Thông tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022 ngày 3/3 cho biết thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp. Tín dụng tăng trưởng 1,82% so với cuối năm 2021.
Trước đó, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1/2022 đạt 2,74% so với cuối năm 2021, tương đương gần 286.000 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, phản ánh sự tăng tốc đối với nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế trong tháng đầu năm.
Như vậy, số dư tín dụng bơm ra nền kinh tế đã giảm trong tháng 2, tháng có lịch nghỉ Tết Nguyên đán.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến cuối tháng 12, tín dụng đạt 10,4 triệu tỷ đồng. Như vậy, hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế hơn 190.000 tỷ đồng trong hai tháng đầu năm.
Năm 2022, Chứng khoán SSI kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 14 - 15%. Đồng thời ãi suất nhiều khả năng đã chạm đáy trong năm 2021 và sẽ nhích tăng trở lại vào cuối năm.
Cùng quan điểm, Chứng khoán Bảo Việt dự báo tăng trưởng tín dụng có thể lên tới 15% cho cả năm 2022.
Một công ty chứng khoán khác, Chứng khoán BIDV cũng đưa ra hai kịch bản chính cho tăng trưởng tín dụng và M2 cho năm 2022.
Với kịch bản một, M2 và tín dụng ước tính lần lượt tăng 12% và 13%. Theo đó, tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh, lạm phát đi ngang so với hiện tại sẽ tạo nhiều áp lực lên chính sách nới lỏng hiện tại của NHNN. Hiện tượng này sẽ khiến cho M2 và tín dụng có mức tăng trưởng ngang với giai đoạn 2020-2021.
Tại kịch bản số hai, M2 và tín dụng ước tính lần lượt tăng 14% và 13%. Tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới chậm, lạm phát nằm ở mức thấp và từ đó, tạo ít áp lực nâng lãi suất đối với NHNN. Bối cảnh tiền tệ ổn định có thể tạo điều kiện ổn định cho NHNN nâng mức lãi suất và tín dụng trên mức trung bình của giai đoạn 2020 và 2021.
Anh Khôi
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam