vào hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, thái độ, hành vi tài chính cũng như khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ được coi là những yếu tố “mềm”, chúng kết hợp với kiến thức tài chính, kỹ năng tài chính để giúp người tham gia hoạt động tài chính đưa ra các quyết định phù hợp tùy vào điều kiện, hoàn cảnh và môi trường tài chính xung quanh. Mỗi yếu tố đều có những vai trò quan trọng, gắn bó mật thiết với nhau, bổ trợ cho nhau để tạo nên hiểu biết tài chính toàn diện cho người sử dụng.

Hiểu biết tài chính đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, tạo nền tảng cho một hệ thống tài chính an toàn và lành mạnh:

Thứ nhất, khi người gửi tiền có kiến thức tài chính, họ có thể nhận biết và phân biệt được các dịch vụ tài chính chính thống, phi chính thống; từ đó, tránh xa những rủi ro tiềm ẩn từ các dịch vụ tín dụng đen hay các hoạt động tài chính không minh bạch. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển, sự tồn tại các dịch vụ tài chính phi chính thống như tín dụng đen gây ra nhiều rủi ro cho người gửi tiền. Người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và miền núi, vẫn thiếu thông tin, kiến thức để phân biệt giữa các dịch vụ tài chính an toàn và không an toàn. Hiểu biết tài chính giúp người gửi tiền nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn từ các dịch vụ này; từ đó, đưa ra quyết định đúng đắn, an toàn hơn, góp phần giảm thiểu thiệt hại tài chính và bảo vệ tài sản cá nhân của họ.

Thứ hai, việc hiểu rõ các quy định và chính sách BHTG giúp người gửi tiền nắm bắt được quyền lợi và trách nhiệm của mình, giúp họ có thể bảo vệ tài sản cá nhân một cách hiệu quả. Chẳng hạn, hiểu biết về hạn mức BHTG, quy trình chi trả bảo hiểm và quyền lợi được bảo vệ bởi BHTGVN sẽ giúp người gửi tiền an tâm hơn khi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

Thứ ba, kiến thức tài chính giúp người gửi tiền đưa ra các quyết định tài chính sáng suốt, quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hơn và xây dựng kế hoạch tiết kiệm, đầu tư phù hợp với điều kiện kinh tế của mình. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của cá nhân họ mà còn góp phần ổn định hệ thống tài chính - ngân hàng, giảm thiểu nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng tài chính do sự hoang mang và rút tiền hàng loạt.

Thứ tư, hiểu biết tài chính tạo nền tảng cho một cộng đồng tài chính thông minh, có trách nhiệm, nơi mà mọi người đều có khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính một cách an toàn, hiệu quả. Do đó, việc tăng cường giáo dục và phổ biến kiến thức tài chính không chỉ bảo vệ quyền lợi người gửi tiền mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.

Như vậy, thông qua giáo dục tài chính, hiểu biết tài chính không chỉ góp phần trực tiếp gia tăng số lượng người trưởng thành tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia như thúc đẩy luân chuyển dòng vốn đầu tư, tiết kiệm trong xã hội, tăng tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh cho thị trường tài chính, hướng tới phát triển bền vững, toàn diện cho mỗi quốc gia.

Thực tiễn tăng cường hiểu biết tài chính trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Tại Việt Nam, NHNN đã trực tiếp chỉ đạo, điều hành các cơ quan liên quan, đặc biệt là BHTGVN phối hợp chặt chẽ để triển khai nhiều hoạt động phổ cập kiến thức, nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói chung và BHTG nói riêng.

BHTGVN thường xuyên truyền thông rộng rãi về các quyền lợi cơ bản của người gửi tiền như hạn mức BHTG, quỹ BHTG và quy trình chi trả. Đồng thời, phổ biến các quy định mới về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng để tư vấn cho người gửi tiền, giúp họ không bị dao động bởi những thông tin tiêu cực và thiếu minh bạch về hoạt động ngân hàng, tránh tình trạng rút tiền hàng loạt, gây rối loạn thị trường. Trong những năm qua, BHTGVN đã chủ động đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, chọn lựa phương pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng công chúng. Thông tin về chính sách BHTG, tin tức về thị trường tài chính - ngân hàng luôn được truyền tải một cách rõ ràng, kịp thời, giúp người dân có hiểu biết đúng đắn, kiên định; từ đó, tin tưởng vào chính sách của Nhà nước và yên tâm gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

Theo kế hoạch, BHTGVN sẽ chú trọng triển khai các hoạt động về giáo dục tài chính, tuyên truyền chính sách đến người dân, nhằm nâng cao hiểu biết về tài chính, ngân hàng và BHTG, từ đó, bảo vệ người dân cũng như người gửi tiền. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025 là 45%; đến năm 2030 là 55% người gửi tiền sẽ nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG, bao gồm: Quyền và lợi ích hợp pháp được bảo vệ, phạm vi tiền gửi được bảo hiểm, hạn mức trả tiền bảo hiểm, thông tin cơ bản về tổ chức BHTG.

Ngoài ra, BHTGVN đã cải thiện hoạt động truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng được phân phối rộng rãi, bao gồm các đài phát thanh, truyền hình, báo và tạp chí. Để truyền bá nhận thức về chính sách BHTG trong công chúng, BHTGVN đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, báo cáo và xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền. Bên cạnh đó, BHTGVN đã nỗ lực truyền tải các thông tin về chính sách BHTG, những thông báo về "điểm nóng" trong chính sách, kiến thức về thị trường tài chính - ngân hàng rõ ràng, kịp thời, bảo đảm người dân có hiểu biết đúng đắn và yên tâm gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, kiên định, tin tưởng vào chế tài của Nhà nước. Qua đó, tìm ra hướng tiếp cận phù hợp với người gửi tiền tại khu vực nông thôn, miền núi thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, tiếp cận tới người gửi tiền là thành viên tại các quỹ tín dụng nhân dân thông qua chính hoạt động thường niên của các tổ chức này.

Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc tăng cường hiểu biết tài chính nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần phải đối mặt. Một trong số đó là mức độ hiểu biết tài chính không đồng đều giữa các vùng, miền, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi, nơi người dân ít có cơ hội tiếp cận thông tin và dịch vụ tài chính. Ngoài ra, còn tồn tại sự chênh lệch về trình độ học vấn và khả năng tiếp thu kiến thức tài chính giữa các nhóm dân cư. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tài chính (Fintech), các sản phẩm tài chính mới cũng đặt ra thách thức trong việc bảo đảm người gửi tiền hiểu rõ và sử dụng chúng một cách an toàn. Hơn nữa, thông tin sai lệch hay các hình thức lừa đảo tài chính ngày càng tinh vi, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nỗ lực hơn nữa trong công tác truyền thông và giáo dục tài chính. Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tài chính và các đơn vị truyền thông vẫn chưa thực sự hiệu quả, đồng bộ, làm giảm khả năng tiếp cận và thụ hưởng các kiến thức tài chính của người dân.

Một số khuyến nghị chính sách

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển, việc nâng cao nhận thức và kiến thức tài chính cho người dân trở thành một nhiệm vụ cấp thiết. Để đạt được mục tiêu này, cần có những giải pháp toàn diện, hiệu quả nhằm bảo đảm mọi người đều có cơ hội tiếp cận và hiểu rõ về các khái niệm, sản phẩm tài chính.

Thứ nhất, tích cực phát triển chương trình giáo dục tài chính toàn diện thông qua phát triển một khuôn khổ cho chương trình giảng dạy tài chính ở tất cả các cấp. Việc tích hợp kiến thức tài chính cơ bản vào chương trình giảng dạy từ tiểu học đến đại học giúp học sinh nắm bắt các khái niệm tài chính sớm; từ đó, nâng cao hiểu biết tài chính của cộng đồng.

Thứ hai, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin tài chính ở khu vực nông thôn, miền núi thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để phát triển ứng dụng di động, cổng thông tin tài chính dễ sử dụng, đặc biệt là hỗ trợ tiếng Việt hay các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, sẽ giúp người dân ở các vùng này dễ dàng tiếp cận thông tin.

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác với những tổ chức địa phương như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các quỹ tín dụng nhân dân để tổ chức các buổi hội thảo và tập huấn nâng cao hiểu biết tài chính tại địa phương.

Thứ tư, phát triển các ứng dụng công nghệ hỗ trợ giáo dục tài chính là cần thiết để bảo đảm thông tin được truyền tải hiệu quả. Các nội dung đa phương tiện như video, đồ họa thông tin, các bài viết dễ hiểu về các khái niệm tài chính cơ bản, sản phẩm tài chính mới… sẽ thu hút sự chú ý và dễ dàng tiếp thu. Bên cạnh đó, việc tổ chức các chương trình phát thanh, truyền hình về giáo dục tài chính trên các kênh phổ biến ở nông thôn, miền núi sẽ giúp mở rộng phạm vi tiếp cận thông tin.

Thứ năm, tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông về sản phẩm, dịch vụ tài chính để người dân tin tưởng hơn vào các sản phẩm, dịch vụ tài chính; từ đó, tự tin tiếp cận và hạn chế việc tham gia sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính phi chính thức.

Tài liệu tham khảo:


1. Đinh Thị Mỹ Hạnh và Đào Tuấn Khanh (2023). Nâng cao hiểu biết tài chính tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính. https://tapchitaichinh.vn/nang-cao-hieu-biet-tai-chinh-tai-viet-nam.html
2. Kiều Phi (2023). Phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. https://daibieunhandan.vn/tai-chinh-doanh-nghiep/phat-huy-vai-tro-bao-ve-quyen-loi-cua-nguoi-gui-tien-i352078/
3. Ngân hàng Thế giới (2024). Hiểu biết tài chính. https://www.worldbank.org/en/topic/financialliteracy
4. Nguyễn Thị Hương Thanh (2017). Cần có chiến lược giáo dục tài chính ở Việt Nam. http://khoahocnganhang.org.vn/news/vi/can-co-chien-luoc-giao-duc-tai-chinh-o-viet-nam/
5. Nguyễn Thị Thanh Bình (2020). Hiểu biết tài chính của người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 3/2020.
6. Thu Trang (2023). Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam với việc phổ cập Kiến thức tài chính cho người gửi tiền, Tạp chí Tài chính. https://tapchitaichinh.vn/bao-hiem-tien-gui-viet-nam-voi-viec-pho-cap-kien-thuc-tai-chinh-cho-nguoi-gui-tien.html
7. Trần Phương Thảo và Nguyễn Thị Kim Loan (2019). Đánh giá hiểu biết tài chính của sinh viên các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Phát triển Kinh tế, số 3/2019.
8. Trần Thị Thanh Hương (2022). Tăng cường giáo dục tài chính, hiểu biết tài chính, năng lực tài chính góp phần nâng cao mức sống dân cư: Bằng chứng từ một số quốc gia trên thế giới.
9. https://scholar.dlu.edu.vn/thuvienso/bitstream/DLU123456789/125818/1/CVv503S072019076.pdf
10 VnExpress (2020). Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân. https://vnexpress.net/bao-hiem-tien-gui-viet-nam-nang-cao-hieu-biet-tai-chinh-cho-nguoi-dan-4165137.html

PGS., TS. Bùi Hữu Toàn
Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng
Theo: Tạp chí Ngân hàng