Giảm tiêu dùng rượu, bia: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có phải là 'cây gậy thần'? Đề xuất lùi lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia vào năm 2027 |
Bộ Tài chính đang đề xuất 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước uống có cồn. Phương án 1, điều chỉnh tăng thuế theo lộ trình. Với rượu từ 20 độ trở lên, năm 2026 sẽ áp dụng mức thuế suất 70%; 2027 là 75%; 2028 là 80%, 2029 là 85% và đến năm 2030 mức thuế này sẽ là 90%. Đối với rượu dưới 20 độ, mức thuế suất từ năm 2026-2030 sẽ ở mức 40 - 60%.
Đối với mặt hàng bia, Bộ này đề xuất, kể từ năm 2026 - 2030, mỗi năm sẽ tăng thêm 5% để đến năm 2030 mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia đạt 90%.
Phương án 2, rượu từ 20 độ trở lên sẽ có mức thuế 80% vào năm 2026 và đạt mức 100% vào năm 2030. Với rượu dưới 20 độ, thì mức thuế 50% được triển khai từ năm 2026 và đến năm 2030 đạt mức 70%. Riêng mặt hàng bia, từ năm 2026 - 2030 sẽ tăng 5%/năm, đạt mức 80% vào năm 2026 và đạt mức 100% vào năm 2030.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia: Lộ trình nào hợp lý? Ảnh: Anh Thư |
Bộ Tài chính kỳ vọng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng giá bán, góp phần hạn chế tiêu thụ mặt hàng này, giảm tác hại của việc uống rượu, bia nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Đồng thời, làm giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, từ đó giảm áp lực lên hệ thống y tế, giảm quá tải bệnh viện.
Qua ghi nhận từ thực tế, một bộ phận người tiêu dùng khá đồng tình với định hướng của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đứng ở góc độ tác động tới lạm phát, nguy cơ tăng sản phẩm nhập lậu, hàng kém chất lượng, các chuyên gia đưa ra nhiều góc nhìn về lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm rượu, bia.
Với kinh nghiệm nghiên cứu, tư vấn về thuế nhiều quốc gia, bà Đinh Thị Quỳnh Vân- Chủ tịch PwC Việt Nam nhận thấy, phần lớn các nước trên thế giới đánh thuế đồ uống theo nồng độ cồn, tức là bia, rượu có nồng độ cồn càng cao, sẽ chịu thuế càng cao. Tuy nhiên, thực tế hiện nay những sản phẩm bia có độ cồn thấp, ít tác hại đến sức khoẻ lại có giá cao nên đôi khi sẽ phải nộp thuế nhiều hơn các sản phẩm có độ cồn cao hơn.
Khi coi nồng độ cồn là nhân tố gây tác hại và chính sách thuế là một trong những công cụ hữu hiệu để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, điều hướng sử dụng những sản phẩm chất lượng cao, độ cồn thấp để tránh tác hại lên sức khoẻ, nhiều ý kiến đề xuất đánh thuế tương đối dựa trên nồng độ cồn với mặt hàng bia, thay vì cào bằng một mức như trước (65%).
“Điều này có nghĩa là cần thiết phải chia biểu mức thuế suất khác nhau tương ứng với độ cồn khác nhau, độ cồn càng cao thì thuế suất càng tăng”, Chủ tịch PwC Việt Nam nhận định.
Đồng tình với quan điểm của Chủ tịch PwC, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, bày tỏ, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia là cần thiết để chống lạm dụng. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần tăng thuế này thì chưa chắc hành vi tiêu dùng đã thay đổi. Để thay đổi được nhận thức cần cả một quá trình tích lũy.
Vì vậy, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, phương án hợp lý là tăng thuế năm đầu 10%, chờ vài ba năm tiếp lại tăng 10% nữa, cứ như vậy liên tục tạo ra những đợt sóng truyền thông, tạo ra những tác động để thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng.
“Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ đạt đến mức thuế suất nhưng đến được đích đó trong thời gian dài hay ngắn thì còn phụ thuộc vào việc thay đổi hành vi nhận thức của người tiêu dùng. Cần phải có lộ trình chứ không nên nóng vội nghĩ rằng trong vòng vài năm tới có thể đạt ngay được mức thuế như thế thì có thể thay đổi được hành vi ”, GS.TS Hoàng Văn Cường nói.
Một băn khoăn nữa, theo bà Đinh Thị Cẩm Vân, theo lộ trình tăng thuế tại dự thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế suất đối với bia sẽ tăng lên đến 90% hoặc 100% vào năm 2030. Vậy từ sau năm 2030 sẽ tăng đến đâu cũng không được đề cập. Đó cũng là lý do rất nhiều quốc gia đánh thuế theo phương pháp tuyệt đối hoặc hỗn hợp, để người dân và doanh nghiệp cảm thấy dễ chấp nhận.
Do vậy, với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, Bộ Tài chính nên xem xét cả phương án hỗn hợp, bao gồm: Đánh thuế tuyệt đối và tương đối, sau đó chuyển dần sang tuyệt đối để tiếp tục lộ trình tăng thuế trong tương lai, tạo sự đồng thuận khi truyền thông. Hơn nữa, đánh thuế theo phương pháp tương đối tính trên lít giúp công tác thu thuế đơn giản và tránh chuyển giá hay các vấn đề phát sinh không mong muốn.