Tập đoàn Wärtsilä: Đồng hành cùng Việt Nam hướng tới mục tiêu Net Zero

23/04/2024 - 21:16
(Bankviet.com) Công nghệ động cơ đốt trong được coi là "chìa khóa" quan trọng mở ra cơ hội giúp ổn định nguồn năng lượng tái tạo và tiến gần hơn tới mục tiêu Net Zero.
Quyết liệt triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, hiện thực hóa cam kết Net Zero Net Zero vào năm 2050: Việt Nam cần nhiều hành động thiết thực hơn nữa

Ông Håkan Agnevall, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Wärtsilä cho biết, công nghệ động cơ đốt trong RICE (Reciprocating Internal Combustion Engine) cũng có thể được chuyển đổi để sử dụng khí hydro hoặc các loại nhiên liệu bền vững khác trong tương lai.

Thưa ông, công nghệ động cơ đốt trong RICE được cho là "chìa khóa" quan trọng mở ra cơ hội giúp Việt Nam ổn định năng lượng tái tạo và tiến gần hơn với mục tiêu Net Zero... ông có thể nói rõ hơn về mục tiêu này?

Trong hành trình hướng tới mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu nhằm đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đang nhanh chóng tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) vào hệ thống điện của mình.

Ông Håkan Agnevall, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Wärtsilä
Ông Håkan Agnevall, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Wärtsilä

Với tỷ trọng NLTT ngày càng tăng trong hệ thống, chúng ta cần nguồn linh hoạt giúp đảm bảo độ ổn định và tin cậy cho hệ thống điện trong điều kiện thời tiết không lý tưởng.

Các nhà máy điện sử dụng động cơ đốt trong dạng pit-tông RICE là công nghệ tuyệt vời mang lại sự linh hoạt cần thiết vì chúng có thể khởi động một cách nhanh chóng, tăng giảm công suất liên tục để đạt hiệu suất cao ở các mức tải khác nhau và có mức tải ổn định tối thiểu thấp.

Wärtsilä - một tập đoàn công nghệ đến từ Phần Lan - đã tham gia vào thị trường Việt Nam từ đầu những năm 2000. Sau 23 năm hoạt động Wärtsilä đã có chỗ đứng như thế nào tại thị trường Việt Nam thưa ông?

Năm nay đánh dấu 190 năm thành lập của Wärtsilä, kỷ niệm lịch sử hoạt động gần 2 thế kỷ. Câu chuyện của chúng tôi là về sự đổi mới, chuyển đổi và khởi đầu từ một xưởng cưa ở Phần Lan đã phát triển thành một công ty công nghệ hàng đầu với sự hiện diện trên toàn cầu. Chúng tôi phát triển công nghệ và giải pháp giúp xã hội phát triển, đồng thời giúp các doanh nghiệp đáp ứng quy định nghiêm ngặt của ngành, duy trì hoạt động kinh doanh với các sản phẩm phù hợp với tương lai, và tiếp tục cung cấp dịch vụ cho khách hàng của họ theo những cách bền vững.

Wärtsilä đã có nhiều năm hoạt động tại thị trường Việt Nam và sẽ tiếp tục hỗ trợ các đối tác của mình tại đây trong thời gian tới. Chúng tôi mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đầy tham vọng.

Bên cạnh việc cung cấp các giải pháp cần thiết để tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng, chúng tôi cũng đã có những nghiên cứu mô phỏng hệ thống điện để xác định các bước Việt Nam cần thực hiện nhằm đạt mục tiêu này.

Gần đây nhất, Wärtsilä đang hợp tác với Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO3) cho dự án Nhà máy điện linh hoạt RICE công suất 300 MW tại Ninh Bình. Ông có thể nói rõ hơn về nội dung hợp tác này trong việc xây dựng và phát triển nhà máy điện linh hoạt tại Việt Nam thưa ông?

Wärtsilä đang hợp tác với GENCO3 về dự án Nhà máy điện linh hoạt tại tỉnh Ninh Bình.

Chúng tôi đã cùng trao đổi về đề xuất phát triển dự án Nhà máy điện linh hoạt tại tỉnh Ninh Bình. Nhà máy điện linh hoạt sử dụng công nghệ RICE công suất 300 MW sẽ thay thế nhà máy điện than hiện hữu công suất 100 MW vừa tròn 50 tuổi và nhà máy này sẽ cần phải dừng hoạt động trước năm 2030. Nhà máy mới sử dụng công nghệ RICE của Wärtsilä, sau khi hoàn thành, sẽ cung cấp khả năng linh hoạt cao hơn cho hệ thống điện, đặc biệt tại miền Bắc, đảm bảo luôn ổn định và tin cậy. Với khả năng chuyển sang sử dụng nhiên liệu trung hoà các-bon như hydro xanh trong tương lai, nhà máy sẽ góp phần vào hành trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Tập đoàn Wärtsilä: Đồng hành cùng Việt Nam hướng tới mục tiêu Net Zero
Wärtsilä đang hợp tác với Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO3) cho dự án nhà máy điện linh hoạt RICE công suất 300 MW tại Ninh Bình

Trước đó, vào tháng 8/2023, Wärtsilä đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình về đề xuất dự án Nhà máy điện linh hoạt ICE công suất 300 MW tại tỉnh. Tập đoàn đề xuất được đầu tư xây dựng Nhà máy điện linh hoạt ICE công suất 300 MW, với 17 tổ máy ICE 22 ha. Địa điểm xây dựng nhà máy tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, với tổng mức đầu tư khoảng 5.600 tỷ đồng, dự kiến hàng năm đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng 180 tỷ đồng.

Công nghệ RICE được biết tới với tính linh hoạt tuyệt vời, nhờ có thể vận hành ở mức tải tối thiểu rất thấp, đạt công suất tối đa trong vòng vài phút sau khi khởi động và tăng giảm công suất nhanh chóng với nhiều lần khởi động trong ngày theo yêu cầu, cung cấp tính linh hoạt cần thiết bù đắp cho những biến động trong nguồn cung từ gió và mặt trời.

Điều đó có nghĩa là động cơ RICE linh hoạt có thể giải quyết vấn đề cân bằng hệ thống điện Việt Nam trong khoảng thời gian ngắn hạn (biến động theo giờ), trung hạn (biến động trong ngày) và dài hạn (biến động theo mùa). Và trong bước chuyển đổi cuối cùng sang hệ thống điện trung hoà các-bon, công nghệ RICE có thể chuyển đổi sang chạy bằng nhiên liệu bền vững (hydrogen và amoniac) khi những nhiên liệu này được thương mại hóa.

Wärtsilä có kế hoạch triển khai dự án nào tại Việt Nam trong năm 2024 không và ông có thể chia sẻ về chuyến thăm Việt Nam vừa qua?

Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 3/2024 vừa qua, tôi đã vinh dự được gặp Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lãnh đạo Bộ Công Thương cùng với Đại sứ Phần Lan, ngài Keijo Norvanto.

Chúng tôi đã thảo luận về mối quan hệ bền chặt giữa Phần Lan và Việt Nam, về phía Wärtsilä và cam kết chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trên toàn cầu và các công nghệ tiên tiến nhất nhằm giúp đưa quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam lên một tầm cao mới. Đội ngũ của chúng tôi đang tích cực xây dựng vai trò của tập đoàn là một đối tác tin cậy, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để xây dựng nhà máy điện linh hoạt sử dụng công nghệ RICE đầu tiên cho Việt Nam.

Xin cám ơn ông!

Duy Anh

Theo: Báo Công Thương