Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1 năm tháng 12/2022 cao nhất là bao nhiêu? | |
Nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp |
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới. Trong lần điều chỉnh này, ngân hàng đã tăng lãi suất ở cả các khoản tiết kiệm mở mới và tiết kiệm quay vòng. Trong đó, Techcombank có xu hướng tăng mạnh lãi suất cho nhóm khách hàng thường và các khoản tiết kiệm quay vòng.
Đối với khách hàng ưu tiên gửi từ 3 tỷ đồng, lãi suất từ kỳ hạn 6 tháng trở lên, bất kể tiền gửi mở mới hay quay vòng đều có lãi suất cao nhất là 9,5%/năm. Trong khi trước đó, cùng với số tiền từ 3 tỷ, kỳ hạn 6 tháng đối với nhóm khách hàng này, lãi suất tiền gửi mở mới là 9-9,3%/năm, và tiền gửi quay vòng chỉ 8-8,3%/năm.
Techcombank tăng mạnh lãi suất cho khách hàng thông thường. Ảnh minh họa |
Đối với khách hàng thông thường, tất cả các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đều sẽ áp dụng lãi suất 9-9,1-9,2%/năm, tương ứng với các mốc tiền 1 tỷ - 3 tỷ đồng.
Như vậy, Techcombank đã tăng lãi suất thêm 0,7-1,3%/năm dành cho khách hàng thông thường. Cụ thể, trước đó, khách hàng thông thường gửi từ 6 tháng tại Techcombank sẽ có lãi suất dao động 7,6-8,3%/năm. Trong đó, gửi mở mới sẽ có lãi suất7,9-8,3%/năm, gửi quay vòng sẽ có 7,6-8%/năm.
Ngoài Techcombank, một số ngân hàng khác cũng đã tăng mạnh lãi suất huy động trong tuần qua. Chẳng hạn, từ ngày 6/12, NCB tăng lãi suất lên mức cao nhất là 10,1%/năm, áp dụng cho khách hàng lần đầu gửi tiết kiệm trên NCB IziMobile, kỳ hạn 13 tháng. Bên cạnh đó, lãi cao nhất tại quầy cũng tăng lên 9,35%/năm dành cho kỳ hạn gửi từ 11 tháng – 30 tháng.
Trong khi cuộc đua lãi suất huy động vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì bất ngờ xuất hiện làn sóng hạ lãi suất cho vay thời gian gần đây.
Trong 2 tuần qua, hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, Agribank, SHB, ACB, HDBank, VIB,…đã công bố chương trình hạ lãi suất cho vay, trong đó chủ yếu ưu tiên các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh. Mức giảm lãi suất khoảng 0,5-3%/năm, thời hạn áp dụng đến hết năm 2022 hoặc tháng 1, tháng 2/2023, tuỳ vào chương trình của mỗi ngân hàng. Đây được xem là động thái nhằm hỗ trợ khách hàng trong thời buổi chi phí vốn leo thang hiện nay, đồng thời cũng là để ‘ghi điểm’ với cơ quan quản lý.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống ngân hàng, tương đương tối đa 240 nghìn tỷ đồng. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, khoản room tín dụng nới thêm nhằm tiếp tục tạo điều kiện cung ứng thêm tín dụng cho các doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề đang cần ưu đãi hiện nay. Các ngân hàng thương mại được phân bổ có thể các mức khác nhau, tùy khả năng thanh khoản của mỗi ngân hàng cũng như việc hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng.
“Đây cũng là một trong các chính sách chúng tôi muốn khuyến khích các ngân hàng thương mại tiếp tục hạ lãi suất cho các doanh nghiệp trong thời gian tới. Nếu như các ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn thì cũng ưu tiên phân bổ mức tín dụng nhiều hơn", theo ông Đào Minh Tú.
Thu Thủy (t/h)