Taseco Airs (AST): Hành trình từ hoàng kim đến nguy cơ huỷ niêm yết

14/09/2022 - 02:11
(Bankviet.com) Việc kinh doanh thua lỗ hai năm liên tiếp đã dẫn Công ty CP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs) đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc.

Hoàng kim một thuở

Taseco Airs, thành lập năm 2015, tiền thân là Taseco Nội Bài, được biết tới rộng rãi là doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ sân bay lớn nhất Việt Nam với hơn 100 cửa hàng đặt tại các sân bay lớn, chủ yếu ở sân bay Nội Bài và Đà Nẵng. Công ty chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vào năm 2018 với mã chứng khoán AST.

Với mức giá tham chiếu chào sàn, khi ấy, vốn hoá thị trường của Công ty đạt 1.620 tỷ đồng - trở thành doanh nghiệp dịch vụ hàng không lớn thứ hai chỉ sau Công ty CP Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, sàn UPCOM, mã chứng khoán: SAS).

Nhìn lại hơn 7 năm phát triển, đặc biệt kể từ khi niêm yết, Taseco Airs đã có hành trình tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, về doanh thu, từ con số khiêm tốn 40 tỷ đồng vào năm 2015, Taseco Airs đã vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ đồng vào năm 2019. Chỉ trong 5 năm, doanh thu của công ty đã tăng tới 29 lần. Về lợi nhuận, từ khoản lãi sau thuế vỏn vẹn 1 tỷ đồng vào năm 2015, Taseco Airs đã tăng lên 212 tỷ đồng lãi sau thuế vào năm 2019. Cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ này, cổ phiếu AST của đơn vị cũng được giới chuyên gia đánh giá có tiềm năng đầu tư dài hạn và thanh khoản cao.

Lĩnh trọn "cú đấm" dịch Covid 19

Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên tồi tệ khi ngành hàng không hứng trọn “cú đấm thẳng” từ dịch Covid-19 vào năm 2020 và 2021. Do hoạt động kinh doanh cốt lõi gắn liền với ngành hàng không và du lịch, doanh thu và lợi nhuận của Taseco Airs hai năm này cũng “rơi tự do”.

Cụ thể, năm 2020, doanh thu thuần của Công ty giảm sâu 68,5%, còn 359 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 54% còn 41,7%. Dù đã nỗ lực tiết giảm các loại chi phí (giảm một nửa chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp), song do doanh thu giảm mạnh nên Công ty chịu lỗ trước thuế 49 tỷ đồng.

Năm 2021 còn tồi tệ hơn khi doanh thu tiếp tục giảm 57%, còn 154 tỷ đồng so với năm trước. Như vậy, chỉ sau 2 năm dịch bệnh, doanh thu của Công ty đã giảm tới gần 8 lần so với năm đỉnh cao 2019 trước dịch. Năm này, Công ty tiếp tục chịu lỗ trước thuế tới 128 tỷ đồng.

Taseco Airs nguy cơ bị huỷ niêm yết
Doanh thu và lợi nhuận của Taseco Airs 2 năm 2020 - 2021 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19

Sang năm 2022, nhờ việc khống chế thành công dịch bệnh và “mở cửa bầu trời” vào hồi đầu năm, việc kinh doanh của Taseco Airs cũng trở nên khởi sắc hơn. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Công ty thu về 202 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Dù doanh thu đã được cải thiện nhưng các loại chi phí lại gia tăng. Cụ thể: chi phí bán hàng tăng 25% ở mức 60 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 16,6%, đạt 49 tỷ đồng nên Công ty vẫn chịu lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 7,7 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 67 tỷ đồng). Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, Công ty lỗ trước thuế 7 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ trước thuế 67 tỷ đồng).

Năm 2022, Taseco Airs đặt mục tiêu doanh thu 633 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 23,5 tỷ đồng. Phải nói rằng đây là một kế hoạch đầy thách thức khi đi qua nửa đầu năm, Công ty mới hoàn thành 32% kế hoạch doanh thu và chưa nhìn thấy hy vọng rõ ràng về việc thoát lỗ, chưa nói đến hoàn thành mục tiêu lợi nhuận.

Bế tắc trong phương án kinh doanh

Xem xét bức tranh kinh doanh giai đoạn 2020 - 2021 của Taseco Airs, có thể nhận thấy một số điểm đáng nói. Rõ ràng, Taseco Airs có nhiều hơn một nguyên nhân để giải thích cho sự đi xuống trong hoạt động kinh doanh như ngành hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh. Công ty sẽ thật khó “thanh minh” về việc bế tắc trong phương án kinh doanh của mình.

Cụ thể, trong giai đoạn 2020-2021, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Công ty hầu hết là tiền gửi lãi ngân hàng. Đáng nói, khoản đầu tư này có giá trị và tỷ trọng rất lớn: năm 2020, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 194 tỷ đồng, chiếm 32% tổng tài sản; năm 2021 là 149 tỷ đồng, chiếm 29% tổng tài sản.

Đem tiền gửi ngân hàng là hoạt động đầu tư dễ dàng nhất mà một doanh nghiệp có thể làm, bởi gần như không đòi hỏi bất cứ tư duy chiến lược kinh doanh nào. Chính vì dễ dàng nhất nên kênh tiền gửi cũng có tỷ suất lợi nhuận thấp nhất, chỉ từ 3% - 6,7%. Taseco Airs có thể giải thích một cách hợp lý rằng việc đem tiền gửi ngân hàng lấy lãi là một hoạt động mang tính ứng phó trong hoàn cảnh hoạt động kinh doanh cốt lõi bị gián đoạn do dịch bệnh.

Những bước đường đưa Taseco Airs (AST) đến nguy cơ huỷ niêm yết
Hoạt động kinh doanh ảm đạm đã ảnh hưởng nặng nề tới dòng tiền kinh doanh của Taseco Airs. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, so sánh để thấy, cũng trong hoàn cảnh dịch bệnh đó, nhiều doanh nghiệp đã rất nhanh nhạy trong việc chớp thời cơ, đa dạng hoá các kênh đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận. Không ít đơn vị đã đầu tư cơ hội vào những kênh cổ phiếu, bất động sản, vàng… - những kênh đã có đà tăng phi mã hàng chục % thậm chí bằng lần trong giai đoạn dịch bệnh. Việc Taseco Airs đem một lượng lớn tiền mặt gửi ngân hàng, phần nào cho thấy sự bị động trong phương án đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp này. Chính điều đó là một trong những nguyên nhân khiến Công ty không có được lợi nhuận tốt.

Chẳng hạn năm 2020, doanh thu tài chính đạt 25,6 tỷ đồng; trong đó, lãi cho vay, tiền gửi, trái phiếu là 17,2 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu tài chính giảm 63% so với cùng kỳ, còn 9,5 tỷ đồng; trong đó, lãi cho vay, tiền gửi, trái phiếu là 9,3 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh ảm đạm đã ảnh hưởng nặng nề tới dòng tiền kinh doanh của Taseco Airs. Hai năm dịch bệnh, Công ty rơi vào cảnh âm nặng dòng tiền kinh doanh. Cụ thể, năm 2020, dòng tiền kinh doanh âm 86 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 209 tỷ đồng; năm 2021 tiếp tục âm 84 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do tăng các khoản phải thu.

Dòng tiền kinh doanh âm cũng chính là nguyên nhân khiến Taseco Airs phải tăng cường vay mượn. Có thể nhìn rõ hơn tốc độ vay nợ của Công ty qua dòng tiền vay/trả trong giai đoạn 2020-2021: 107 tỷ đồng/66 tỷ đồng (tăng mạnh 6,7 lần và 3,1 lần so với cùng kỳ năm 2019) và 110 tỷ đồng/107 tỷ đồng.

Việc đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết của Taseco Airs không khỏi khiến nhiều người tiếc nuối, bởi đây vẫn là một doanh nghiệp có nền tảng rất tốt: vốn chủ dày, nợ vay rất ít (hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu duy trì ở mức 0,2), các khoản phải thu chỉ chiếm trung bình 15% tổng tài sản), lượng tiền mặt và tương đương tiền cùng đầu tư tài chính ngắn hạn tương đối dồi dào (trung bình chiếm hơn 30% tổng tài sản).

Với chất lượng tài sản tốt, nguồn lực tài chính vững, nếu Taseco Airs có thể vượt qua cái tao đoạn này, Công ty sẽ nhiều khả năng có thể phục hồi tốt.

Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26/11/2019 thì một trong những trường hợp cổ phiếu của công ty đại chúng bị huỷ bỏ niêm yết là kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị thua lỗ trong 3 năm liên tục.

Bởi vậy, HOSE lưu ý Taseco Airs về khả năng cổ phiếu bị huỷ niêm yết nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế âm.

Hải Thu

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán