"Do dịch bùng phát, một số ngân hàng lo ngại về rủi ro tín dụng gia tăng ở phía khách hàng, và tình hình này có thể sẽ duy trì trong quý III/2021. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn công bố lợi nhuận tăng trưởng mạnh và hoạt động ổn định trong buổi họp nhằm kêu gọi giảm lãi suất. Do vậy, ảnh hưởng của dịch là không đồng đều," báo cáo viết.
Báo cáo cũng cho thấy trong quý III, các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ thận trọng về tăng trưởng tín dụng hàng năm do diễn biến đại dịch phức tạp, trong khi dự báo tăng trưởng huy động không thay đổi so với trước đó. Tăng trưởng tín dụng và huy động dự báo lần lượt là 11,2% và 9,6%.
Theo VDSC, nguồn cầu hiện tại vẫn duy trì tại một số thành phần kinh tế, nhưng các thủ tục giấy tờ đang bị ảnh hưởng, dẫn đến hạn chế trong giải ngân. Trong khi đó, hoạt động gửi tiền vẫn có thể thực hiện trực tuyến một cách dễ dàng.
Cắt giảm lãi suất sẽ tạo áp lực ngắn hạn lên các ngân hàng
Trong năm 2020, các NHTM đã tiến hành hạ lãi suất huy động như một công cụ chủ chốt để giữ biên lãi thuần (NIM) sau điều chỉnh rủi ro, duy trì tăng trưởng bảng cân đối và phù hợp lãi suất điều hành mới. Một số tổ chức tài chính, bao gồm các ngân hàng cũng cắt giảm chi phí hoạt động để đạt được mức hiệu quả khi chi phí tín dụng và NIM chịu nhiều áp lực.
Báo cáo cho biết ban đầu, NIM quy năm giảm do chênh lệch trong thời gian tái định giá. Tuy nhiên, ngành ngân hàng đã sớm chứng kiến NIM tăng mạnh do cơ cấu tiền gửi thay đổi. Điều này dẫn đến việc các ngân hàng niêm yết công bố tăng trưởng lợi nhuận vượt trội từ quý IV/2020 cho đến quý II/2021.
VDSC cho rằng diễn biến hiện nay đang có phần tương tự. NIM quy năm có thể sẽ bị áp lực trong ngắn hạn, khả năng là trong khoảng một quý dựa trên kỳ hạn tái định giá của các ngân hàng lớn.
Tuy nhiên, bộ phận phân tích không cho rằng chi phí hoạt động có thể giảm xuống mức thấp hơn mà có thể bền vững do CIR của ngành và một số ngân hàng đã giảm rất nhiều, phần lớn đến từ việc giảm quy mô nhân sự.
Ngoài ra, VDSC không kỳ vọng sẽ có sự chuyển dịch trong cơ cấu tiền gửi lần này. Ngược lại, chi phí tín dụng có thể không tăng quá nhiều dựa trên sự hỗ trợ của Thông tư 03, tốc độ mở rộng bảng cân đối ở mức trung bình do hạn mức tín dụng được cấp chưa đạt kỳ vọng.
Bộ phận phân tích dự báo biên NIM sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn, và sự phục hồi sau khi tái định giá sẽ không đáng kể so với năm ngoái. Nhìn chung, NIM quy năm dự kiến vẫn có thể bền vững tại mức cao hơn trước đại dịch, nhưng thấp hơn mức đỉnh trong trong giai đoạn quý IV/2020 tới quý II/2021.
NIM, lãi suất cho vay và huy động ngân hàng niêm yết (Nguồn: VDSC)
Linh Đan
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam