Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) "vớ bẫm" nhờ cổ tức Đạm Cà Mau (DCM)

19/06/2024 - 00:52
(Bankviet.com) Đạm Cà Mau cần chi gần 1.100 tỷ đồng để hoàn tất việc thanh toán cổ tức cho hơn 529 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền này dự kiến sẽ được chuyển đến tay cổ đông vào ngày 11/07/2024.

Mới đây, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) đã thông báo về việc chốt quyền chia cổ tức năm 2023 bằng tiền, với ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/06/2024. Với tỷ lệ thực hiện là 20% (mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 2.000 đồng). Đạm Cà Mau cần chi gần 1.100 tỷ đồng để hoàn tất việc thanh toán cổ tức cho hơn 529 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Số tiền này dự kiến sẽ được chuyển đến tay cổ đông vào ngày 11/07/2024.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)
Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM)

Từ đầu năm 2024, giá cổ phiếu DCM đã có xu hướng tăng. Kết phiên giao dịch ngày 18/6/2024, thị giá của DCM ở mức 38.450 đồng/cp, tương ứng với tỷ suất cổ tức khoảng 5,2%.

Hiện tại, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là công ty mẹ của Đạm Cà Mau, sở hữu 75,56% cổ phần (hơn 400 triệu cổ phiếu). Như vậy, PVN sẽ nhận được khoảng 800 tỷ đồng từ đợt chi trả cổ tức này.

Năm 2023, Đạm Cà Mau đạt kỷ lục về sản lượng sản xuất, nhưng lợi nhuận ròng chỉ hơn 1 ngàn tỷ đồng, bằng 1/4 so với năm trước. Nguyên nhân chính là do giá phân bón năm trước giảm sâu. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này vẫn giúp tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt trên 10%, theo lời Chủ tịch HĐQT Trần Ngọc Nguyên.

Trong năm 2024, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu thận trọng với doanh thu gần 11.900 tỷ đồng, giảm 6% so với năm trước, và lợi nhuận sau thuế kế hoạch gần 795 tỷ đồng, giảm hơn 28%. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý 1/2024 khá khả quan với doanh thu hơn 2.700 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ, và lợi nhuận ròng 346 tỷ đồng, tăng hơn 51%. Doanh nghiệp đã thực hiện được 24% kế hoạch doanh thu và 44% mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2024.

Gần đây, Đạm Cà Mau gây chú ý với việc thâu tóm Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt (KVF), một doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 2.100 tỷ đồng. Thương vụ này giúp Đạm Cà Mau bổ sung nhà máy NPK Hàn-Việt, có tổng vốn đầu tư hơn 60 triệu USD, vào hệ sinh thái của mình.

Theo Tổng Giám đốc Văn Tiến Thanh, việc mua lại KVF nhằm tăng sản lượng sản xuất phân bón NPK và tận dụng vị trí chiến lược của KVF, cách cảng Hiệp Phước chỉ 500 mét, thuận lợi cho trung chuyển hàng hóa. Nhà máy này đã có lợi nhuận sau 1 tháng tiếp quản. Dự kiến, nhà máy KVF sẽ giúp Đạm Cà Mau tăng thêm khoảng 60-70 ngàn tấn NPK trong năm 2024.

Hiện tại, nhiều tổ chức tài chính nhận định rằng Đạm Cà Mau sẽ hoàn thành vượt kế hoạch kinh doanh năm 2024 trong bối cảnh giá ure và giá NPK - hai dòng sản phẩm chính của công ty - đang dần hồi phục.

Cụ thể, về giá bán phân ure, nguồn cung phân bón thế giới trong năm 2024 dự kiến sẽ tiếp tục bị thắt chặt. Nguyên nhân là do cả Nga và Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu phân ure. Đồng thời, một số quốc gia tại Trung Đông thực hiện cắt giảm khí tự nhiên cho sản xuất phân ure. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón toàn cầu năm nay được Hiệp hội Phân bón Quốc tế kỳ vọng tăng nhẹ 1,4% so với năm 2023. Đây sẽ là động lực duy trì giá bán ure của Đạm Cà Mau khi công ty đang ngày càng ghi nhận tỷ trọng doanh thu ure xuất khẩu lớn hơn.

Đồng thời, Nhà máy Đạm Cà Mau đã hết khấu hao (khoảng 900 tỷ đồng/năm, theo ước tính của MBS Research). Tổng chi phí khấu hao năm nay của Đạm Cà Mau sẽ giảm khoảng 63% so với năm 2023, bao gồm cả ước tính khấu hao của Nhà máy Phân bón Hàn - Việt mới được Đạm Cà Mau mua lại. Điều này sẽ giúp công ty giảm bớt gánh nặng chi phí, cải thiện lợi nhuận.

Những yếu tố này góp phần củng cố kỳ vọng rằng Đạm Cà Mau sẽ vượt qua các mục tiêu kinh doanh đã đề ra cho năm 2024.

Xuất khẩu thuận lợi, Đạm Cà Mau (DCM) báo lãi 350 tỷ đồng, “của để dành” tăng gấp 14 lần

Ba tháng đầu năm, trong khi các hoạt động cốt lõi khác đi lùi hoặc tăng chậm, việc doanh thu xuất khẩu ure của Đạm ...

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên chi tiêu ra sao sau khi huy động hàng trăm tỷ từ chào bán cổ phiếu ra công chúng?

Một khoản tiền lớn khác là 238 tỷ đồng, đã được sử dụng để thanh toán các khoản vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và ...

Phú quý giật lùi, doanh nghiệp liên quan tới KPF từng bị thu hồi dự án

Theo tìm hiểu, Đầu tư Phúc Hậu có tiền thân là Công ty TNHH Phúc Hậu Tứ Hải được thành lập vào tháng 9/2011, doanh ...

Tuấn Khải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán