Tăng cường niềm tin, minh bạch hóa thị trường trái phiếu: Đòn bẩy mở rộng nguồn lực dài hạn

10/02/2025 - 17:57
(Bankviet.com) Với những bước tiến mới trong khung khổ pháp lý, đặc biệt là yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm và tài sản bảo đảm/bảo lãnh thanh toán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển bền vững, minh bạch và sôi động hơn, phần nào đáp ứng được nhu cầu huy động vốn dài hạn của doanh nghiệp, giảm bớt áp lực lên hệ thống ngân hàng. Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc, Chuyên gia phân tích cao cấp Xếp hạng tín nhiệm và Nghiên cứu, VIS Rating đã có những chia sẻ rõ nét liên quan đến “bước chuyển mình” pháp lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Phóng viên: Nhu cầu huy động vốn trên thị trường của các doanh nghiệp, nhất là qua kênh trái phiếu hiện nay ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Duy: Nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp lúc nào cũng có. Kể cả trong giai đoạn thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khủng hoảng thì tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn đạt mức 10-15% mỗi năm, cho thấy nhu cầu về vốn của doanh nghiệp đang rất lớn, nhất là vốn dài hạn.

Hiện tại, quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp so với tổng quy mô tín dụng các ngân hàng rất nhỏ bé, chiếm chưa đầy 10%. Trong khi đó, với nhu cầu vốn của doanh nghiệp lớn như bây giờ thì đáng lẽ, kênh trái phiếu phải là kênh giúp doanh nghiệp huy động vốn dài hạn, tuy nhiên, vai trò đó vẫn chưa được thể hiện một cách hoàn thiện. Mặc dù vậy, đây cũng là dư địa để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.

z6157146876721_ba18009cc59e8a55671ff54b38be323a.jpg
Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc, Chuyên gia phân tích cao cấp Xếp hạng tín nhiệm và Nghiên cứu, VIS Rating

Phóng viên: Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2024 được coi là một bước tiến lớn về hành lang pháp lý để thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển an toàn, minh bạch, bền vững. Ông đánh giá như thế nào về những quy định mới này?

Ông Nguyễn Đình Duy: Trước hết, Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã bổ sung thêm một số điểm và nâng cao tính kỷ luật đối với tất cả các thành viên tham gia thị trường, từ tổ chức phát hành, các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan. Cụ thể:

Với trái phiếu phát hành riêng lẻ, trước đây, theo các quy định trong luật cũ, cụ thể là Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP có đề cập, các trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được phân phối cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và tổ chức chuyên nghiệp. Tuy nhiên, Luật mới đã quy định rõ hơn và chặt hơn với việc phân phối trái phiếu phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp.

Các trái phiếu phát hành riêng lẻ nếu muốn phân phối cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp thì phải đáp ứng các điều kiện: có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản bảo đảm hoặc có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng.

Với trái phiếu phát hành ra công chúng, bởi vì phát hành ra công chúng sẽ được phân phối rộng rãi đến không chỉ nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, mà cả nhà đầu tư cá nhân bình thường, nên Luật mới đưa ra khung các quy định liên quan đến quy định tổ chức phát hành phải đáp ứng tiêu chí về tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu, tỷ lệ quy mô phát hành trái phiếu/vốn chủ sở hữu, cũng như đáp ứng các tiêu chí liên quan đến xếp hạng tín nhiệm.

Tuy nhiên hiện tại, Luật mới chỉ quy định khung như vậy, còn các thông số cụ thể sẽ do cơ quan quản lý quy định trong các nghị định tiếp theo quy định về hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng.

Các quy định này sẽ làm rõ hơn về các tiêu chí cụ thể khi doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu ra công chúng, trong đó đặc biệt liên quan đến xếp hạng tín nhiệm. Chúng tôi kỳ vọng, xếp hạng tín nhiệm sẽ áp dụng cho từng trái phiếu phát hành ra công chúng, không chỉ quy định xếp hạng tín nhiệm cho từng tổ chức phát hành.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vai trò của xếp hạng tín nhiệm trong nhiệm vụ bảo vệ nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển bền vững?

Ông Nguyễn Đình Duy: Xếp hạng tín nhiệm giúp tăng cường thêm một kênh thông tin cho nhà đầu tư trong bối cảnh hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ hiện nay chủ yếu tới từ các công ty chưa niêm yết. Trên thị trường, các công ty này thông tin công bố ra công chúng rất hạn chế.

Xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp truyền tải thông tin về hoạt động, tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp tới nhà đầu tư một cách tốt hơn, giúp tăng tính minh bạch. Doanh nghiệp cũng hoàn toàn có thể chủ động thực hiện và lên kế hoạch liên quan đến xếp hạng tín nhiệm trước khi thực hiện phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Phóng viên: Vậy đối với điều kiện phải có tài sản bảo đảm hoặc có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng thì sao, doanh nghiệp có khó khăn để đáp ứng được điều kiện này hay không?

Ông Nguyễn Đình Duy: Liên quan tới điều kiện này, việc sử dụng tài sản bảo đảm sẽ dễ dàng hơn và có chi phí thấp hơn so với tìm kiếm bảo lãnh thanh toán từ tổ chức tín dụng, bởi vì tài sản bảo đảm hiện chưa có quy định cụ thể về chất lượng và hình thức của tài sản bảo đảm, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động linh hoạt lựa chọn loại tài sản làm tài sản bảo đảm, ngoài ra chưa có quy định giá trị của tài sản bảo đảm/khối lượng phát hành tỷ lệ là bao nhiêu.

Mặt khác, đây cũng là điểm nếu không có quy định cụ thể sẽ tạo thành khoảng trống mà doanh nghiệp có thể linh hoạt làm giảm tính bảo vệ của quy định với nhà đầu tư.

Với bảo lãnh thanh toán từ tổ chức tín dụng, hiểu một cách sơ bộ, trong trường hợp xảy ra sự kiện không thể thanh toán được nợ gốc và nợ lãi đến hạn thì tổ chức tín dụng sẽ đứng ra thanh toán thay cho đơn vị phát hành, tùy theo điều kiện về bảo lãnh. Bảo lãnh toàn phần thì tổ chức tín dụng sẽ thanh toán toàn bộ, nhưng với điều kiện khác thì sẽ phải đánh giá thêm trong trường hợp đó, nhà đầu tư sẽ nhận được bao nhiêu tiền từ phía tổ chức tín dụng. Điều đó dẫn đến nhu cầu cần có đơn vị xếp hạng tín nhiệm để đánh giá chính xác hơn rủi ro của từng trái phiếu.

Phóng viên: Tỷ lệ trái phiếu đáp ứng được điều kiện về xếp hạng tín nhiệm, có tài sản bảo đảm/có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng trên thị trường hiện nay ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Duy: Hiện nay trên thị trường, số lượng các trái phiếu đáp ứng được các tiêu chí này không nhiều. Tuy nhiên, Luật mới cũng có điều khoản chuyển tiếp, trái phiếu riêng lẻ phát hành trước ngày 1/1/2026 thì vẫn theo luật cũ. Vì thế các điều kiện áp dụng cho trái phiếu đã phát hành và phát hành trong năm 2025 sẽ chưa có sự thay đổi. Như vậy, thị trường sẽ có 1 năm để chuẩn bị, không tạo thành điểm nghẽn.

Như đã nêu trên, với yêu cầu có tài sản bảo đảm/có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn phương thức tài sản bảo đảm. Rõ ràng sẽ cần có thêm quy định chặt chẽ hơn về việc sử dụng tài sản bảo đảm, về hình thức, chất lượng tài sản, tính thanh khoản và các quy định liên quan đến quản lý tài sản bảo đảm, thanh lý tài sản bảo đảm khi xảy ra chậm trả gốc/lãi. Những điều kiện này kết hợp cùng với các quy định mới sẽ giúp bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn, cũng như tăng tính minh bạch cho thị trường.

Chúng tôi kỳ vọng, với những nỗ lực ban hành quy định tăng cường bảo vệ nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường phát triển bền vững của cơ quan quản lý sẽ giúp niềm tin thị trường được cải thiện và hoạt động phát hành sẽ sôi động hơn trong năm 2025.

Mặt khác, việc sử dụng xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên phổ biến. Các kết quả xếp hạng sẽ giúp truyền tải ý kiến độc lập về rủi ro và giúp nhà đầu tư xác định mức phần bù rủi ro hợp lý cho các khoản đầu tư trái phiếu của họ.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ông!

Quỳnh Lê (thực hiện)

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ